Nhớ Bác ngày này, năm xưa: 'Chính phủ liêm khiết'
Theo Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, từ ngày 28/10 đến 9/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức tại Nhà hát thành phố Hà Nội. Kỳ họp có hơn 300 đại biểu tham dự. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã nghe báo cáo công tác của Chính phủ, thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước ta và thành lập Chính phủ mới. Đồng chí Tôn Đức Thắng - đại biểu Nam Bộ, được bầu làm Trưởng đoàn Đoàn Chủ tịch kỳ họp. Theo đề nghị của đoàn đại biểu Nam Bộ, toàn thể Quốc hội đã suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh là 'Người công dân thứ nhất đã sáng suốt đưa nước nhà ra khỏi vòng nô lệ'.
Ngày 31/10/1946, sau khi được Quốc hội ủy quyền thành lập Chính phủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu ý kiến xin nhận nhiệm vụ và khẳng định trước Quốc hội, trước nhân dân, trước thế giới:
“Lần này là lần thứ hai Quốc hội giao phó cho tôi phụ trách Chính phủ một lần nữa. Việt Nam chưa được độc lập, chưa được thống nhất thì bất kỳ Quốc hội ủy cho tôi hay cho ai cũng phải gắng mà làm. Tôi xin nhận”. Với trách nhiệm cao cả mà Quốc hội giao, Bác xin nhận và hứa sẽ cố gắng làm.
Đồng thời Bác cũng tuyên bố rằng: “Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài”. Điều này thể hiện rất rõ ràng quan điểm của Người trong suốt quá trình tham gia cách mạng.
Và khẳng định dứt khoát: “Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái”.
Nhấn mạnh quan điểm nhất quán về chính đảng, Bác nói: “Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới: Tôi chỉ có một đảng, Đảng Việt Nam”.
Bác đề cập đến chữ “liêm khiết” đối với Chính phủ mới trong bài phát biểu của mình: “Tuy trong quyết nghị không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng quyết tâm thực hiện theo lời quyết nghị của Quốc hội, Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà. Từ đó, Người khẳng định: “Anh em trong Chính phủ mới sẽ dựa vào sức của Quốc hội và quốc dân, dầu nguy hiểm mấy cũng đi vào mục đích mà quốc dân và Quốc hội trao cho”.
Đến ngày 3/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Lời tuyên bố rằng: “Theo ý Quốc hội, Chính phủ mới phải tỏ rõ cái tinh thần đại đoàn kết, không phân đảng phái. Sau khi được Quốc hội ủy nhiệm cho tổ chức Chính phủ, tôi đã thăm dò ý kiến của nhiều bậc lão thành, đại biểu các đoàn thể cùng các nhân sĩ các giới.
Kết quả là, có những vị có tài năng nhận lời tham gia Chính phủ như: Cụ Huỳnh, vì tuổi già sức yếu mà cố từ, nhưng vì tôi lấy đại nghĩa mà lưu Cụ, Cụ cũng gắng ở lại. Lại có nhiều vị đứng ngoài sẵn sàng ra sức giúp đỡ như: Cụ Bùi Bằng Đoàn, linh mục Phạm Bá Trực... Dầu ở trong hay ngoài Chính phủ ai nấy đều hứa sẽ cố gắng làm việc, một lòng vì nước, vì dân”.
Bác cũng khẳng định việc thành lập Chính phủ mới được diễn ra nhanh chóng là nhờ sự nhiệt tình, sốt sắng của anh em: “Nhờ ở sự sốt sắng của anh em mà tôi chóng thành lập được Chính phủ, tuy không được mười phần như ý nguyện của Quốc hội, nhưng cũng theo gần đúng phương châm Quốc hội đã vạch ra”. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước Quốc hội rằng, Chính phủ này tỏ rõ cái tinh thần quốc dân liên hiệp, là một Chính phủ chú trọng thực tế và sẽ nỗ lực làm việc, để tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới”.
Thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tinh thần đoàn kết giữa các vùng, miền của Tổ quốc: “Chính phủ này là Chính phủ toàn quốc, có đủ nhân tài Trung, Nam, Bắc tham gia. Đặc biệt là đồng bào Nam Bộ không những ở tiền tuyến xung phong giữ gìn đất nước, mà lại còn hăng hái dự vào việc kiến thiết quốc gia”.
Cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo trước quốc dân, đồng bào rằng: “Trong công việc của Chính phủ sẽ còn nhiều bước khó khăn, nhưng nhờ sức ủng hộ của Quốc hội và toàn thể quốc dân, Chính phủ sẽ cương quyết đi đến mục đích”.
Mặc dầu đã 77 năm trôi qua nhưng những Lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước Quốc hội, trước nhân dân và trước thế giới vẫn còn có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đó chính là tinh thần trách nhiệm, sự quyết tâm và việc khẳng định một Chính phủ liêm khiết.
TRỌNG NHÂN
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:
[1] Báo Cứu quốc, số 390, ngày 29/10/1946; số 394, ngày 3/11/1946 và số 395, ngày 4/11/1946.
[2] Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2016, tập 3, trang 303 - 305.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2011, tập 4, trang 478, 479; 481, 482.