Nhịp sống bên dòng sông xanh
Không có những bãi bồi bên triền đê đầy gió như những con sông ngoài Bắc; cũng chẳng mang trong mình màu đỏ nặng phù sa như những dòng sông miền Nam, sông Ða Nhim chảy qua huyện nông thôn mới Ðơn Dương vẫn luôn xanh một màu xanh ngập tràn sinh lực...
Sông Ða Nhim đã từng như thế…
Sông Đa Nhim bắt nguồn núi Gia Rích, cao 1.923 m so với mặt nước biển ở huyện Lạc Dương, chảy theo mạn Bắc qua huyện Đơn Dương đổ xuống Tây Nam huyện Đức Trọng hợp lưu với sông Đa Dâng. Độ dài của dòng sông tính từ đập Đa Nhim đến khi nhập vào dòng Đa Dâng trên 50 km, tạo nên chuỗi thác nước Liên Khương, Gouga, Pongour nổi tiếng trên đất Lâm Đồng.
Con sông ấy chảy vào địa phận huyện Đơn Dương bắt đầu từ thị trấn D’Ran qua hết 9/10 xã, thị trấn của huyện (trừ xã Pró). Dựa theo đặc điểm địa hình của địa phương, sông chạy dọc huyện, chia khu dân cư của Đơn Dương thành 2 bờ Nam - Bắc. Nay người Đơn Dương vẫn thường quen gọi các xã Lạc Lâm, Lạc Xuân, thị trấn Thạnh Mỹ… là vùng Bắc Sông. Còn vùng Nam Sông là những xã Ka Đơn, Quảng Lập, Ka Đô…
Trên sông Đa Nhim, đoạn chảy qua huyện Đơn Dương có hồ Đa Nhim phục vụ hoạt động của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim. Nếu lấy năm 1961 - năm xây dựng Thủy điện Đa Nhim làm cột mốc thì từ đó trở về trước người dân Đơn Dương chủ yếu sản xuất lúa nước và bắp. Sông Đa Nhim thời điểm ấy vẫn mang trong mình sứ mệnh mà tạo hóa đã sắp đặt cho tất cả các dòng sông.
Ông Ka Sung - Trưởng phòng Dân tộc huyện Đơn Dương, một người con dân tộc Cil sinh ra trên mảnh đất này vẫn chưa quên năm tháng tuổi thơ với những kỷ niệm bên dòng sông này. Không giống với đồng bào Cil ở những buôn làng khác sống dựa vào rừng, vào rẫy, người Cil ở buôn làng ông sinh sống gần với bà con người Chu Ru nên dòng sông Đa Nhim in dấu nhiều trong đời sống buôn làng. Lúa nước, bắp được trồng sát bờ sông. Đặc biệt, ở khu vực D’Ran ruộng lúa nước rất nhiều, lấy nước tưới từ sông. Người Cil nơi này còn biết đánh cá và đan lát các dụng cụ để bắt cá. Sông Đa Nhim đã chứng kiến sự giao thoa văn hóa và tập quán sản xuất của các dân tộc. Người K’Ho cũng giống người Kinh làm kênh dẫn nước vào ruộng. Ông Trương Quang Kiên - Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm, người con được sinh ra trên mảnh đất này bảo rằng, trước đây bà con ngoài Bắc vào Đơn Dương làm kinh tế mới chủ yếu trồng lúa để vượt qua cơn đói. Nước được dẫn từ sông Đa Nhim lên kênh lớn, sau đó tỏa đi các kênh nhỏ dạng xương cá, tưới tắm cho những ruộng lúa nhỏ ở khu vực này.
Theo Bí thư Huyện ủy Đinh Ngọc Hùng, năm 1961 trở về trước Đơn Dương có khoảng 5.000 ha lúa nước. Nhưng từ năm 1961, khi người ta ngăn dòng để xây dựng thủy điện, sông Đa Nhim đã mang trong mình thêm những sứ mệnh khác, đó là vừa phục vụ sản xuất điện năng, vừa chống lũ, chống hạn cho vùng hạ du. Và, nhịp sống của người dân đôi bờ sông Đa Nhim cũng bước sang trang mới.
“Đến tận những năm 1990, bức tranh kinh tế của huyện vẫn là trồng lúa và bắp. Từ năm 1990 - 1995, có thêm cây mía, dâu tằm và rau phục vụ đời sống trong vườn nhà những người dân từ phía Bắc vào. Đến những năm 2000, việc trồng rau bắt đầu manh nha phát triển. Và phải tới tận năm 2010, rau mới được đưa vào thành cây chủ lực ở Đơn Dương”, Bí thư Huyện ủy Đơn Dương nói. Hiện địa phương này đã xây dựng quy hoạch rõ ràng cho sự phát triển rau theo hướng nông nghiệp công nghệ cao với 300 ha khởi điểm.
Tất cả từ sức dân
Từ thị trấn D’Ran đi men sông Đa Nhim theo chiều dài của huyện là cả một vùng rau ngút ngàn tầm mắt. Bắt đầu từ những người đất Bắc vào sinh sống mang theo nghề trồng rau vào Lạc Lâm, Lạc Xuân… từ đó mới nhân rộng ra các nơi khác: Thạnh Mỹ, D’Ran, Ka Đô… Hàng chục năm trôi qua, những nông phu hiền lành, chất phác nơi này đã nhân rộng màu xanh lên những vùng đất màu mỡ nằm dọc các dòng suối và đôi bờ sông Đa Nhim.
Đứng trên cầu mới Ka Đô bắc qua sông Đa Nhim, phóng tầm mắt theo ngút ngàn rau xanh đôi bờ tôi chợt nghĩ rằng, sông Đa Nhim luôn có “phù sa”. Phù sa ấy chính là trí tuệ của những thế hệ con người trên mảnh đất này nối tiếp nhau gieo xuống đôi bờ những mầm sống xanh tươi.
Bí thư Huyện ủy Đinh Ngọc Hùng khẳng định với chúng tôi: Gần 10 năm trôi qua, người Đơn Dương đã bước qua hành trình gian khó để từng bước hình thành vùng chuyên canh cây rau lớn nhất tỉnh, thậm chí cả nước. Sự phát triển của Đơn Dương bắt nguồn từ chính người dân. Người dân Đơn Dương luôn cần cù, chịu khó. Họ mạnh dạn chuyển đổi, dám đầu tư. Sự đổi thay của người dân chính là yếu tố tác động mạnh, hỗ trợ lớn để chính quyền địa phương xây dựng các quyết sách đồng hành, hỗ trợ để cùng tạo nên những thành tựu.
Cũng như ở những xã khác, tại xã Lạc Lâm - vùng sản xuất rau hàng đầu của huyện, con sông nhỏ vòng quanh uốn khúc gần 20 km bị che lấp dưới xanh ngắt của cỏ lau, dã quỳ vươn ra giữa lòng sông để lấy thêm nước. Ông Nguyễn Văn Trị, người dân xã Lạc Lâm có gần 1 ha đất sản xuất ven sông, bảo rằng: “Dễ phải có đến gần 100 ha rau của bà con sản xuất ven sông. Tất cả đều lấy nước tưới từ sông”. Ông Nguyễn Công Sự (62 tuổi), thôn Lạc Thạnh, xã Lạc Lâm, một người có hàng chục năm sản xuất ven sông, hiểu con nước của Đa Nhim như hiểu cách trồng rau trên thửa đất nhà mình. Ông bảo rằng: “Nếu trong điều kiện cho phép, mùa nắng thủy điện xả ít nước cho bà con sản xuất ven sông có nước tưới rau thì mùa mưa người dân ngưng trồng rau để thủy điện làm nhiệm vụ xả lũ”.
Hiểu “sứ mệnh” của dòng Đa Nhim nên bà con không dựng nhà kính, nhà lưới ven sông. Có chăng là kè đá ngăn mùa mưa trôi đất và nâng vườn cao lên tránh ngập. Cũng bởi lý do đó mà dọc sông Đa Nhim luôn là màu xanh ngút ngàn của rau không phải trắng xóa nhà kính, nhà lưới. Và, hơn 10 năm qua, người dân hai bên bờ sông Đa Nhim vẫn cần mẫn chịu thương chịu khó để xứ rau Đơn Dương có đến 27 ngàn ha rau thương phẩm, năng suất bình quân đạt 338 tạ/ha, sản lượng đạt 915.000 tấn/năm. Chạy dọc dòng sông Đa Nhim theo Quốc lộ 27 có thể dễ dàng thỏa mắt bởi những ngút ngàn rau xanh.
Có dòng sông nào như Đa Nhim, mùa khô cạn nước con sông này trở thành sông rau, bởi người dân canh tác sâu xuống phía lòng sông các loại rau có chu kỳ kinh doanh từ 75 ngày trở xuống. Và có lẽ cũng chẳng có nơi nào như ở Đơn Dương, cầu bắc qua sông, nhưng dưới chân cầu là màu xanh của rau cải các loại.
Bà Lê Thị Bé - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương khẳng định: Đơn Dương giờ đây được biết đến là vùng chuyên canh rau lớn nhất của cả nước. Ngoài các loại rau thông thường, nơi đây còn cung cấp cho các siêu thị lớn những dòng rau ôn đới cao cấp như cà chua, ớt, bắp cải, súp lơ, cải thảo, xà lách… Để nâng cao năng suất và nâng cao giá trị nông sản, rau được người dân canh tác theo các tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP, tuân thủ các nguyên tắc kiểm soát sản xuất giống, ứng dụng công nghệ cao… Ngoài giống rau bản địa, nông dân còn phát triển các loại cây trồng khác nhập từ Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ… Các nhà vườn có mức thu nhập trung bình 220 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, các mô hình hiệu quả còn đem về trên một tỷ đồng 1 ha/năm. Rau Đơn Dương hiện đã có mặt khắp trong Nam, ngoài Bắc, chủ yếu cung cấp cho các siêu thị, chợ đầu mối trong cả nước.
Dòng Đa Nhim chảy qua địa phận Đơn Dương đã tận hiến cho mảnh đất này tất cả những tinh túy để cùng người dân nơi đây đi qua chặng đường dài dằng dặc của những cuộc mưu sinh. Có lúc sông hiền hòa yên lành, cũng có lúc như giận dỗi mà ầm ào lướt qua tất cả. Qua bao cuộc bể dâu, dòng sông vẫn lặng mình chứng kiến những thăng trầm và đổi thay tươi xanh trên mảnh đất này.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/bao-xuan-2020/202001/nhip-song-ben-dong-song-xanh-2983731/