Nhớ cái Tết đầu tiên ở Vũng Tàu
Tết Đinh Tỵ (1977), Tết đầu tiên tại Vũng Tàu, cũng là Tết đầu tiên ở miền Nam của chúng tôi, do là Tết thứ hai sau chiến tranh nên các chế độ đều cấp theo tem phiếu, các gia đình đều dành tem phiếu của cả tháng cho 3 ngày Tết. Dẫu vậy, nhà nhiều nhất cũng chỉ chưa đến 2kg thịt lợn, một ít mì chính, dăm bảy bao thuốc lá, một ít bánh kẹo...
Ngay sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, ngày 5-5-1975, đoàn cán bộ Tổng cục Địa chất do ông Nguyễn Ngọc Sớm làm trưởng đoàn, trong đó có tôi, bay vào Sài Gòn để tiếp quản tài liệu dầu khí thuộc Tổng cục Dầu hỏa của chính quyền Sài Gòn để lại tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Sau khi thu thập, phân tích, đánh giá xác nhận thềm lục địa miền Nam Việt Nam có triển vọng về dầu khí, trên cơ sở báo cáo của đoàn công tác, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, quyết định thành lập Tổng cục Dầu khí (ngày 3-9-1975) và sau đó thành lập Công ty Dầu khí Nam Việt Nam (27-11-1975), trụ sở tại Sài Gòn.
Tháng 4-1976, Đoàn Địa chất Dầu khí 21 thuộc Công ty Dầu khí Nam Việt Nam được thành lập, có trụ sở tại thị xã Vũng Tàu, thuộc tỉnh Đồng Nai. Thị xã Vũng Tàu sau 1 năm giải phóng vẫn còn ngổn ngang, bộn bề. Những ngày cuối Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngụy quân thuộc chính quyền Sài Gòn dồn về đây để lên tàu của Mỹ chạy ra nước ngoài, những trận chiến đấu giữa các đơn vị quân giải phóng miền Nam Việt Nam với tàn quân ngụy, còn ngoan cố, cố thủ, diễn ra hết sức ác liệt làm cho thị xã càng trở nên điêu tàn, trông rất thảm hại, khách sạn không chủ, nhà hàng vắng teo, nhiều nhà cửa bị đổ nát, đường xá bị cày xới. Đoàn Địa chất Dầu khí 21 được bố trí tại khu gia binh ở đường Trần Bình Trọng, một nơi toàn nhà cấp 4 đã xuống cấp, do chính quyền Sài Gòn xây dựng cho gia đình thương binh ngụy, đa số là người miền Trung Việt Nam. Khi chúng tôi đến tiếp nhận nhà, vẫn còn một số gia đình chưa chuyển về quê hương, bản quán. Nước không có, điện cũng mất hết, mặc dù được Thị ủy, UBND thị xã Vũng Tàu quan tâm, động viên, nhưng anh em cũng thấy... hơi buồn.
Ngay những ngày đầu, gần 150 cán bộ, công chức, viên chức Đoàn Địa chất Dầu khí 21 bắt tay ngay vào nhiệm vụ được giao, các tổ tìm kiếm, khảo sát địa chất lên đường làm nhiệm vụ ở miền Đông, Tây Nam Bộ; bộ phận hành chính vừa tập trung dọn dẹp nơi làm việc, vừa đề xuất Công ty Dầu khí Nam Việt Nam cho mua máy điện phục vụ hoạt động của Đoàn bộ và các gia đình khu tập thể; thuê người khoan giếng lấy nước ăn và phục vụ cho phòng thí nghiệm; cử người lên Biên Hòa đăng ký chế độ lương thực thực phẩm cho CBCNV toàn đoàn. Mọi việc đi vào nền nếp thì cũng bắt đầu đến Tết Nguyên đán Đinh Tỵ (1977).
Tết Đinh Tỵ là Tết đầu tiên tại Vũng Tàu, cũng là Tết đầu tiên ở miền Nam của chúng tôi. Do là Tết thứ hai sau chiến tranh nên các chế độ đều cấp theo tem phiếu, các gia đình đều dành tem phiếu của cả tháng cho 3 ngày Tết, dẫu vậy nhà nhiều nhất cũng chỉ chưa đến 2kg thịt lợn, một ít mì chính, dăm bảy bao thuốc lá, một ít bánh kẹo của chế độ Tết. Mặc dù Vũng Tàu không xa Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng tiêu chuẩn gạo nếp, gạo tẻ cũng chỉ được dăm ba kilôgam, mà gạo trong kho đã 2-3 năm. Rất may là Tổng cục Dầu khí có một công ty sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, cung cấp cho CBCNV dầu khí ở Hà Nội. Lúc ấy đang trong giai đoạn cấm chợ ngăn sông, nhưng nhờ ông Đinh Đức Thiện, Tô Ký giúp đỡ, Đoàn Địa chất Dầu khí 21 cũng được ăn theo, mỗi gia đình được mua 2kg gạo nếp, 5kg gạo tẻ mới sản xuất.
Tôi nhớ Tết năm đó, Tết đầu tiên ở Vũng Tàu, không nhà nào có hoa, có pháo, mặc dù thời ấy pháo chưa hề bị cấm. Tuy vậy, không khí mấy ngày Tết vẫn vui vẻ, các gia đình chung nhau gói và nấu bánh chưng, bánh tét, không đủ thịt gói giò thì nấu thịt kho tàu (thịt ba chỉ với trứng luộc).
Ngày mùng Một Tết, tất cả CBCNV và gia đình tập trung lên hội trường, sau lời chúc Tết của Bí thư Chi bộ, Đoàn trưởng Đoàn Địa chất Dầu khí 21, rượu Hồng Đào được phân phát, rót vào cốc, mọi người nâng cốc chúc mừng xuân mới, đất nước đã được thống nhất, hòa bình. Cuối buổi gặp mặt đầu xuân, các gia đình đi chúc Tết lẫn nhau và đi vào trung tâm thị xã Vũng Tàu du xuân, vui Tết. Tết Đinh Tỵ, trời Vũng Tàu cũng rất nóng, không có tủ lạnh, các gia đình sau khi cúng tổ tiên phải nhanh chóng ăn bánh chưng, thịt kho tàu để khỏi bị hỏng.
Bây giờ Vũng Tàu trở thành thành phố dầu khí, du lịch mạnh nhất, nhì cả nước, đường xá sạch đẹp, khách sạn, nhà hàng mọc lên san sát, nhà biệt thự, nhà cao tầng khắp cả thành phố, đời sống nhân dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đứng vào tốp đầu cả nước. Đứng ở thời gian 42 năm trước mới thấy Vũng Tàu vươn lên với tốc độ phi mã, không chỉ gấp 10 như mong ước của Bác Hồ lúc sinh thời mà gấp cả trăm lần ngày mới giải phóng.
Tết Đinh Tỵ, Tết đầu tiên ở Vũng Tàu, không nhà nào có hoa, có pháo, mặc dù thời ấy pháo chưa hề bị cấm. Tuy vậy, không khí mấy ngày Tết vẫn vui vẻ, các gia đình chung nhau gói và nấu bánh chưng, bánh tét, không đủ thịt gói giò thì nấu thịt kho tàu (thịt ba chỉ với trứng luộc).
Lê Quang Trung - Nguyên bí thư Đảng ủy Vietsovpetro
Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/nho-cai-tet-dau-tien-o-vung-tau-560980.html