Nhịp sống mới ở Hạ Lôi ngày đầu sau dỡ bỏ cách ly
Hôm nay, ngày đầu tiên người dân Hạ Lôi được trở lại nhịp sống bình thường, chấm dứt thời gian 28 ngày cách ly thấp thỏm bởi dịch Covid-19.
Hạnh phúc vì được lao động
Chung niềm vui với người dân Hạ Lôi, chúng tôi rảo qua các ngõ nhỏ trong thôn. Hôm nay, đường làng Hạ Lôi vẫn vắng vẻ dù đã hết cách ly bởi hầu hết mọi người đang ở ngoài đồng chăm hoa. Hễ thấy thoáng bóng người là người già trong nhà lại hỏi vọng ra: Vườn hoa ngoài đồng thế nào? Hôm nay bán hoa có được giá không?...
Trưa Hạ Lôi, nắng nóng tới hơn 37 độ C, những người nông dân giấu mình trong những chiếc áo chống nắng, che mặt dưới chiếc khẩu trang kín mít. Ngay cả khi một mình bên các luống hoa, họ cũng không rời chiếc khẩu trang bởi đây đã thành thói quen thường nhật.
Người dân Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) chăm sóc hoa hồng.
Chị Đinh Thị Tuyết, chủ vườn hoa Quang Tuyết chia sẻ: Ngay từ 1h sáng, khi cơ quan chức năng dỡ bỏ hàng rào cách ly, hai vợ chồng vội tới ngay vườn hoa. Trước mắt họ là cả nghìn chậu hồng cỏ mọc đầy gốc, hoa nở bung, nhưng cây nào cây nấy vẫn khỏe mạnh mà mừng muốn khóc. Ngay trong ngày 6-5, gia đình chị đã bán được gần 400 chậu hoa hồng các loại với giá ổn định.
Còn anh Nguyễn Quang Thắng phấn khởi cho biết: Ngay từ 2h sáng, gia đình đã chuyển được 500 chậu hoa hồng đi Nghệ An với giá trung bình từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng/chậu theo đơn đặt hàng từ trước. Lái xe báo hàng đã vào tới nơi, tiền đã thu đủ, xe đang trở lại Hạ Lôi để chuẩn bị cho chuyến hàng kế tiếp đi các tỉnh miền Trung.
Những chuyến xe chở hoa từ Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) đi khắp nẻo đường.
Rời những vườn hoa, chúng tôi đến chợ hoa Mê Linh, nơi nhịp sống thường nhật đang trở lại. Chị Nguyễn Thị Xuyến, ở xóm Ao Sen, thôn Hạ Lôi chia sẻ: Gia đình tôi có 7 sào hoa cúc, tưởng hỏng hết sau 1 tháng thiếu tay người chăm sóc, nhưng may mắn thời tiết thuận lợi, hôm nay gia đình tôi thu hoạch được hơn 1.000 bông cúc đẹp. Cả 3 người trong nhà, mỗi người một việc, người cắt, người đem ra chợ bán. Giá không được cao, chỉ 60.000 đồng/bó 50 bông...
Trong khi đó, anh Quách Quang Anh, ở xóm Bàng, vừa thu về hơn 7 triệu đồng tiền bán 50kg dế thương phẩm, cũng phấn khởi chia sẻ: Sau gần 1 tháng nội bất xuất, ngoại bất nhập, mặc dù đàn dế vẫn được chăm sóc đều, nhưng không thể đem bán ngay dù đã đến lứa. Từ tối hôm qua đến sáng nay, điện thoại của anh liên tục rung chuông đón nhận đơn đặt hàng từ các cửa hàng chim cảnh và một số quán ăn trên địa bàn thành phố. Họ trả giá 150.000 đồng/kg - cao hơn thường nhật. Tiền thu từ bán hàng vui thật đấy nhưng vui hơn là được bước qua cánh cổng nhà, được nghe tiếng hàng xóm, được hỏi thăm tình hình cuộc sống láng giềng.
Vui nhất là các em học sinh bởi các em lại được đến trường với thầy, với bạn. Em Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, học sinh lớp 12A Trường Trung học phổ thông Mê Linh hồn nhiên chia sẻ: Em đã chuẩn bị quần áo, giày dép, sách vở từ tối qua, mặc dù đầu giờ chiều mới học nhưng em mặc đồng phục từ trưa, chiếc xe đạp cũng được lau chùi sạch sẽ để cùng em tới trường...
Nỗ lực khôi phục sản xuất, bảo đảm an sinh
Xen lẫn niềm vui ngập tràn của ngày hết cách ly thì vẫn còn những trăn trở của cả chính quyền và người dân trong nỗ lực khôi phục sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội sau cách ly. Gần 1 tháng qua, do người dân không thể ra đồng chăm sóc nên nhiều diện tích trồng hoa của nông dân Hạ Lôi ít nhiều cũng bị thiệt hại.
Để kịp thời hỗ trợ bà con khôi phục sản xuất, Chủ tịch UBND xã Mê Linh Tạ Quang Thái cho biết: Xã có hơn 240ha trồng hoa, trong đó, riêng thôn Hạ Lôi trồng 210ha. UBND xã đã thông báo đến từng hộ dân kê khai diện tích hoa màu bị hư hỏng, trên cơ sở đó, đề xuất với các cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ. Chính quyền xã tiếp tục tìm cách khôi phục “vựa” hoa giúp người dân ổn định cuộc sống.
Hạnh phúc hiện rõ trên nét mặt người bán hoa ở thôn Hạ Lôi.
Cùng với đó, xã Mê Linh tập trung chỉ đạo các trường học trên địa bàn khẩn trương khử khuẩn, vệ sinh môi trường, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tới ngày 11-5, các trường đón học sinh trở lại. Ngoài ra, xã đã chi trả hỗ trợ cho hơn 500 trường hợp hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng người có công với cách mạng... theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch và đúng đối tượng.
Để sớm ổn định đời sống và sản xuất cho người dân trong thôn Hạ Lôi nói riêng và toàn huyện nói chung, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng phương án cụ thể để thúc đẩy phát triển sản xuất. Trong đó, Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời cho nhân dân vay vốn khôi phục sản xuất.
Chi cục Thuế phối hợp với các đơn vị liên quan lập danh sách các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, qua đó, xem xét, có chính sách giãn, hoãn các khoản nợ.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô, để cụ thể hóa chủ trương của huyện, hiện nay, đơn vị đã xây dựng kế hoạch mở các lớp tập huấn cho người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng; hướng dẫn xã Mê Linh cùng các địa phương khác trên địa bàn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo vùng quy hoạch, từ đất lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng, chăn nuôi tập trung và trồng các loại rau, màu có giá trị kinh tế cao...
Nhiều khách hàng đến chợ hoa Mê Linh ở thôn Hạ Lôi để mua hoa.
Những học sinh trung học phổ thông ở thôn Hạ Lôi chuẩn bị đến trường.
Tổ giám sát cộng đồng, cán bộ y tế kiểm tra thân nhiệt người dân Hạ Lôi.
Nhộn nhịp người mua, người bán ở chợ hoa Mê Linh.