Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/9/2022
EU lo ngại các nguy cơ từ việc áp dụng trần giá khí đốt; Nga khởi tố vụ án về khủng bố quốc tế Dòng chảy phương Bắc; Na Uy điều quân đội bảo vệ cơ sở khai thác dầu khí… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 29/9/2022.
EU lo ngại các nguy cơ từ việc áp dụng trần giá khí đốt
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 28/9 cảnh báo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) rằng việc áp dụng trần giá khí đốt nói chung sẽ phức tạp và gây ra những nguy cơ về an ninh năng lượng. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh các nước thành viên kêu gọi Brussels can thiệp để kiềm chế giá nhiên liệu tăng.
Theo EC, việc áp dụng trần giá bán buôn với các giao dịch trao đổi ngoại tệ, gồm cả khí đốt hóa lỏng và khí đốt dẫn qua đường ống, có thể làm gián đoạn dòng chảy nhiên liệu giữa EU và các nước. EU cũng sẽ cần những nguồn tài chính đáng kể để đảm bảo các thành viên đủ sức cạnh tranh với các thị trường khác để mua được nhiên liệu.
Việc áp trần giá bán buôn khí đốt nói cũng có thể gây gián đoạn nguồn cung từ các nước ngoài so với việc chỉ áp giá trần với khí đốt dẫn qua đường ống. EC cũng phân tích những phương án khác nhằm ứng phó với tình trạng khan hiếm năng lượng, trong đó có biện pháp áp giá trần khí đốt ở quy mô có giới hạn. EC khuyến nghị thành viên đàm phán với các nhà cung cấp thân thiết để giảm giá, hoặc cùng đàm phán mua khí đốt để được giá tốt hơn và chia sẻ nguồn cung không dùng đến.
Nga khởi tố vụ án về khủng bố quốc tế Dòng chảy phương Bắc
Ngày 28/9, Cơ quan An ninh LB Nga (FSB) dựa trên các tài liệu của Văn phòng Tổng Công tố Liên bang Nga, đã khởi tố vụ án hình sự về hành vi khủng bố quốc tế liên quan đến các vụ nổ trên đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương bắc 1 và Dòng chảy Phương bắc 2 do có dấu hiệu của tội phạm theo Phần 1 Điều 361 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga (Đạo luật Khủng bố Quốc tế).
Theo Văn phòng Tổng Công tố Nga, muộn nhất là ngày 26/9, tại khu vực đảo Bornholm, thuộc vùng biển Đan Mạch, các hành động cố ý đã được thực hiện nhằm làm hư hỏng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 và phương Bắc 2 đặt dưới đáy biển Baltic.
Các đường ống này cung cấp khí đốt tự nhiên cho các nước thuộc Liên minh châu Âu cả để sử dụng trong công nghiệp và sưởi ấm cho khu dân cư. Hậu quả của những hành động này đã gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể cho Liên bang Nga.
Phát hiện thêm 1 vụ rò rỉ trên đường ống Dòng chảy phương Bắc
Ngày 28/9, báo Svenska Dagbladet đưa tin Lực lượng bảo vệ bờ biển Thụy Điển đã phát hiện vụ rò rỉ thứ 4 trên tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc dưới biển Baltic vận chuyển khí đốt từ Nga tới Đức.
Trước đó, Thụy Điển và Đan Mạch đã ghi nhận 3 vụ rò rỉ khí đốt trên cả 2 tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2. Cả hai tuyến đường ống này vẫn được bơm đầy khí đốt nhưng không vận chuyển nhiên liệu đến châu Âu. Các đường ống có đường kính bên trong là 1,153 m.
Cũng về vấn đề này, Thụy Điển cho biết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sẽ nhóm họp trong ngày 30/9 để thảo luận sự cố rò rỉ nghi là do phá hoại. Hai nước Thụy Điển và Đan Mạch được yêu cầu cung cấp thông tin cho các thành viên HĐBA LHQ về các sự cố rò rỉ xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của hai quốc gia Bắc Âu này.
Đức cảnh báo về thiệt hại nghiêm trọng đối với Dòng chảy phương Bắc
Nhật báo Der Tagesspiegel ngày 28/9 dẫn các nguồn tin trong Chính phủ Đức cho biết các cơ quan an ninh nước này lo ngại rằng cả hai nhánh của tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ vĩnh viễn không sử dụng sau các vụ rò rỉ khí đốt nghiêm trọng vừa qua.
Các cơ quan an ninh Đức lý giải rằng nếu các nhánh dẫn khí đốt của các tuyến đường ống trên không được sửa chữa nhanh chóng, nước muối sẽ xâm nhập vào đường ống gây ra hiện tượng ăn mòn.
Theo các chuyên gia của Bộ Ngoại giao Đức, một số bộ liên bang và Văn phòng Thủ tướng Đức đang thảo luận về hậu quả của vụ việc. Bước đầu tiên, theo Der Tagesspiegel, cảnh sát liên bang sẽ tăng cường kiểm soát lãnh hải Đức, theo đó các tàu của Đức sẽ giám sát chặt chẽ hơn các tuyến cơ sở hạ tầng quan trọng. Ngoài ra, các vùng của Đức cần tăng cường bảo vệ các khu vực ven biển ở phía Bắc và biển Baltic.
Na Uy điều quân đội bảo vệ cơ sở khai thác dầu khí
Ngày 28/9, Thủ tướng Na Uy cho biết nước này sẽ triển khai quân đội để bảo vệ các cơ sở khai thác dầu và khí đốt của mình trước sự phá hoại có thể xảy ra sau khi một số quốc gia thông báo hai đường ống dẫn khí đốt của Nga tới châu Âu đã bị tấn công. Trên biển, lực lượng hải quân sẽ được triển khai để bảo vệ các cơ sở ngoài khơi, trong khi trên đất liền, có thể tăng cường sự hiện diện của cảnh sát tại các cơ sở.
Na Uy hiện là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu và là nhà cung cấp dầu hàng đầu thế giới. Quốc gia có hơn 90 mỏ dầu và khí đốt ngoài khơi, hầu hết trong số đó được kết nối với một mạng lưới đường ống dẫn khí đốt trải dài khoảng 9.000 km.
Ông nói: "Các cuộc tấn công sẽ được chúng tôi và các đồng minh cùng xử lý". NATO và Liên minh châu Âu đã nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và cảnh báo sẽ "phản ứng mạnh mẽ và thống nhất" nếu có nhiều cuộc tấn công hơn.
Taliban ký thỏa thuận mua lúa mỳ và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga
Các quan chức Taliban cầm quyền tại Afghanistan ngày 28/9 thông báo đã ký một thỏa thuận với Nga về việc mua hàng triệu tấn sản phẩm dầu mỏ và lúa mỳ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Afghanistan, ông Abdul Salam Jawad, cho biết "thỏa thuận được ký hồi tháng 8/2022 trong chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại."
Theo thỏa thuận này, Nga sẽ cung cấp cho Taliban 1 triệu tấn xăng, 1 triệu tấn dầu diesel, 500 .000 tấn khí hóa lỏng (LPG) và 2 triệu tấn lúa mỳ. Hàng hóa từ Nga dự kiến sẽ được vận chuyển tới nước này trong vài tuần tới.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời Đại sứ Nga tại Afghanistan, ông Zamir Kabulov cho biết các thỏa thuận sơ bộ đã được thảo luận với Taliban và hai bên sẽ cần ký các thỏa thuận cụ thể về danh sách và số lượng hàng hóa.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-thi-truong-nang-luong-ngay-2992022-667162.html