Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 15/4/2023
UAE là đối tác quan trọng của Việt Nam về lĩnh vực năng lượng; Toàn cầu sẽ khát dầu thô khi kinh tế Trung Quốc phục hồi; Đức chính thức đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 15/4/2023.
UAE là đối tác quan trọng của Việt Nam về lĩnh vực năng lượng
Đề cập đến hợp tác với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), ngày 14/4, ông Trương Xuân Trung - phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE khẳng định, còn nhiều dư địa để phát huy hơn nữa tiềm năng của 2 nền kinh tế vốn có thế mạnh bổ sung cho nhau. Đặc biệt, Việt Nam luôn coi UAE là một trong những đối tác quan trọng nhất tại Trung Đông về lĩnh vực năng lượng.
Để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Cơ sở hạ tầng UAE một số lĩnh vực hợp tác cụ thể giữa hai bên, như ký mới Bản ghi nhớ về lĩnh vực năng lượng giữa hai nước; tạo điều kiện để các đối tác UAE sớm làm việc với Việt Nam để hợp tác trong lĩnh vực dầu khí; xem xét khả năng đầu tư xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ dầu thô, sản phẩm hóa dầu tại Việt Nam để cung cấp cho khu vực châu Á…
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu việc hợp tác với UAE trong lĩnh vực năng lượng, nhất là về dầu khí đạt kết quả sẽ giúp ích rất nhiều cho việc hỗ trợ đảm bảo an ninh năng lượng, dự trữ xăng dầu của Việt Nam.
Toàn cầu sẽ khát dầu thô khi kinh tế Trung Quốc phục hồi
Cơ quan Năng lượng thế giới (IEA) dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2023 đang trên đà tăng lên mức kỷ lục 101,9 triệu thùng/ngày do Trung Quốc dẫn đầu đà tăng trưởng kinh tế trong số các quốc gia đang phát triển.
Mức trung bình hàng ngày dự đoán của IEA cho năm 2023 cao hơn 2 triệu thùng/ngày so với con số của năm ngoái. Giá một thùng dầu đã tăng từ 85,62 đô la (68,44 bảng Anh) lên 86,10 đô la vào sáng 14/4 sau khi báo cáo của IEA được công bố.
Cơ quan này cảnh báo rằng quyết định cắt giảm sản lượng gần đây của các nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới có thể đẩy giá dầu lên cao hơn, giáng một đòn mạnh vào nỗ lực giảm lạm phát và thiết lập lại tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển. “Đây là điềm xấu cho sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế”, “Người tiêu dùng phải đối mặt với tình trạng tăng giá, từ những nhu yếu phẩm cơ bản đến những hạng mục có giá trị cao hơn như ôtô, nhà đất...", IEA nhận định.
G7 tập trung giải quyết vấn đề an ninh năng lượng và trung hòa carbon
Các bộ trưởng thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 15/4 đã bắt đầu cuộc họp kéo dài 2 ngày tại thành phố Sapporo (miền Bắc Nhật Bản), nhằm tìm giải pháp tăng cường an ninh năng lượng, đồng thời đẩy nhanh các nỗ lực trung hòa carbon.
Tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm ngoái do Đức chủ trì, các quốc gia thành viên đã nhất trí trung hòa carbon "hoàn toàn hoặc phần lớn" trong ngành điện vào năm 2035, song không thống nhất được mốc thời gian cụ thể về mục tiêu loại bỏ dần sản xuất điện than do sự phản đối của các nước nghèo tài nguyên. Nhật Bản là một trong số những quốc gia tuyên bố tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch có chi phí tương đối rẻ này.
Tại cuộc họp năm nay, Anh và Canada cho rằng cần loại bỏ cụm từ "phần lớn" nêu trên, đồng thời thúc đẩy quá trình khử carbon hoàn toàn trong ngành điện vào năm 2035, trong khi Đức là một trong những quốc gia kêu gọi loại bỏ dần điện than mà không hạn chế các công nghệ giảm lượng khí thải.
Đức chính thức đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng
Ngày 15/4, Đức chính thức đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng, qua đó chấm dứt chương trình phát triển điện hạt nhân kéo dài 6 thập niên qua để nỗ lực thực hiện tăng trưởng xanh mà không cần năng lượng nguyên tử. Ba nhà máy bị đóng cửa là Isar II, Emsland và Neckarwestheim II.
Việc đóng cửa các nhà máy trên diễn ra chậm hơn 3 tháng so với kế hoạch, do cuộc khủng hoảng giá năng lượng xuất phát từ cuộc xung đột tại Ukraine. Thay vì phải đóng cửa vào ngày 31/12/2022, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã đồng ý kéo dài tuổi thọ các nhà máy thêm 3 tháng, đến ngày 15/4. Ba nhà máy này đã cung cấp 5% nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Đức trong 3 tháng qua.
Kể từ năm 2003 đến nay, Đức đã đóng cửa 16 lò phản ứng hạt nhân, làm giảm mạnh tỷ trọng năng lượng cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ của cả nước. Trong năm ngoái, năng lượng hạt nhân chỉ chiếm 6% tổng sản lượng toàn quốc, trong khi năng lượng tái tạo chiếm tới 44%, tăng gần 1,8 lần so với mức 25% cách đây một thập niên. Đức hiện đang nỗ lực thực thi kế hoạch sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo vào năm 2035.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-thi-truong-nang-luong-ngay-1542023-682805.html