Nhịp đập năng lượng ngày 28/7/2023
Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; EVN kiến nghị sớm điều chỉnh giá điện; EU bật đèn xanh cho dự án nhà ga LNG trên bờ đầu tiên của Đức… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 28/7/2023.
Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 893/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, quy hoạch đặt mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5-7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050: tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng 107 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và đạt 165-184 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050. Nâng tổng mức dự trữ xăng dầu cả nước (bao gồm cả dầu thô và sản phẩm) lên 75-80 ngày nhập ròng vào năm 2030. Định hướng sau năm 2030, xem xét tăng dần mức dự trữ lên 90 ngày nhập ròng.
Về chuyển đổi năng lượng công bằng, quy hoạch đặt mục tiêu tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp 15-20% năm 2030 và khoảng 80-85% năm 2050. Tiết kiệm năng lượng khoảng 8-10% vào năm 2030 và khoảng 15-20% vào năm 2050 so với kịch bản phát triển bình thường.
Về phát triển ngành công nghiệp năng lượng, quy hoạch phấn đấu khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước: Sản lượng khai thác dầu thô giai đoạn 2021-2030 đạt 6,0-9,5 triệu tấn/năm. Định hướng giai đoạn 2031-2050 đạt 7,0-9,0 triệu tấn/năm. Sản lượng khai thác khí tự nhiên giai đoạn 2021-2030 đạt 5,5-15 tỷ m3/năm. Định hướng giai đoạn 2031-2050 đạt 10-15 tỷ m3/năm. Sản lượng khai thác than giai đoạn 2021-2030 khoảng 41-47 triệu tấn than thương phẩm/năm. Định hướng giai đoạn 2031-2050, khoảng 39 triệu tấn than thương phẩm vào năm 2045…
Để đạt được các mục tiêu trên, quy hoạch đặt ra 6 giải pháp thực hiện về: huy động và phân bổ vốn đầu tư; cơ chế, chính sách; môi trường, khoa học và công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; hợp tác quốc tế; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
EVN kiến nghị sớm điều chỉnh giá điện
Tại tham luận gửi đến hội thảo về "Cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn 2050”, do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức ngày 28/7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề nghị Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn tài chính cho EVN.
Cụ thể, EVN kiến nghị được điều chỉnh giá bán lẻ điện đầy đủ và kịp thời theo biến động các thông số đầu vào. Về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, EVN mong được Chính phủ và các bộ, ngành cho phép tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh. Để có cơ sở xem xét việc điều chỉnh giá điện các lần tiếp theo trong năm 2023, giá điện tăng không giật cục, có lộ trình, EVN kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.
Dự thảo thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến. Nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% và trong khung giá, EVN được điều chỉnh tăng giá ở mức tương ứng. Thời gian điều chỉnh tối thiểu là 3 tháng. Trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN sẽ có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng. Để thực hiện việc giảm giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
EU bật đèn xanh cho dự án nhà ga LNG trên bờ đầu tiên của Đức
Liên minh châu Âu (EU) ngày 27/7 đã “bật đèn xanh” cho phép Đức cung cấp 40 triệu euro để xây dựng nhà ga khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trên bờ đầu tiên của nước này nhằm tăng cường an ninh năng lượng, trong bối cảnh bị thiếu hụt 50 tỷ m³ LNG do Nga ngừng cung cấp khí đốt cho nước này.
Để khuyến khích công ty Gasunie của Hà Lan và RWE của Đức tham gia xây dựng nhà ga, cả hai sẽ nhận được 40 triệu Euro thông qua biện pháp thiết lập cổ tức đặc biệt. Dự án xây dựng dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 1,3 tỷ euro. Khoảng 50% cổ phần được nắm giữ bởi Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), 40% của Gasunie và 10% của RWE.
Nhà ga mới dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026-2027, có thể tiếp nhận 10 tỷ m3 LNG mỗi năm, thay thế khoảng 1/5 khối lượng khí đốt từng nhập khẩu từ Nga. Khi nhà ga đi vào hoạt động, cơ sở này sẽ thay thế nhà ga LNG nổi hiện có ở Brunsbüttel và công suất tái hóa khí lên tới 7,5 tỷ m3. Cơ sở này dự kiến sẽ hoạt động đến năm 2044.
Cộng hòa Czech đổ đầy kho dự trữ mà không cần khí đốt từ Nga
Báo Novinky (Cộng hòa Czech) mới đây đưa tin, các kho chứa khí đốt của Czech đã đầy 90% cho mùa sưởi ấm sắp tới, trong khi không nhập một m3 nào từ Nga. Bộ trưởng Bộ Công Thương Czech Josef Sikela nhấn mạnh: “Các bể chứa khí đốt ở Czech hiện đã đầy hơn 89%, mặc dù thực tế là chúng tôi hiện không nhận được khí đốt từ Nga”.
Theo dữ liệu từ cơ quan Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE AGSI), các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất của Czech đã đầy 89,9% tính đến ngày 22/7.
Novinky nêu rõ việc quá trình tích đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt của Czech là nhờ được cung cấp LNG thường xuyên từ nhà máy Emshaven của Hà Lan. Tập đoàn năng lượng ČEZ của Czech cho biết, trong nửa đầu năm nay, trạm ở đó đã xử lý 12 tàu chở LNG đến quốc gia Trung Âu này.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-2872023-690556.html