Nhờ cách cư xử quân tử, golf ít gian lận
Bobby Jones từng nói: 'Trong môn golf khi bạn ăn gian thì người bạn đang lừa gạt chính là bản thân mình'.
Hơn 90 năm kể từ sau khi quả bóng của Bobby Jones di chuyển, câu chuyện này vẫn còn nhắc đến để cho thấy golf là môn chơi quân tử.
Tại giải U.S. Open 1925, bóng của tay golf nghiệp dư vĩ đại này di chuyển một ít khi ông chuẩn bị đánh bóng ở khu cỏ cao và chẳng ai biết việc đó.
Cũng không có một trọng tài nào bắt lỗi, không thành viên nào thuộc ban tổ chức phạt ông ấy.
Golf thủ đánh cặp với Jones, ông Walter Hagen cũng không thấy tình huống đó, caddie của ông không và khán giả cũng không.
Nhưng khi vòng đấu kết thúc mọi người được biết Jones đã tự phạt mình một gậy ở lỗi trên.
Quả bóng di chuyển không giúp ích gì cho ông, nó cũng không vi phạm luật nghiêm trọng. Nhưng chuyện đã xảy ra và đó là luật. Vì thế Jones không nghĩ gì khác hơn. Gậy phạt này đã đánh mất chiến thắng của ông, bởi sau đó ông đã phải bước vào loạt đấu playoff 36 lỗ và thua Willie Macfarlane.
Sau đó, khi cây viết thể thao O.B. Keeler ca ngợi tinh thần thể thao của Jones nhưng tay golf này đã van nài không nên viết về sự cố đó.
“Anh nên tuyên dương tôi vì không đánh cướp nhà băng thì hơn”, Jones đã nói.
Trong môn golf, sách luật là thiêng liêng – dù một số luật dường như lạ kỳ và vi phạm chúng có thể không đem lại lợi thế nào. Điều quan trọng đối với golfer là họ làm “trọng tài” cho chính mình.
Chỉ ở cấp độ thi đấu cao nhất – chẳng hạn ở những giải lớn – mới có những trọng tài đi cạnh bên, và thậm chí không phải có mặt ở tất cả mỗi nhóm thi đấu.
Vì thế tuân thủ luật đã trở thành trách nhiệm của mọi golfer, cho dù nhiều khi họ phải trả giá đắt.
Một lần tại giải LPGA ở Toledo (Ohio), Meg Mallon đang dẫn trước sau vòng một. Nhưng ở vòng hai, bà đã rơi vào tình huống: bóng nằm ở mép lỗ, vẫn còn lắc lư. “Tôi nghĩ nếu bóng vẫn còn chuyển động thì không áp dụng luật 10 giây”, Mallon cho biết. Nếu đánh bóng còn đang di chuyển, sẽ bị phạt. Bà đã chờ… và bóng đã rơi vào lỗ.
Không may, sau khi ký thẻ điểm, Mallon mới bắt đầu hoài nghi liệu mình đã làm đúng luật hay không.
Sáng hôm sau, bà đã hỏi một trọng tài. Họ xem lại băng ghi hình quả bóng nằm trên mép lỗ khi đó, và 19 giây sau quả bóng mới rơi xuống lỗ. Tình huống đó Mallon lẽ ra đã phải tự phạt mình một gậy nhưng bà đã không làm vậy và như thế bà đã ký sai thẻ điểm. Khi golfer ký thẻ điểm mà điểm số thấp hơn thực tế sẽ bị loại.
“Sau đó, khi điền tên những golfer dẫn đầu, người ta đã lấy tên của tôi ra khỏi bảng xếp hạng”, Mallon nói. “Và những chuyện như thế xảy ra thường xuyên. Bạn không thể không cắn rứt lương tâm nếu không tự phạt mình. Tôi không thể tiếp tục chơi với cảm giác đó”.
Tại giải Honda Classic 2007, Mark Wilson đã tự phạt một gậy ở vòng hai khi caddie của ông là Chris Jones đã vô tình nói ra độ lõm của cây gậy hybrid mà ông vừa đánh tại một lỗ par-3.
Wilson đã không suy nghĩ gì về chuyện đó lúc ấy nhưng khi đến green, ông nhận ra caddie của mình có thể đã vi phạm luật 8-1 (luật golf cũ) về việc cho golfer khác lời khuyên.Ông đã trình bày với một trọng tài và trường hợp này bị phạt hai gậy.
Nếu Wilson không nói gì, thì chẳng ai nghĩ ông vi phạm luật. Vòng đấu 64 gậy của Wilson đã hóa ra thành 66 gậy. Việc bị phạt 2 gậy chẳng quan trọng cho đến hai ngày sau, khi Wilson nằm trong nhóm ứng cử viên vô địch. Ông kết thúc giải bằng chức vô địch trong loạt đấu playoff theo thể thức cái chết bất ngờ mà lẽ ra không cần đến nếu như không bị phạt 2 gậy trên.
“Tôi không nghĩ mình được bước lên bục vinh quang nếu không tự phạt, bởi tôi sẽ bị ám ảnh về tình huống đó, và nếu tôi không tự phạt thì mỗi lần nhìn vào chiếc cúp vô địch, nó sẽ là một vết nhơ”, Wilson thừa nhận.
Wilson đã vi phạm luật, nhưng không có nghĩa là một golfer không thể nhìn vào túi ông ấy để nhận ra những thông tin tương tự, biết được ông sử dụng gậy gì.
Và mặc dù cho lời khuyên là trái luật, nhưng dường như giữa những caddie có những mật mã riêng thông qua việc ra dấu khi muốn trao đổi thông tin.
Có một số điều luật kỳ lạ trong golf nhưng luật không cho phép khuyên người khác có một vị trí quan trọng.
Nếu một golfer đang dẫn trước khá xa, làm sao có thể ngăn anh ta khuyên bạn đánh cùng? Nhưng điều đó không công bằng đối với những gôn thủ còn lại. Đó cũng là lý do tại sao những gôn thủ đóng vai trò như những trọng tài, để không chỉ bảo vệ chính mình mà còn cho mọi người thi đấu khác.
“Tôi không nghĩ có anh chàng nào mà tôi biết ở PGA Tour không làm điều tương tự”, Paul Goydos nói như thế khi đề cập về trường hợp của Wilson. “Đó là cách mà môn golf phải thế. Tôi thích cách anh ấy giải quyết vấn đề. Anh ấy đã không muốn mình chết dần chết mòn trong sự cắn rứt lương tâm”.
Nhiều năm qua, có nhiều trường hợp golf thủ tự phạt sau khi phạm luật.
Ở giải British Open 2001, Ian Woosnam đã bất ngờ phát hiện ra rằng trong túi gậy của mình dư một cây gậy phát bóng khi ông bước đến điểm phát bóng thứ hai của vòng cuối.
Nếu Woosnam không nói ra thì sẽ chẳng có ai biết là ông ấy đã phạm luật giới hạn 14 cây gậy trong túi. Nhưng ngay lập tức, Woosnam ném cây gậy phát bóng đi – và nói vài lời với caddie của mình – sau đó cộng thêm hai gậy vào thẻ điểm.
Ở giải Greater Hartford Open 1996, Greg Norman đã tự mình rời cuộc chơi vì những lý do mang tính kỹ thuật: Ông ấy đã sử dụng một quả bóng chưa được chứng nhận.
Thực ra, quả bóng tốt nhưng nhãn hiệu của nó chưa được chứng nhận. Rõ ràng quả bóng hoàn toàn không mang lợi thế gì nhưng Norman đã làm điều duy nhất mà ông biết mình phải làm. Đó là tự loại mình ra khỏi giải đấu.
Không thể nói là không có những tai nạn hay những sự nghi ngờ trong golf. Một tai nạn đáng nhớ nhất liên quan đến Vijay Singh và nó xảy ra vào năm 1985 khi ông thi đấu ở Asian Tour. Sau vòng hai giải Indonesian Open, Giám đốc điều hành giải phạt Singh vì đã ghi ít hơn một gậy so với điểm của mình. Ông ấy bị loại và sau đó bị cấm thi đấu ở Asian Tour vô thời hạn.
Singh đã buộc phải làm việc với vai trò điều hành golf CLB ở Borneo (Indonesia) và cuối cùng ông tìm cách gia nhập đấu trường châu Âu. Thật lâu sau đó, ông ấy vẫn cho rằng có sự hiểu lầm và bày tỏ thất vọng rằng kỷ niệm buồn từ những giải đấu ấy đã đeo bám ông suốt nhiều năm.
Cho đến năm 1993, khi đã ở tuổi 30, Singh mới lọt vào đấu trường PGA Tour nhưng ông ấy đã vượt qua thời kỳ khó khăn và trở thành thành viên của nhà lưu danh golf thế giới.
Ý niệm gôn thủ tự nguyện phạt là một trong những lý do Cựu Ủy viên cấp cao Tim Finchem của PGA Tour đã không sẵn lòng áp dụng chính sách kiểm tra chất cấm. Về mặt lý thuyết, những golf thủ biết rằng không đá quả bóng của mình ra khỏi khu cỏ cao vì thế họ cũng sẽ không làm điều gì trái luật.
Theo Sidney Matthew, người đã viết nhiều sách về Jones, gôn thủ nghiệp dư vĩ đại này đã tự phạt mình bốn lần khi thi đấu. Trong đó sự cố tại giải U.S. Open 1925 ở sân Worcester Country Club gần Boston là nổi tiếng nhất. Một năm sau, ông ấy tự phạt mình ở giải U.S. Open khi bóng của ông di chuyển khi chuẩn bị đánh bóng.
Nhưng chuyện đó không ngăn ông san bằng cách biệt bốn gậy ở vòng cuối. Như Jones đã từng nói: “Trong môn golf khi bạn ăn gian thì người bạn đang lừa gạt chính là bản thân mình”.