Nhịp đập năng lượng ngày 9/7/2023
Gấp rút triển khai dự án đường dây 500kV mạch 3; Huy động các nguồn điện đều tăng; Châu Phi là một thị trường trọng điểm mới của Nga… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 9/7/2023.
Gấp rút triển khai dự án đường dây 500kV mạch 3
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên - Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực vừa chủ trì cuộc họp để bàn và thống nhất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) khẩn trương hoàn tất hồ sơ các dự án trong tháng 7/2023, bảo đảm chất lượng.
Dự án được trình các cơ quan có thẩm quyền để thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong tháng 8/2023 và phê duyệt dự án đầu tư trong tháng 9/2023. Trên cơ sở đó chủ đầu tư thống nhất với địa phương để triển khai giải phóng mặt bằng chậm nhất đến tháng 6/2024 phải hoàn thành dự án, đưa vào vận hành theo đúng tiến độ.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài có chiều dài 514km, được nối từ Quảng Trạch ra Phố Nối (Hưng Yên) với tổng vốn đầu tư 23.000 tỉ đồng, có 4 tiểu dự án. Dự án này được phê duyệt trong tổng sơ đồ điện 8 để thực hiện truyền tải điện liên miền ra miền Bắc, tăng khả năng cung ứng điện.
Huy động các nguồn điện đều tăng
Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), trong 2 ngày 7-8/7, phụ tải toàn hệ thống điện tiếp tục tăng cao so với những ngày trước đó, bình quân mỗi ngày đạt 904,8 triệu kWh tăng 29,4 triệu kWh so với ngày 6/7. Trong đó miền Bắc nhu cầu điện ước khoảng 465,5 triệu kWh, tăng khoảng 23,6 triệu kWh so với ngày 6/7, miền Trung khoảng 79,9 triệu kWh giảm 0,3 triệu kWh so với ngày 6/7, miền Nam khoảng 385,9 triệu kWh tăng 33,1 triệu kWh so với ngày 6/7.
Về cơ cấu huy động nguồn điện, A0 cho biết, tổng sản lượng huy động từ thủy điện đạt khoảng 253,9 triệu kWh (miền Bắc là 151,6 triệu kWh). Nhiệt điện than huy động 458,3 triệu kWh (miền Bắc đạt 287,7 triệu kWh). Tuabin khí huy động 84,7 triệu MW. Điện năng lượng tái tạo đạt 60,3 triệu kWh, trong đó điện gió là 7,9 triệu kWh, công suất cao nhất lúc 16h30 đạt 794,3 MW, điện mặt trời Farm huy động 52,4 triệu kWh, công suất cao nhất lúc 11h30 đạt 6.766,8MW.
Theo nhận định của A0, thời gian tới, khu vực miền Bắc được dự báo sẽ bước vào giai đoạn lũ chính vụ, lưu lượng nước về các hồ thủy điện dự kiến sẽ tăng cao hơn so với thời gian qua. Vì vậy, các nhà máy thủy điện miền Bắc cần phải được điều chỉnh huy động cao, vừa để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện miền Bắc, đồng thời hạ dần mực nước hồ để tạo dung tích đón lũ, phòng lũ theo quy định.
Châu Phi là một thị trường trọng điểm mới của Nga
Theo thống kê vào tháng 3, nguồn cung dầu của Nga sang châu lục này đã đạt mức 420 nghìn thùng mỗi ngày, tăng 14 lần trong năm và chiếm 1/4 tổng lượng xuất khẩu vàng đen trong nước. Vào tháng 6, theo số liệu từ S&P Global, mức bán dầu của Nga sang châu Phi đã giảm xuống còn 250 nghìn thùng mỗi ngày, tuy nhiên đây vẫn là một con số rất cao.
Khối lượng nhập khẩu nhiên liệu từ Liên bang Nga có liên quan trực tiếp đến khả năng thanh toán của người tiêu dùng tại châu Phi, cũng như khả năng các công ty của Moskva tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng liên quan. Cùng với đó, giao dịch dầu mỏ từ Liên bang Nga trên lục địa châu Phi đang mở rộng. Mới đây nhất, Ghana, Togo và Senegal nằm trong số các quốc gia mua tài nguyên năng lượng của Nga.
Theo các chuyên gia, doanh số bán dầu của Nga sang châu Phi tăng ở một mức độ nào đó là do nguồn cung nhiên liệu từ Hà Lan giảm. Đồng thời, sự ổn định của nguồn cung dầu từ Liên bang Nga đến các nước châu Phi được đảm bảo bởi dân số ngày càng tăng ở khu vực này, trong khi họ lại thiếu các doanh nghiệp xử lý tài nguyên năng lượng.
Công ty của Áo khẳng định tiếp tục mua khí đốt của Nga
Trong cuộc phỏng vấn của nhật báo Financial Times (Anh), ông Alfred Stern - người đứng đầu công ty OMV của Áo - cho biết doanh nghiệp này sẽ tiếp tục mua lượng lớn khí đốt của Nga vào mùa đông tới.
Năm 2018, OMV đã ký hợp đồng dài hạn với tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đến năm 2040. Ông Stern nói: “Miễn là Gazprom cung cấp…, chúng tôi sẽ tiếp tục nhận được khí đốt từ Gazprom”.
Đề cập đến các lệnh trừng phạt đối với khí đốt của Nga, người đứng đầu OMV cảnh báo “việc loại bỏ một số nguồn nhất định cũng sẽ dẫn đến tăng giá. OMV sẽ sử dụng những nguồn này miễn là chúng được chấp nhận về mặt pháp lý”.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-972023-689077.html