Nhớ cha
Cứ mỗi mùa Vu lan về, lòng con cứ xao xuyến bâng khuâng, lắng đọng chút tâm tư suy nghĩ về hai đấng sinh thành đã có ơn tác tạo, dưỡng nuôi con đến ngày khôn lớn. Cha mẹ là nguồn an ủi, là lẽ sống của đời con.
Từ khi sinh ra và lớn lên, con được bàn tay chăm nom, ấp iu của mẹ, được sự chăm sóc dạy dỗ của cha. Con thấy mình thật là hạnh phúc khi còn cả cha lẫn mẹ. Mẹ của con là một người phụ nữ đảm đang, vẹn toàn đức hạnh.
Còn cha thì lúc nào cũng nghiêm nghị, khắt khe. Tuy cha không dịu dàng như mẹ, nhưng bên trong luôn đầy ắp những yêu thương dành cho con. Vì cha ít bộc lộ cảm xúc của mình, nên có đôi khi, con quên mất sự hy sinh âm thầm, lặng lẽ của cha. Là trụ cột của gia đình, cha lúc nào cũng gánh vác mọi công việc nặng nhọc, để cho vợ con được đỡ phần vất vả.
Để đổi lấy chén cơm, manh áo, lo cho con được đủ đầy không thua kém bạn bè, cha phải đi làm ăn xa, đầu tắt mặt tối. Có lần, con bắt gặp bóng cha in sâu trên đường, mồ hôi ướt đẫm lưng áo trong buổi trưa nắng gắt, con đã suy nghĩ thật nhiều. Con quyết định rời khỏi ghế nhà trường, bước vào đời với những khó khăn thử thách, mải miết kiếm tiền để phụ giúp cho cha mẹ. Con muốn mình có nhiều tiền để lo cho cha mẹ sung sướng ở tuổi xế chiều, và luôn cầu mong cha mẹ được khỏe mạnh bình an, để con có bờ vai vững chắc mà nương tựa suốt cuộc đời này.
Nhưng, định luật vô thường quá trớ trêu, khi “trong hội ngộ đã có mầm ly biệt”. Vào một buổi chiều định mệnh ấy, một cuộc điện thoại báo tin, cha gặp tai nạn xe khi đang trên đường về nhà và cha đã ra đi mãi mãi. Con nghe như sét đánh bên tai, mọi thứ xung quanh con hoàn toàn sụp đổ. Con muốn khóc, muốn gào thét thật to mà không thể thành tiếng. Cha ơi! Cớ sao cha đi vội, bỏ mẹ và con giữa sóng gió cuộc đời?
Nhưng nghĩ đến mẹ, nếu lúc này con gục ngã thì ai sẽ lo cho mẹ? Con cố nén nỗi đau vào lòng và mạnh mẽ đứng lên, con không cho phép mình yếu đuối trong lúc này. Vì từ đây con phải thay cha lo cho mẹ.
Nhờ giáo lý của Đức Phật mà con hiểu được phần nào mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là do một nhân duyên đặc biệt. Hơn 50 năm cuộc đời cha đã hy sinh cho gia đình, giờ đây cha không còn duyên ở lại bên mẹ và con. Thôi thì, cha hãy yên lòng, mọi việc của gia đình con sẽ gánh vác thay cha. Con tin rằng, dù âm dương hai nẻo, nhưng cha sẽ vẫn luôn dõi mắt theo con và phù hộ cho con.
Vu lan lại về, lòng con lại rưng rưng nhớ cha. Niềm an ủi lớn nhất trong cuộc đời con là con vẫn còn may mắn có mẹ sớm hôm kề cận.
"Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc,
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không"
Chúng ta hãy yêu thương, phụng dưỡng cha mẹ khi còn có thể, đừng để một mai, khi cha mẹ mất đi, muốn muốn báo đáp ơn sâu cũng không còn cơ hội, mà chỉ còn đọng lại một nỗi nhớ thương...
“Cảm xúc Vu lan” hân hạnh được Ban Thông tin - Truyền thông GHPGVN TP.HCM đồng hành trong mùa Vu lan - Báo hiếu PL.2566 - DL.2022
Mời Tăng Ni, bạn đọc chia sẻ những nỗi niềm, cảm nghĩ của mình về cha, mẹ, thầy tổ, những nhân duyên khó quên; đó cũng có thể là lời cảm ơn, hay lời xin lỗi mà mình đã muốn nói rất lâu rồi… qua chuyên mục "Cảm xúc Vu lan".
Bài viết xin gửi về tòa soạn theo địa chỉ email onlinegiacngo@gmail.com, toasoan@giacngo.vn. Chủ đề thư điện tử xin đề “Cảm xúc Vu lan”, từ lúc có thông báo này cho đến hết ngày 27-7 Âm lịch (26-8-2022).
Ngoài nhuận bút theo quy định khi bài được chọn đăng trên báo in Giác Ngộ và Giác Ngộ Online, Ban Tổ chức sẽ có 02 phần quà đặc biệt của Ban Thông tin - Truyền thông GHPGVN TP.HCM dành cho (1) bài viết có lượt xem nhiều nhất (trên Giác Ngộ Online) và được chia sẻ nhiều nhất trên Fanpage Báo Giác Ngộ; (2) bài viết cảm xúc nhất (do Ban Thông tin - Truyền thông GHPGVN TP.HCM bình chọn).
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/nho-cha-post63316.html