Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 9/12/2022
6 quốc gia EU phản đối hạ trần giá khí đốt Nga hơn nữa; 20 triệu thùng dầu bị kẹt ở Thổ Nhĩ Kỳ; Na Uy áp trần giá dầu Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 9/12/2022.
6 quốc gia EU phản đối hạ trần giá khí đốt Nga hơn nữa
Reuters ngày 9/12 đưa tin, Đại sứ của 6 nước gồm Đức, Hà Lan, Áo, Đan Mạch, Estonia và Luxembourg đã cùng gửi một bức thư lên Cộng hòa Czech - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), bày tỏ lo ngại, đồng thời nhấn mạnh "mức trần giá không thể bị hạ thấp hơn nữa hoặc bị thay thế".
Tháng trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất mức trần giá sẽ được áp dụng nếu giá khí đốt vượt quá 275 euro/MWh trong 2 tuần đối với giá khí đốt hợp đồng tương lai tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan. Tuy nhiên, hôm 6/12, EU đã nhóm họp và xem xét một đề xuất mới về việc hạ mức trần khí đốt xuống 220 euro.
6 quốc gia EU nói trên lo ngại việc áp giá trần khí đốt của Nga sẽ gây rối loạn thị trường năng lượng của châu Âu, và khiến EU khó khăn hơn trong việc mua nhiên liệu nếu các nhà cung cấp khí đốt chuyển sang bán ở những nơi không bị áp trần. Các nước này muốn mức giá đề xuất hiện nay sẽ được phê chuẩn tại cuộc họp của Bộ trưởng Năng lượng EU vào ngày 13/12 tới.
20 triệu thùng dầu bị kẹt ở Thổ Nhĩ Kỳ
Ở thời điểm ngày 8/12, có 16 tàu chở dầu di chuyển từ Biển Đen bị kẹt lại bên ngoài eo biển Bosphorus dẫn vào Biển Marmara, trang CNN Business dẫn dữ liệu từ đại lý hàng hải Tribeca Shipping Agency có trụ sở ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ cho hay. Ngoài ra, còn có 9 tàu chở dầu khác bị kẹt bên ngoài eo Dardanelles dẫn vào Địa Trung Hải.
Trong khi đó, hãng tin CNBC dẫn dữ liệu từ MarineTraffic nói rằng số tàu đang bị kẹt bên ngoài hai eo biển nói trên hiện đã lên tới 40 tàu, tăng gấp hơn 2 lần trong mấy ngày trở lại đây. Dựa trên số tàu, ước tính đang có 20 triệu thùng dầu, trị giá 1,2 tỷ USD bị kẹt.
Bosphorus và Dardanelles là hai eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ, giữ vai trò huyết mạnh trên một tuyến vận tải dầu lửa... Sau khi trần giá có hiệu lực, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu tàu chở dầu đi qua các eo biển trên phải có bằng chứng bảo hiểm được chi trả trong trường hợp xảy ra sự cố như va đụng hay tràn dầu. Lo ngại về sự tắc nghẽn này, giới chức Anh và Mỹ đã có các cuộc trao đổi với Ankara.
EU phản bác cáo buộc của Hungary về thiếu hụt nhiên liệu
Reuters/AFP đưa tin ngày 8/12, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) Daniel Ferrie phản bác cáo buộc của Hungary rằng quyết định của Liên minh châu Âu (EU) áp giá trần đối với dầu thô từ Nga là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt nhiên liệu tại các trạm xăng dầu của Hungary.
Ông Ferrie khẳng định cáo buộc do chính quyền Thủ tướng Hungary Viktor Orban đưa ra là "hoàn toàn vô nghĩa”. Ông nhấn mạnh quyết định áp giá trần dầu của Nga ở mức 60 USD/thùng "không có tác động đến khả năng nhập khẩu dầu của Hungary thông qua đường ống của nước này, vì việc áp giá trần chỉ áp dụng cho mặt hàng dầu vận chuyển bằng đường biển".
Ông Ferrie nói thêm, các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào các mặt hàng có nguồn gốc từ dầu và dầu tinh chế của Nga "vẫn chưa có hiệu lực, do vậy không có lý do gì cho thấy các lệnh trừng phạt của EU hiện đang ảnh hưởng đến nguồn cung ở Hungary".
Canada tạm ngừng vận hành đường ống Keystone do sự cố rò rỉ dầu
Ngày 8/12, Tập đoàn năng lượng TC Energy của Canada thông báo đã tạm ngừng vận hành đường ống Keystone có công suất vận chuyển 622.000 thùng dầu thô mỗi ngày và đang ứng phó với sự cố rò rỉ dầu vào một nhánh sông cách thành phố Steele thuộc bang Nebraska của Mỹ khoảng hơn 32 km về phía Nam.
Tuyên bố cũng cho biết đường ống trên vẫn tạm ngừng hoạt động tại thời điểm các nhóm kỹ sư đang khẩn trương khắc phục sự cố. Hiện TC Energy chưa ước tính được lượng dầu rò rỉ loang ra sông.
Đường ống Keystone vận chuyển dầu thô của Canada từ tỉnh bang Alberta đến vùng Trung Tây nước Mỹ và tới khu vực ven biển vùng Vịnh. Đường ống này là một "mắt xích" then chốt trong mạng lưới xuất khẩu dầu thô của Canada.
Na Uy áp trần giá dầu Nga
Bộ Ngoại giao Na Uy ngày 8/12 thông báo, nước này đã áp giá trần đối với dầu thô từ Nga ở mức 60 USD/thùng, phù hợp với mức giá trần của Liên minh châu Âu (EU).
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Na Uy: "Na Uy đã đưa ra giá trần đối với dầu thô từ Nga ở mức 60 USD/thùng như một phần của lệnh trừng phạt. Điều này phù hợp với mức giá trần được EU và Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) thông qua”.
Theo Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt, nước này ủng hộ đường lối của EU và các đồng minh khác liên quan đến các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
Hơn 3 triệu gia đình Anh không đủ khả năng sưởi ấm trong thời tiết giá lạnh
Theo một khảo sát của tổ chức Joseph Rowntree Foundation (JRF), hơn 3 triệu gia đình có thu nhập thấp ở Anh không đủ khả năng chi trả cho việc sưởi ấm khi nước Anh đang hứng chịu đợt không khí “lạnh đến mức nguy hiểm” đến từ Bắc Cực.
Chính phủ Anh đã công bố sẽ cấp khoản hỗ trợ 25 bảng (30,66 USD) cho người dân tại hơn 300 khu vực ở vùng England và xứ Wales trong những ngày tới khi nhiệt độ trung bình ở mức 0 độ C hoặc thấp hơn trong 7 ngày liên tiếp. Tuy nhiên, nghiên cứu của JRF ước tính 20% trong tổng số 2,5 triệu gia đình thu nhập thấp sẽ không thể chi trả cho thực phẩm và thiết bị sưởi ấm.
Chính phủ Anh hiện cung cấp cho hàng triệu người khoản hỗ trợ trực tiếp trị giá 1.200 bảng Anh và hỗ trợ hóa đơn năng lượng trị giá 400 bảng cho các gia đình. Bộ trưởng Tài chính Anh mới đây cũng công bố gói hỗ trợ trong năm nay cũng như năm tới nhằm giúp những người khó khăn nhất vượt qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-thi-truong-nang-luong-ngay-9122022-673448.html