Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 1/4/2023
Đức sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng; Quyết định mới nhất của EU về giá trần với dầu Nga; Ấn Độ tăng nhập dầu mỏ của Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 1/4/2023.
Đức sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng
Trong khuôn khổ tuần lễ Đối thoại Chuyển đổi Năng lượng Berlin 2023, ngày 31/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức đã phối hợp với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu (VINEU) tổ chức Hội thảo về “Tăng cường hợp tác trong khuôn khổ chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cho Việt Nam vào năm 2050."
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, ngoài việc phát huy nội lực, các đối tác sẽ là một bên đồng hành hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cũng như đẩy nhanh việc đạt đỉnh điểm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Về phần mình, Quốc vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Đức Jochen Flasbarth khẳng định Đức sẵn sàng trở thành một đối tác đáng tin cậy và có năng lực cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Các giải pháp sẵn có của Liên minh châu Âu (EU) nói chung và Đức nói riêng có thể được chuyển giao cho Việt Nam thông qua các hoạt động đầu tư và thương mại.
Quyết định mới nhất của EU về giá trần với dầu Nga
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 31/3 thông báo mức giá trần hiện tại mà các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) áp lên dầu Nga sẽ không thay đổi.
Trước đó, vào đầu tuần, các nước Nhóm G7 không đồng ý hạ mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga vì cho rằng mức trần hiện tại đối với dầu mỏ Nga đã phát huy hiệu quả trong việc hạn chế doanh thu năng lượng của Moscow mà không gây bất ổn cho thị trường “vàng đen” toàn cầu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hồi đầu tháng 3 cũng cho biết biện pháp áp trần giá dầu Nga của phương Tây đã đạt mục đích khi giảm nguồn thu của Moscow nhưng không khiến giá nhiên liệu biến động. Báo cáo của IEA cho thấy doanh thu xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 2/2023 là 11,6 tỷ USD, giảm 2,7 tỷ USD so với tháng trước đó trong khi sản lượng tăng mạnh.
Ấn Độ tăng nhập dầu mỏ của Nga
Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ ba thế giới sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhu cầu nhập khẩu của quốc gia này lên tới 85%. Trước đây các nhà cung cấp năng lượng chính cho quốc gia tỷ dân là các nhà sản xuất Trung Đông. Tuy nhiên, bây giờ Nga đang chiếm vị trí đầu bảng.
Vào tháng 3, Ấn Độ đã nhập khẩu từ Nga 1,62 triệu thùng mỗi ngày, 40% tổng lượng dầu nhập khẩu của nước này, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Được biết, con số này tăng từ khoảng 70.000 thùng/ngày.
Mới đây, công ty năng lượng khổng lồ của Nga - Rosneft đã công bố một thỏa thuận "tăng đáng kể" nguồn cung cho Công ty Dầu khí Ấn Độ thuộc sở hữu nhà nước sau chuyến thăm Ấn Độ của Giám đốc điều hành Igor Sechin.
Australia thông qua luật yêu cầu nhà máy lọc dầu hạn chế khoảng 5% khí thải/năm
Các nhà lập pháp Australia đã thông qua luật mới giới hạn lượng khí thải nhà kính từ những nguồn gây ô nhiễm tồi tệ nhất. Các mỏ than và nhà máy lọc dầu sẽ phải hạn chế lượng khí thải khoảng 5% mỗi năm.
Luật khí hậu mang tính đột phá này đã được Nghị viện Australia thông qua hôm 31/3. Thủ tướng Anthony Albanese cho biết Australia đang thực hiện các nghĩa vụ của mình sau “10 năm phủ nhận, trì hoãn và không hành động”.
Luật mới, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp than, khí đốt và dầu mỏ, sẽ có hiệu lực vào tháng 7 tới và ít nhất sẽ tạm thời chấm dứt những gì người Australia gọi là "cuộc chiến khí hậu".
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-thi-truong-nang-luong-ngay-142023-681782.html