Nhịp đập năng lượng ngày 7/7/2023

Ngành năng lượng cơ bản đáp ứng nhu cầu nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm; Australia sẵn sàng hỗ trợ lộ trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam; 4 quốc gia mua nhiên liệu hóa thạch Nga nhiều nhất trong nửa đầu năm 2023… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 7/7/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ngành năng lượng cơ bản đáp ứng nhu cầu nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm

Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 sáng 7/7, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện nhiều nhóm giải pháp cụ thể về tiết kiệm điện; Đảm bảo cung ứng than, khí cho phát điện; Tích cực bổ sung các nguồn điện mới cho hệ thống; Đảm bảo khả năng truyền tải…

Trong đó, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia tháng 6 năm 2023 ước đạt 25,323 tỷ kWh. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 136,090 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), đạt 47,8% so với kế hoạch năm 2023 là 284,5 tỷ kWh.

Ngành Dầu khí hoàn thành vượt mức kế hoạch với tổng sản lượng khai thác dầu khí quy dầu ước thực hiện 6 tháng đạt 9,48 triệu tấn quy đổi, vượt 20% so với kế hoạch 6 tháng và bằng 62% với kế hoạch năm 2023.

Ngành than cũng đã nỗ lực vượt qua khó khăn cơ bản hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm, than thương phẩm sản xuất khoảng 30,23 triệu tấn, đạt 52,23% kế hoạch năm, tăng 9,32% so với cùng kỳ năm 2022.

Australia sẵn sàng hỗ trợ lộ trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam

Sáng 7/7, tại buổi tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thông tin về lộ trình triển khai Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam và bày tỏ mong muốn Australia sẽ tham gia xây dựng cơ chế phối hợp, cùng hành động của các nước phát triển và đang phát triển.

Phó Thủ tướng đề nghị Australia chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất hydro xanh, amoniac xanh từ năng lượng tái tạo với chi phí phù hợp; cách thức tiếp cận, quản lý lưới điện, hệ thống truyền tải năng lượng thông minh; giải quyết "bài toán" nguồn lực tài chính cho chuyển đổi năng lượng; phương án thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch; tư vấn, trợ giúp hình thành thị trường tín chỉ carbon.

Đại sứ Andrew Goledzinowski cho biết Chính phủ Australia đánh giá cao những cam kết của Việt Nam và sẵn sàng hỗ trợ lộ trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Australia cũng rất quan tâm đến định hướng phát triển năng lượng tái tạo trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…

4 quốc gia mua nhiên liệu hóa thạch Nga nhiều nhất trong nửa đầu năm 2023

Doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga đã giảm đáng kể so với mức đỉnh vào tháng 3/2022. Song dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) cho thấy, nhiều quốc gia vẫn nhập khẩu hàng triệu USD mặt hàng này từ Nga mỗi ngày.

Cụ thể, Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí số 1 khi nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch Nga đạt 30 tỷ USD, tính từ đầu năm tới ngày 16/6/2023. Gần 80% trong số này là dầu thô. Tuy vậy, con số bình quân mỗi ngày đã giảm từ 210 triệu USD của năm 2022 xuống còn 178 triệu USD trong năm nay, chủ yếu do giá dầu thô Nga giảm.

Theo sau Trung Quốc, EU vẫn nhập khẩu 18,4 tỷ USD nhiên liệu hóa thạch Nga, với tỷ lệ dầu thô và khí đốt lần lượt là 60% và 40%. Ấn Độ đứng thứ ba với kim ngạch nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch Nga tăng gấp hơn 10 lần kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra, chủ yếu là dầu thô giá rẻ của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ tư khi nhập khẩu hơn 10 tỷ USD nhiên liệu hóa thạch Nga trong nửa đầu năm 2023.

Mỹ và Mexico còn nhiều vướng mắc về chính sách năng lượng

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai ngày 6/7 cho biết mặc dù Mỹ và Mexico đã đạt được một số tiến triển nhất định trong quá trình giải quyết bất đồng liên quan chính sách năng lượng của Mexico, song hai bên vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Mỹ và Canada đã yêu cầu đàm phán giải quyết bất đồng về vấn đề năng lượng với Mexico vào tháng 7/2022, vì cho rằng nước này áp dụng quá đà các chính sách bảo hộ doanh nghiệp năng lượng trong nước, và việc này không những vi phạm các quy ước, mà còn ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài tham gia ngành năng lượng của Mexico.

Phát biểu với báo giới trước khi tham dự cuộc họp thường niên Ủy ban Thương mại Tự do của Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), bà Katherine Tai bày tỏ tin tưởng rằng cơ chế giải quyết tranh chấp hiện hành của USMCA sẽ phát huy tác dụng trong việc giải quyết vấn đề năng lượng nói trên. Bà cho biết nếu hai bên không thể đạt được tiến triển, bước tiếp theo trong quy trình chính thức sẽ là yêu cầu thành lập một ban giải quyết tranh chấp.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-772023-688962.html