Nhớ 30 tháng 4 năm ấy
Năm 1966, tốt nghiệp trung học phổ thông xong, ngày nào tôi cũng nôn nóng như ngồi trên đống lửa để mong chị bưu tá đến nhà như trẻ nhỏ chờ mẹ đi chợ xa về. Các bạn tôi, người vào đại học, người lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Còn tôi “càng chờ, càng đợi càng thưa chuyến đò”. Chả có chị bưu tá nào đến. Giấy báo đi học chuyên nghiệp: Không. Giấy gọi ngập ngũ: Cũng không.
Thấy tôi như đứa mất hồn, bố tôi bảo:
- Này con, chả lẽ chỉ vào đại học mới được sao? Bố mẹ là nông dân mà vẫn nuôi ba anh em mày được như bây giờ. Tìm việc mà làm, “trai mười bảy bẻ gãy sừng trâu” chả lẽ bó tay à?
Thế là, ban ngày tôi lao vào việc đồng áng của hợp tác xã. Khi nhổ mạ, lúc trồng khoai, lúc trâu đi trước, khi cày theo sau. Việc gì tôi cũng làm. Công điểm cao, thóc lúa đầy bồ. Lại còn có dư bán cho thương nghiệp Nhà nước góp phần chi viện cho tiền tuyến. Ban đêm, tôi tập viết thơ ca. Được phòng văn hóa thông tin huyện cổ vũ, tôi đã có bài được Đài Tiếng nói Việt Nam phát trong chương trình buổi trưa “Ba mươi phút dân ca và chèo”. Bố tôi vui ra mặt, ông nói:
- Này con, anh không đi bộ đội nhưng anh lao động sản xuất giỏi, thế là làm tròn bổn phận của người ở hậu phương, để tiền tuyến yên tâm đánh thắng giặc. Anh không vào đại học, nhưng anh có bài hát được phát trên sóng phát thanh Quốc gia thì cũng là… “trí thức” chứ còn gì nữa!
Những năm cuối thập niên sáu mươi, đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ hai mươi, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân ta “càng gần thắng lợi, càng nhiều gian nan”. Có ngày xã tôi tổ chức báo tử tới năm, sáu gia đình có con chiến đấu hy sinh ở các chiến trường miền Nam.
Bình, con ông chú, học lớp 10C với tôi. Thắng người bạn nối khố cùng xóm, cả hai nhập ngũ một ngày giữa năm 1967, đều hy sinh anh dũng khi vượt sông Thạch Hãn. Đến chia buồn, nhìn ảnh các anh trong bộ quân phục binh nhì mới toanh, nhòa đi vì khói nhang trên bàn thờ mà chúng tôi không cầm được nước mắt. Tôi khóc như chưa bao giờ được khóc. Vừa thương bạn vừa nghĩ tủi cho mình. Mẹ Bình ôm lấy tôi, thì thào:
- Em nó vào chiến trường, mới được sáu tháng thì hy sinh ở Quảng Trị. Thím thương nó quá… Khổ, nhận giấy báo Đại học Bách khoa, nhưng nhất định đòi đi bộ đội bằng được. - Bà lại sụt sùi, nhưng mắt giáo hoảnh, vì khóc quá nhiều, không còn lấy một giọt lệ. - Bây giờ thằng Thường, em nó cũng xung phong ra tiền tuyến đợt này…
Từ tháng Ba năm 1975, tin chiến thắng dồn dập báo về. Xã tôi nằm dọc con đê sông Hồng, được huyện lắp đặt đường dây truyền thanh. Ngày nào cũng vậy, sáng từ bốn giờ bốn lăm đến bảy giờ. Trưa từ mười hai giờ đến mười ba giờ ba mươi. Chiều và tối từ mười bảy giờ tới hai mươi hai giờ. Những chiếc loa phóng thanh công suất lớn liên tục phát đi những thông tin nóng hổi từ chiến trường.
...Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu từ ngày 4 tháng 1 và kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 được mở màn bằng Chiến dịch Tây Nguyên. Hai giờ sáng ngày 10 tháng 3, lực lượng bộ binh của các Sư đoàn 10 và 316 Quân Giải phóng được tăng cường Trung đoàn 198 đặc công và Trung đoàn tăng-thiết giáp 273 dưới hỏa lực yểm hộ của hai trung đoàn pháo binh của các sư đoàn, đồng loạt tấn công Buôn Ma Thuột. Ngày 11 tháng 3, thị xã này thất thủ. Chiến dịch Giải phóng Huế - Đà Nẵng từ 21 đến 29 tháng 3 năm 1975... Cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh từ mùng 4 đến 30 tháng 4 năm 1975.
Tám giờ sáng ngày 30 tháng 4, Quân Giải phóng tiến nhanh vào Sài Gòn và hầu như không gặp phải sức kháng cự lớn và có tổ chức nào. 11 giờ 45 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tổng thống Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài 21 năm đã chấm dứt. Giống như Chiến dịch Điện Biên Phủ trước đó 21 năm, Chiến dịch mùa Xuân 1975 cũng kết thúc thắng lợi sau 55 ngày đêm.
Chiến dịch mùa Xuân 1975 với tên gọi chính thức là Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đã giải phóng hoàn toàn miền Nam. Kết thúc vĩnh viễn ba mươi năm xâm lược và cai trị của Mỹ và chính quyền miền Nam Cộng hòa…
* * *
Còn ở hậu phương khi ấy, một kỷ niệm trong ngày lịch sử trọng đại không thể quên này…
… Hôm ấy, tôi đi làm phụ hồ, lát nền nhà cho một cơ quan điều dưỡng cách nhà tôi chừng hai mươi lăm cây số. Đúng mười một giờ bốn mươi lăm, khi mẻ bê tông cuối cùng vừa xong, tôi nghe tiếng ai gấp gáp ngoài cổng:
- Dạ thưa… đây có phải là trung tâm điều dưỡng… có anh Ngọc làm thợ hồ ở đây không ạ? Dạ, chúng tôi có việc rất cần, mong bác giúp…
Giọng ông bảo vệ:
- Thế anh là ai, ở đâu?
- Tôi là cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Vì (tỉnh Hà Tây cũ nay là Hà Nội).
- Có, mời anh vào.
Nghe thấy vậy, tôi lao vội ra ngoài. Thì ra là anh Phùng Xuân Tứ, cán bộ phụ trách thông tin cổ động của phòng. Tôi nghĩ, chắc anh đến báo tin, tôi được tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan anh. Mơ ước mà gần mười năm qua tôi từng ấp ủ. Tôi chưa kịp chào, anh Tứ đã nhảy đến, ôm lấy tôi mà kêu:
- Về ngay... về ngay, đi làm một việc quan trọng.
- Em đang làm phụ hồ mà.
- Bỏ, bỏ ngay. Dương Văn Minh đầu hàng... Miền Nam giải phóng rồi... về đi cổ động trong toàn huyện.
Anh cầm tay lôi đi một mạch, như sợ tôi thay đổi ý định, không kịp để tôi tạm biệt anh em cùng tốp thợ. Ngoài cổng trung tâm điều dưỡng, một chiếc xe ô tô tải, hiệu Giải phóng do Trung Quốc sản xuất, vẫn nổ máy đợi. Vòng hai bên thành xe là các khẩu hiệu, chữ vàng rực trên nền vải đỏ: “Nhiệt liệt chào mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30 tháng 4”. “Đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào, Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Trên đầu xe, một bên là cờ đỏ sao vàng, một bên là cờ giải phóng, nửa đỏ nửa xanh, sao vàng chính giữa. Loa phóng thanh đặt xung quanh thành xe đang hát vang bài “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”.
Chưa kịp ăn trưa, nhưng tôi không thấy đói. Lòng rạo rực niềm vui lớn khôn tả. Thấy tôi, mấy anh chị em tổ thông tin cổ động đi cùng xe ùa cả ra với nụ cười rạng rỡ.
- Đây rồi, đây rồi… hoan hô giọng đọc như vàng, đã “dai hơn ếch lại vang… hơn đài”.
Chả là, mấy năm trước… tôi được Đài Truyền thanh huyện hợp đồng làm phát thanh viên. Thời ấy, do điều kiện kỹ thuật nên các chương trình thường đọc trực tiếp. Hàng ngày, tôi phải đạp xe từ nhà lên đài huyện hơn ba cây số, nhận bài và xem trước, đến giờ phát - buổi sáng từ 5h45 đến 6h. Buổi chiều từ 18h45 đến 19h - vào phòng đọc. Điều hòa nhiệt độ không có, sau mười lăm phút, mồ hôi vã ra như người cảm lạnh được nồi nước xông.
Và hôm nay, tôi lại góp giọng đọc của mình vào việc tuyên truyền, cổ động cho ngày đại thắng vẻ vang của dân tộc.
Huyện Ba Vì rất rộng, diện tích bằng nửa tỉnh Sơn Tây cũ, với 34 xã, thị trấn. Chúng tôi được phân công đi cổ động hết địa bàn của huyện. Đúng một giờ ngày 30 tháng 4, chiếc xe lăn bánh. Xe đi chầm chậm. Tiếng nhạc, giọng phát thanh trịnh trọng, hào sảng. Đến giờ, tôi vẫn còn thuộc lòng một đoạn:
“Thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là một thắng lợi vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, mở ra một kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn cho Tổ quốc ta”.
Xe đến đâu, người già có, trẻ em có đều đến vây quanh, khuôn mặt ai cũng hớn hở, rạng ngời. Thỉnh thoảng, trong đám đông ấy, có người len lén lấy vạt áo lau nước mắt bởi những xúc cảm khác nhau trong ngày đại thắng.
Khoảng 15 giờ, chúng tôi tới chân núi Ba Vì, thuộc xã Minh Quang, địa phương xa trung tâm huyện nhất, là nơi có sự tích Sơn Tinh, Thủy Tinh nổi tiếng còn đọng mãi trong ký ức của mỗi học sinh cấp một. Xe vừa dừng, hàng chục người, đa số là bà con người Mường ùa tới. Một cụ chừng ngoại bảy mươi, tóc như cước, da tựa bồ quân - sau hỏi ra mới biết cụ tên là Quách Văn Núi, có 2 con đi bộ đội. Một anh đang trong chiến trường Tây Nguyên, một anh đã hy sinh - nói rất to:
- Giải phóng miền Nam rồi phải không? Chúng tôi ở xa trên này, chiến thắng được mấy tiếng rồi mà giờ mới hay… ha ha. Bà con ơi… ra nghe tin đặc biệt này.
Không ai bảo ai, mấy cô gái trong đồng phục váy đen, áo trắng tay cầm chiêng gõ liên hồi. Bọn trẻ thì nhảy cẫng lên hò reo không ngớt. Không thể ở lâu, chúng tôi tạm biệt bà con, xuống núi, nhằm Quốc lộ 11A (nay là 32A) thẳng tới thôn Yên Bồ, thuộc xã Vật Lại - xã anh hùng trong kháng chiến chống thực dân Pháp - nơi mùa Xuân 1969, Bác Hồ đã trồng cây đa trên đồi, mở đầu cho Tết trồng cây của cả nước. Sáu năm trôi qua kể từ ngày Bác đi xa, cây đa đã lên xanh tốt. Vừa rẽ vào đường lên đồi, đã thấy dưới gốc đa có hàng trăm người đứng, ngồi ai cũng dáng vẻ nghiêm trang. Thì ra, nghe tin chiến thắng, bà con kéo nhau ra để tưởng nhớ Bác Hồ. Cụ Phạm Thị Hưởng, miệng nhai trầu, tay lau nước mắt nói với chúng tôi:
- Dân chúng tôi thương Bác lắm,... thống nhất rồi mà Người không được ở bên cháu con… Chúng tôi chọn cây đa Bác trồng để mừng chiến thắng và nhớ đến công ơn trời biển của Người…
Suốt buổi chiều đến ban đêm và cả ngày hôm sau - Ngày Quốc tế Lao động mùng 1 tháng 5, chỉ mình tôi đọc. Trong cabin xe tải chật chội ấy, không khí nóng như rang, nhưng những lời cổ động như có cánh thoát ra, bay xa, đưa niềm vui, niềm tự hào đến tận hang cùng ngõ hẻm, đến mỗi người dân các dân tộc ở hậu phương lớn cùng tiền tuyến lớn, đã không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
* * *
45 năm đã qua kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975. Đất nước ta đã thay đổi rất nhiều. Con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã chọn “Cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội” đã và đang trở thành hiện thực.
Nhớ về 30 tháng 4 năm ấy, càng thấm thía câu Bác viết trong Di chúc trước lúc Người đi xa, năm 1969:
“… Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202004/nho-30-thang-4-nam-ay-3001292/