Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/5/2023
Việt Nam và UAE có nhiều tiềm năng hợp tác năng lượng tái tạo; Saudi Arabia giảm giá bán dầu cho thị trường châu Á; Ba Lan tăng cường bảo vệ quân sự cơ sở hạ tầng năng lượng ở Baltic… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 5/5/2023.
Việt Nam và UAE có nhiều tiềm năng hợp tác năng lượng tái tạo
Tiếp tục các hoạt động tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), trong các ngày 3-4/5, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã thăm và làm việc với Học viện Ngoại giao Anwar Gargash, Tập đoàn Masdar, Tập đoàn Mubadala, thăm Đại sứ quán Việt Nam và gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt tại UAE.
Trong chuyến thăm các Tập đoàn Masdar và Mubadala là 2 tập đoàn hàng đầu của UAE trong lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao vai trò tiên phong của các tập đoàn trong việc phát triển các dự án năng lượng sạch và tái tạo tại UAE và khu vực, thông tin về những ưu đãi của Chính phủ Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển xanh và bền vững. Phó Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam và UAE có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này và mong muốn các công ty xem xét đầu tư vào các dự án năng lượng tại Việt Nam.
Trong phát biểu, lãnh đạo Tập đoàn Masdar và Mubadala đánh giá cao tiềm năng hợp tác với Việt Nam, đồng thời khẳng định mong muốn trao đổi với các đối tác Việt Nam để thảo luận về các cơ hội hợp tác đầu tư cụ thể trong lĩnh vực ưu tiên như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo...
Bắc Giang có thêm 2 dự án hơn 130 triệu USD trong ngành năng lượng mặt trời
Tỉnh Bắc Giang vừa trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án với tổng vốn đầu tư 132 triệu USD phát triển ngành năng lượng mặt trời tại địa phương.
Trong đó, dự án "Sản xuất cung ứng vật liệu ứng dụng HIUV" của nhà đầu tư Hiuv Applied Material Technology Investment Pte.Ltd (Trung Quốc) tập trung sản xuất màng bảo vệ tự dính PET, màng EAV, màng silicon, vật liệu film, các chế phẩm và nguyên vật liệu từ plastic phục vụ cho các ngành năng lượng mặt trời, với quy mô 200 triệu m2 sản phẩm/năm. Dự án có quy mô 52.803m2 với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD, được thực hiện tại khu công nghiệp Việt - Hàn (huyện Việt Yên).
Dự án "Nhà máy đầu tư Yonz Technology (Việt Nam)" của nhà đầu tư Yonz Technology Singapore Pte.Ltd. tập trung sản xuất, gia công khung nhôm phục vụ cho ngành sản xuất, lắp ráp pin năng lượng mặt trời, với quy mô khoảng 110.000 tấn/năm. Quy mô của dự án là 100.000m2 với tổng vốn đầu tư 42 triệu USD, được thực hiện tại khu công nghiệp Yên Lư (huyện Yên Dũng).
Ả Rập Xê-út giảm giá bán dầu cho thị trường châu Á
Ả Rập Xê-útngày 4/5 quyết định giảm giá bán chính thức (OSP) đối với dầu thô Arab Light cho các quốc gia châu Á. Theo quyết định có hiệu lực từ tháng 6 tới, giá dầu thô Arab Light sẽ giảm 0,25 USD/thùng. Động thái này cho thấy nhu cầu của châu Á đối với dầu mỏ của Ả Rập Xê-út đang có xu hướng giảm.
Biến động giá dầu thô của Ả Rập Xê-út luôn được thị trường quốc tế theo dõi chặt chẽ bởi mọi quyết định của Riyadh đều tác động tới giá dầu thô thế giới. Đầu hằng tháng, tập đoàn dầu khí Saudi Aramco thường công bố giá áp dụng cho dầu được giao vào tháng tiếp theo.
Hiện Ả Rập Xê-út đang phải cạnh tranh với nguồn cung dầu thô giá rẻ của Nga tại thị trường Ấn Độ và Trung Quốc. Mới đây, Saudi Arabia cùng với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã giảm sản lượng thêm tổng cộng 1,6 triệu thùng dầu/ngày để kéo giá năng lượng đi lên, bất chấp những lo ngại của Mỹ về nguy cơ lạm phát.
Nhiều tập đoàn tài chính đầu tư hàng tỷ USD vào doanh nghiệp dầu khí
Báo cáo được công bố ngày 5/5 của tổ chức Carbon Tracker cho biết, 25 thành viên thuộc sáng kiến Net Zero Asset Managers đang nắm giữ tổng cộng 417 tỷ USD cổ phần tại 15 doanh nghiệp dầu khí lớn trên thế giới, trong đó có ExxonMobil và TotalEnergies.
Không doanh nghiệp nào trong số 15 “đại gia” dầu khí trên có ý định phát triển kinh doanh phù hợp với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong đó đề ra mục tiêu hạn chế nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Thậm chí trong năm ngoái, nhiều tập đoàn tài chính đã đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch sau khi giá năng lượng tăng vọt do xung đột Nga-Ukraine.
Tác giả báo cáo, chuyên gia phân tích lĩnh vực xăng dầu và khai khoáng Maeve O'Connor cảnh báo hoạt động đầu tư trái với những cam kết khí hậu sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của các quỹ tài chính trong mắt nhiều chủ sở hữu tài sản có ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời gia tăng rủi ro chuyển đổi năng lượng.
Lợi nhuận quý I của Shell vượt dự báo, đạt gần 10 tỷ USD
Tập đoàn Dầu khí Đa Quốc gia của Anh-Hà Lan Shell ngày 4/5 cho biết lợi nhuận ròng quý 1/2023 vượt dự báo của các nhà phân tích, đạt 9,65 tỷ USD nhờ nguồn thu lớn từ kinh doanh nhiên liệu và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã bù đắp cho giá năng lượng chững lại. Con số trên cao hơn so với dự báo lợi nhuận 8 tỷ USD của các nhà phân tích.
Lợi nhuận cao hơn mong đợi của Shell theo sau một loạt báo cáo vượt dự báo từ các đối thủ như BP và Exxon Mobil trong bối cảnh lĩnh vực này tiếp tục được hưởng lợi từ nhu cầu mạnh mẽ và giá cả biến động. Hãng đối thủ Na Uy Equinor ngày 4/5 cũng công bố lợi nhuận quý cao hơn dự kiến.
Giá khí đốt tự nhiên thấp hơn trong quý I/2023 đã ảnh hưởng đến Shell, khiến lợi nhuận mảng này giảm 18% xuống còn 4,9 tỷ USD. Tuy nhiên, điều này đã được bù đắp nhờ mức tăng lợi nhuận 139% lên 1,8 tỷ USD từ mảng kinh doanh hóa chất và sản phẩm tinh chế. Giá cổ phiếu của Shell đã tăng 2% vào chiều 4/5 theo giờ Việt Nam.
Ba Lan tăng cường bảo vệ quân sự cơ sở hạ tầng năng lượng ở Baltic
Chính phủ Ba Lan ngày 4/5 thông qua dự thảo luật cho phép quân đội Ba Lan đáp trả các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng dưới biển, bao gồm cả đường ống dẫn khí tự nhiên chiến lược ở Baltic.
Các quy định được đề xuất dự kiến là khả năng sử dụng lực lượng vũ trang chống lại các mối đe dọa khủng bố đối với cơ sở hạ tầng năng lượng trên biển, bao gồm: đường ống dẫn khí đốt Baltic Pipe và các cơ sở khác, các cơ sở kỹ thuật và thiết bị lối vào cảng, trang trại gió ngoài khơi, mạng lưới điện và cáp quang dưới biển… Đường ống Baltic là một dự án cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên chiến lược giữa Ba Lan và Đan Mạch, cho phép vận chuyển khí đốt từ Na Uy ở Biển Bắc đến Ba Lan.
Theo dự thảo luật, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan sẽ được ủy quyền cho phép quân đội sử dụng vũ lực với tàu địch hoặc vật thể gây ra mối đe dọa khủng bố. Chính phủ cho biết giải pháp này chỉ dành cho các tình huống đặc biệt, khi không thể có các lựa chọn ứng phó khác. Chính phủ cũng nhấn mạnh một căn cứ thường trực cho các đơn vị bảo vệ bờ biển sẽ được thành lập tại cảng Swinoujście (ở tây bắc Ba Lan), nơi có một nhà ga lưu trữ khí tự nhiên hóa lỏng. Dự kiến, dự thảo luật này sẽ được quốc hội thảo luận trong tuần tới.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-thi-truong-nang-luong-ngay-552023-684197.html