Nhịp đập năng lượng ngày 9/5/2023

Cơ chế giá điện chưa hợp lý; Cơ cấu nguồn điện giai đã có sự chuyển dịch đáng kể; Giá dầu có thể sắp chạm đáy… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 9/5/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Cơ chế giá điện chưa hợp lý

Sáng 9/5, tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Đáng chú ý, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nhận định “Cơ chế giá điện hiện nay là không hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp, trong đó chiếm số lượng lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” - cơ quan thẩm tra cho rằng đây là một bất cập đã được nhắc đến từ nhiều năm nay nhưng chưa được xem xét, thay đổi.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26.000 tỉ đồng năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đồng thời sớm có giải pháp sớm khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện.

Cơ cấu nguồn điện đã có sự chuyển dịch đáng kể

Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 của Chính phủ vừa gửi Quốc hội cho thấy, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo vượt mức 480% thì các nguồn nhiệt điện chỉ đạt gần 60%. Cơ cấu nguồn điện đã có sự chuyển dịch đáng kể từ các nguồn năng lượng xám sang năng lượng sạch; tỷ lệ các nhà máy nhiệt điện than giảm dần từ 34% năm 2016 xuống còn khoảng 32,51% năm 2021, trong khi năng lượng tăng dần từ mức không đáng kể (khoảng 0,3%) năm 2016 lên tới gần 27% vào năm 2021).

Trong các năm 2019, 2020 và 2021 sản lượng điện phát từ nguồn điện gió, mặt trời đạt tương ứng 5,242 tỷ kWh, 10,994 tỷ kWh và 29 tỷ kWh, góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao (năm 2019 giảm khoảng 2,17 tỷ kWh năm 2019 và năm 2020 giảm 4,2 tỷ kWh, tiết kiệm khoảng 10.850-21.000 tỷ đồng cho việc sử dụng dầu để phát điện).

Tuy nhiên báo cáo cũng nhận định việc chuyển hướng sang năng lượng sạch cũng gây ra nhiều thách thức. Đó là chi phí để thực hiện chuyển dịch năng lượng lớn, gây áp lực lên giá điện; hệ thống lưới điện chưa đáp ứng độ linh hoạt khi tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống; giá bán lẻ điện bình quân tại Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trên thế giới, chưa có cơ chế linh hoạt về giá bán lẻ...

Giá dầu có thể sắp chạm đáy

Ed Morse, Giám đốc Nghiên cứu Hàng hóa Toàn cầu của Citigroup cho biết hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy giá dầu đã chạm đáy, hàng tồn kho tăng nhiều trong hai tháng đầu năm và sau đó giảm đi.

Ông nói thêm rằng, các thị trường hiện đang phải đối mặt với tác động của việc cắt giảm sản lượng gần đây của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) và thế giới đang bước vào mùa nhu cầu cao hơn. Tháng trước, OPEC+ cho biết sẽ cắt giảm sản lượng 1,16 triệu thùng/ngày. Việc cắt giảm có hiệu lực vào tháng 5 và sẽ kéo dài đến cuối năm 2023. “Chúng tôi đang có cái nhìn tích cực hơn trong quý II và quý III so với những gì đã xảy ra trong quý đầu năm”, ông Ed Morse cho biết.

Ngân hàng ANZ cũng tin rằng sự sụt giảm của giá dầu có thể sớm chạm đáy, với nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 2 triệu thùng/ngày, khiến thị trường luôn thiếu hụt nguồn cung trong suốt năm 2023. “Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ và nhu cầu của Trung Quốc phục hồi có thể sẽ bù đắp cho nhu cầu chậm hơn ở những nơi khác… Do đó, chúng tôi kỳ vọng giá dầu sẽ sớm chạm đáy”, ngân hàng ANZ cho biết trong một báo cáo ngày 8/5.

Nhà máy điện hạt nhân Ukraine bị tạm dừng hoạt động

Các hoạt động tại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia đang bị đình chỉ vì khả năng bị lực lượng Ukraine "nhắm mục tiêu", hãng thông tấn nhà nước TASS cho biết hôm 8/5.

Người đứng đầu cơ quan giám sát năng lượng hạt nhân của Liên Hợp Quốc, ông Rafael Grossi, trước đó cho biết tất cả 6 lò phản ứng tại cơ sở năng lượng hạt nhân lớn nhất châu Âu đã ở trạng thái "ngừng hoạt động", nghĩa là chúng không sản xuất điện nhưng vẫn được nạp nguyên liệu hạt nhân.

Ông Grossi cảnh báo hôm 8/5 rằng tình hình xung quanh nhà máy đã trở nên "nguy hiểm tiềm tàng" khi Nga bắt đầu sơ tán người dân khỏi các khu vực lân cận. Khoảng 3.000 người đã được sơ tán khỏi các ngôi làng gần chiến tuyến, TASS dẫn lời ông Balitsky cho biết khoảng 1.000 trẻ vị thành niên đã được sơ tán khỏi khu vực.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-952023-684520.html