Nhờ chồng, con chăm cháu ruột để đến với những đứa cháu 'nuôi' khiếm khuyết
Nhìn những đứa cháu không máu mủ hằng ngày phát triển chính là 'Doping' cho niềm vui sống của những người bà đã bước sang tuổi thất thập.
Chúng tôi đến thăm Trung tâm phục hồi chức năng, nuôi dạy trẻ khuyết tật, nhiễm chất độc da cam Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình một ngày cuối tháng 5 trời "đổ lửa". Những đứa trẻ khiếm khuyết vẫn đang cùng bác sĩ, người thân và những người mẹ, người bà đặc biệt nỗ lực tập luyện phục hồi.
Ông Lê Quyết Chiến, Giám đốc Trung tâm cho biết, đơn vị được thành lập từ năm 2002, với sự tài trợ của Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam trong thời gian 5 năm. Năm 2007, dự án kết thúc, kinh phí hoạt động không còn, tưởng chừng phải đóng cửa trung tâm.
Bằng sự nỗ lực, các cán bộ nhân viên trung tâm đã kêu gọi được sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân. Từ ấy, trung tâm này đã có hành trình hơn 20 năm vì tương lai của những cháu nhỏ thiệt thòi. Hơn 200 trẻ khuyết tật rời trung tâm đã hòa nhập với cộng đồng, có một cuộc sống tươi sáng hơn.
Đồng hành cùng các con, các cháu từ những ngày trung tâm vừa thành lập, bà Nguyễn Thị Minh Lợi (74 tuổi) và bà Trương Thị Loan (69 tuổi) đã trở thành những người thân không máu mủ của trẻ khuyết tật. Hơn 20 năm, bao lớp trẻ khiếm khuyết cứ đến rồi đi, nhưng hình ảnh người bà, người mẹ "nuôi" vẫn âm thầm chờ trẻ ở trung tâm này.
Ông Chiến vui cười kể về 2 nữ "đồng đội" vì biết các bà sẽ ái ngại khi nói về bản thân. Bà Nguyễn Thị Minh Lợi từng công tác trong ngành y tại một trung tâm y tế địa phương. Sau khi nghỉ hưu, bà đã tình nguyện về trung tâm để đồng hành cùng những mảnh đời thiệt thòi, bất hạnh.
Còn bà Trương Thị Loan là một người phụ nữ "chân lấm, tay bùn", hơn 20 năm trước luôn hăng hái với trách nhiệm của công tá viên dân số và hoạt động ở Hội Chữ thập đỏ địa phương. Rồi bà đồng hành cùng trung tâm và những đứa con, đứa cháu "nuôi" khiếm khuyết đến ngày hôm nay.
"Ở đây tất cả là vì các cháu, các bà được hỗ trợ khoảng 500 ngàn/tháng, chủ yếu là để nộp vào điện thoại liên lạc với phụ huynh. Hai bà là những người gắn bó với tôi và trung tâm từ những ngày đầu, nhìn bao đứa trẻ có chuyển biến tốt, bắt nhịp được với cuộc sống chúng tôi đã cùng rơi nước mắt hạnh phúc", ông Chiến chia sẻ.
Bắt nhịp được với câu chuyện bà Trương Thị Loan kể, hơn 20 năm nay, bất kể nắng mưa, giá buốt, bà dậy từ sớm, trên con xe đạp đã sờn cũ đến chợ chọn những thực phẩm tươi ngon đưa tới trung tâm. Dù đi chợ nhưng bà phải có mặt ở trung tâm trước khi các cháu đến để đón và đưa các cháu vào khu vực điều trị, tập luyện.
"Người già thì ai cũng yêu trẻ con, với những cháu khiếm khuyết lại càng yêu thương và mong muốn giúp đỡ hơn. Vì Trung tâm mở cửa từ thứ tư đến chủ nhật, những ngày không đến trung tâm bà cũng dậy sớm theo thói quen. Việc chăm sóc và hỗ trợ tập luyện đã trở thành thói quen nên không ở trung tâm là cứ thấy nao nao nhớ các cháu", bà Loan chia sẻ.
Cũng như bà Loan, bà Lợi đã xem bao lớp trẻ khuyết tật như con, cháu trong nhà. Bà dành cho các cháu tình yêu nhiều đến mức chồng, con và cháu của mình đôi lúc phải ghen tị. Bà Lợi vẫn thấy có lỗi với cháu ruột khi chẳng thể ở bên nhiều hơn. Bà đã nhiều lần phải nhờ chồng, con chăm cháu ruột để đến với những đứa cháu không máu mủ thiệt thòi hơn. Những giận hờn vu vơ rồi cũng qua đi vì người thân hiểu, bà Lợi cũng như bà Loan muốn tình thương của mình rộng hơn nhưng họ không đủ sức.
"Với trẻ khuyết tật, việc chăm sóc phải kiên trì, phải dành tình thương đặc biệt với các cháu. Mỗi cháu có một bệnh lý, khuyết tật riêng, tùy từng trường hợp mà có hướng hỗ trợ, phục hồi. Với chúng tôi, giúp đỡ cho một gia đình, một cảnh đời, và giúp cho các em có một tương lai tươi sáng hơn đã là niềm vui sướng nhất rồi", bà Lợi cười nói.
Ngày ngày nghe tiếng gọi chưa tròn vành nhưng trìu mến "mệ (bà) Lợi, mệ Loan ơi" từ những đứa cháu không máu mủ, những người bà "nuôi" lại có thêm sức sống ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy". Khi những người cháu đặc biệt lớn lên và đạt được những thành quả tưởng chừng không thể, những người bà, người ông ở trung tâm cảm thấy vui mừng hơn ai hết.
Được mẹ chở đến trung tâm để tập luyện, cháu Nguyễn Thị Trang tíu tít khoe thành quả của năm học tới các bà, các ông, cô chú với 6 điểm 10 các môn. Những ngày tâm luyện tại trung tâm, Trang đã nhận được rất nhiều tình cảm từ mọi người. Cháu cũng luôn cố gắng trong học tập và cuộc sống để đáp lại tình cảm ấy.
"20 năm, một đời người cháu ạ. Những cháu đầu tiên đến với trung tâm giờ đây đã trưởng thành cả rồi. Có những cháu phục hồi tốt nay đã lập gia đình, có cuộc sống tốt. Không có cái mừng nào hơn khi thấy tình yêu thương của mình đã mang lại tương lai tốt đẹp cho các cháu", bà Loan chia sẻ.