Nhịp sống Thổ Chu (bài 2)
Trước năm 1975, đảo Thổ Chu có rất nhiều người dân sinh sống, nhưng đầu tháng 5-1975, một toán quân Khmer Đỏ đã đột kích chiếm đóng đảo và tàn sát hơn 500 người dân. Hơn hai tuần sau quân đội ta đã đánh chiếm lấy lại Thổ Chu. Hôm nay, Thổ Chu đã hồi sinh và phát triển diệu kỳ.
Bài 1: Con tàu nghĩa tình
Bài 2: Đảo hồi sinh từ con số “0”
“Bây giờ, chú em nhìn bãi Ngự thấy có nhà lầu khang trang cầu cảng mới đang xây dựng trên trăm tỉ đồng, con em dân đảo đã đi học Đại học Y Hà Nội, Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ... Năm 1992, anh là một trong 7 hộ dân đầu tiên ra định cư ở Thổ Chu, gọi là khai phá vùng kinh tế mới, nghe oách lắm” - Ông Nguyễn Văn Thắng, đảo Thổ Chu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang kể chuyện xửa, chuyện xưa ở đảo Thổ Chu với tôi.
“Chồi non” mọc lại ở đảo
Năm 1992, UBND tỉnh Kiên Giang vận động những hộ dân tiên phong ra sinh sống ở Thổ Chu. Ông Thắng nhớ như in: “Ngày mới ra đảo, nhiều hộ dân còn chưa có nhà ở, phụ nữ và trẻ em được bộ đội đưa vào ở trong doanh trại. Năm 1993, tàu chở ra đảo thêm mấy hộ, thế là hình thành xóm làng hẳn hoi”. Trong năm 1993, chi bộ đảng dân sự đầu tiên được thành lập, do ông Lê Trắc làm Bí thư và cũng năm đó thành lập UBND xã Thổ Châu.
Lúc đầu, tỉnh Kiên Giang chỉ trợ cấp cho các hộ dân định cư trên xã đảo mấy tháng gạo ăn, coi như làm “mồi” để lấy đà phát triển, một tháng chỉ có một chuyến tàu chạy ra đảo. Nguồn sống của người dân chủ yếu làm nghề biển, chưa có tàu đánh cá nên người dân chỉ đi câu ven bờ đảo, câu được nhiều cá chẳng bán được cho ai, chỉ duy nhất bán cho bộ đội, nhưng đợi cả tháng người phụ trách hậu cần trong đất liền mới mang tiền ra đảo trả cho dân.
Bảo vệ chặt môi trường của đảo
“Bảo vệ được rừng là bảo vệ cuộc sống của người dân đảo, bảo vệ nguồn nước ngọt vô cùng quý giá. Đồn Biên phòng Thổ Châu đã tích cực vận động bà con nỗ lực bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái biển, đặc biệt là các rạn san hô. Rồi bảo vệ các loài chim đang sinh sống rất nhiều trên Hòn Nhạn, đây là tài sản vô giá của quần đảo này ” - Trung tá Đoàn Ngọc Giang, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thổ Châu, BĐBP tỉnh Kiên Giang tâm sự.
“Lúc đó, đời sống của bộ đội khó khăn, dân cũng khổ, tất cả đều đùm bọc với nhau ở nơi đảo xa. Nhà nước hỗ trợ, người dân góp thêm kinh phí mới đóng được chiếc tàu đánh cá. Có những lúc, đánh được cả tàu cá, nhưng bộ đội cũng không đủ tiền mua hết cá cho dân, anh em mới bàn tính chở cá vào Hà Tiên bán. Do chưa quen vùng biển Thổ Chu, tàu chạy ban đêm va vào đá ngầm, thế là vỡ tan tành chiếc tàu gỗ. Tổ hợp tác xã đầu tiên của đảo Thổ Chu cũng “tan” theo tàu. Từ đó, người dân xã đảo tách ra làm riêng, người tiếp tục làm nghề đi biển, người khai hoang làm rẫy, làm đủ thứ để kiếm cái ăn”- Ông Thắng kể lại.
Bà Tăng Thị Phương (dân đảo gọi là Hai Diện), một trong 7 hộ đầu tiên ra đảo Thổ Chu, cũng là người sinh em bé đầu tiên trên đảo, đánh dấu “chồi non” mọc trở lại ở hòn đảo xa tí tắp. Bà Châu tường thuật: “Năm 1992, khi đi tàu ra đảo, tui đã mang bầu, sau 3 tháng thì sinh bé gái đầu tiên. Lúc gần sinh, anh quân y của đảo xuống nhà nói: “Chị vào trạm xá sinh cho an toàn, chứ ở nhà nhỏ giống như cái chòi, dưới nền cát rất nguy hiểm”. Tui thấy trong đó toàn anh em bộ đội xấu hổ lắm, thôi liều sinh ở nhà. Lúc sinh, chỉ có một bà hàng xóm tới phụ giúp, xong đâu vào đó mới vào đơn vị báo cho quân y biết”.
Nghe tin bà Phương sinh, chỉ huy đảo yêu cầu quân y mang đồ nghề chạy xuống phụ giúp, rồi mang đậu xanh, đường, sữa,... xuống cho bà Phương ăn. Bà Phương vẫn còn nhớ như in: “Ngày nào mấy anh cũng xuống căn dặn phải ăn uống, tẩm bổ nhiều vô cho có sữa em bé bú. Ông Đảo trưởng Đào Phúc Lâm xuống nhà thăm mẹ con tui và đặt tên cho cháu là Hồng Ngọc, ông giải thích: “Con gái lấy tên lót loại hoa hồng, đảo này trù phú như ngọc, cháu là người được sinh ra đầu tiên trên đảo, ghép lại thành tên Hồng Ngọc”. Cháu Hồng Ngọc học cấp 1, 2 tại Thổ Chu, học cấp 3 tại Phú Quốc, rồi học lên cao đẳng, bây giờ cháu đang làm việc tại Phú Quốc”.
Ông hiệu trưởng “4 cấp” học
Từ 7 hộ dân đầu tiên, sau gần 30 năm, đến nay, đảo Thổ Chu có 635 hộ dân, trên 2.000 nhân khẩu. Vào thời vụ đánh bắt, có hàng trăm chiếc tàu đánh cá từ miền Trung và miền Tây vào ở lại Thổ Chu khai thác thủy sản. Tất cả đã làm nên một Thổ Chu nhộn nhịp nằm giữa Biển Tây.
Thuyền trưởng tàu khách Đoàn Bình giới thiệu với tôi: “Trên đảo này có ông thầy Tiệp, Hiệu trưởng 4 cấp học”.
- Một ông hiệu trưởng chỉ cấp 1 hoặc cấp 2, cùng lắm làm hiệu trưởng trường cấp 1 - 2. Làm sao lại có hiệu trưởng 4 cấp học? - Tôi hỏi.
- Ở đảo Thổ Chu dạy cái gì thì ông làm hiệu trưởng cái đó.
Thầy giáo Phạm Văn Tiệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thổ Châu giải thích: “Tôi còn quản lý thêm lớp mầm non, trước đây trường còn dạy cả lớp bổ túc trung học phổ thông tại đảo. Người dân ở đảo gọi thầy hiệu trưởng 4 cấp học là “có lý” của họ”.
Thầy Tiệp trước đây là chiến sĩ của Vùng 5 Hải quân (đóng ở Phú Quốc), xuất ngũ, anh đi học sư phạm, ra trường quay trở lại dạy học ở Phú Quốc. Thầy Tiệp kể tiếp: “Dạy được một thời gian ở Phú Quốc, thầy Phạm Văn Nghiệp, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Phú Quốc gọi tôi lên động viên: “Thầy biết em từng là lính Hải quân, em xung phong ra quản lý trường ở Thổ Châu, đảo xa, sóng to gió lớn đi lại khó khăn, đội ngũ giáo viên cũng rất thiếu”. Nghe lời trưởng phòng, tôi đã ra đảo được 10 năm nay”.
Giải quyết vấn đề thiếu giáo viên ở đảo xa, thầy Tiệp phát hiện có mấy chị vợ bộ đội đóng quân tại đảo từ miền Bắc, miền Trung vào đều là có trình độ. “Tôi đề xuất, phải động viên mấy chị vợ bộ đội đi đào tạo ngành sư phạm, rồi về làm giáo viên tại đảo. Lúc đầu khó khăn, nhưng bây giờ đã đủ giáo viên dạy tại xã Thổ Châu. Cách làm này đã “trúng” cả hai mặt trận, mấy anh bộ đội yên tâm ở lại canh giữ đảo, mấy cô giáo cũng vững tâm với nghề dạy chữ. Biển, đảo ở đây quá đẹp, nghỉ hưu rồi chưa chắc họ về đất liền đâu” - Thầy Tiệp tự tin khẳng định.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhip-song-tho-chu-bai-2-post435443.html