Nhớ chuyện phát hành báo Gia Lai sang Campuchia

Sự kiện được manh nha từ năm 2010 khi Báo Gia Lai cử đoàn cán bộ, phóng viên sang thăm đất nước Chùa tháp theo tuyến đường bộ từ TP. Hồ Chí Minh qua Cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) rồi lên Siem Reap, vòng về Phnom Penh.

Không chỉ được chiêm ngưỡng kỳ quan thế giới Angkor, chúng tôi còn tận thấy đời sống khó khăn của bà con người Việt trên hồ Tonle Sap (Biển Hồ) nên dự định sẽ còn sang đây nhiều lần nữa. Và sau đó là phát hành báo Gia Lai tận tay người Việt ở Ban Lung và Stung Treng trong một quãng thời gian.

Rồi đến cuối năm 2011, do gặp một chuyện buồn nên tôi thường tranh thủ hai ngày nghỉ cuối tuần sang chơi ở TP. Ban Lung của tỉnh Ratanakiri (Campuchia), cách TP. Pleiku hơn 150 km. Lần đi này tôi và phóng viên ảnh Đức Thụy lên tận TP. Stung Treng cách Ban Lung 120 km. Lại gặp bà con Việt kiều làm nghề chài lưới bên ngã ba sông Sê Kông đổ vào sông lớn Mê Kông, đời sống của cộng đồng người Việt nơi đây khó khăn chẳng kém bà con bên Siem Reap. Nếu như người Việt ở hồ Tonle Sap sống lênh đênh trên thuyền thì bà con Stung Treng chênh vênh trong những căn chòi dựng sát mép sông. Điều đáng quan tâm nhất không chỉ là kiều bào ta không nhập được quốc tịch nước sở tại mặc dù đã định cư nhiều năm mà ngay cả việc học tập tiếng Việt của con em cũng bị ách tắc, phần lớn không được học hoặc chỉ học được đến lớp 2. Ngay cả một vài gia đình khá giả ở Ban Lung gửi con sang Pleiku trọ học nhưng cũng hết bậc tiểu học rồi thôi. Mọi tiếp xúc, trao đổi hầu như đều bằng tiếng Khmer, tiếng mẹ đẻ rất ít dùng đối với bà con người Việt bên này. Bà con rất lo lắng: “Sau này con cái ra sao, đã chỉ nói bập bẹ lại còn không biết đọc chữ tiếng Việt?”.

Những năm đầu thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI, mạng lưới viễn thông bên Campuchia còn rất mỏng, chỉ ở khu trung tâm các thành phố lớn mới có sóng wifi, còn lại hầu như là số không. Đã vậy, do đời sống còn khó khăn nên bà con Việt kiều lo cho việc mưu sinh là chính, thời giờ đâu mà nghĩ đến việc hưởng thụ “thức ăn tinh thần”! Sách báo tiếng Việt là một điều gì đó xa vời đối với cộng đồng người Việt ở đất nước Chùa tháp nói chung và bà con Việt kiều trên vùng Đông Bắc Campuchia nói riêng! Những gia đình sang đây hàng mấy chục năm như chị Châu Thị Liên (chị Bảy), anh Chín Biển ở Ban Lung, anh Vũ Văn Bốn ở Stung Treng đều mong muốn “thấy mặt chữ của đất nước mình”! Đã hơn 10 năm nhưng tôi vẫn còn nhớ như in, theo thói quen, lần đi đó tôi có mang theo mấy tờ báo Gia Lai, lấy ra đưa cho kiều bào xem, bà con rất đỗi vui mừng, hối hả chuyền tay nhau đọc.

Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Gia Lai tham quan đền Angkor Wat năm 2010. Ảnh: Thanh Phong

Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Gia Lai tham quan đền Angkor Wat năm 2010. Ảnh: Thanh Phong

Đồng cảm và nắm được nguyện vọng của bà con thông qua các anh chị trong Hội Việt kiều Ratanakiri và được sự đồng ý một cách hoan hỉ của Ban Biên tập, đặc biệt là anh Đoàn Minh Phụng-Tổng Biên tập Báo Gia Lai bấy giờ, chúng tôi lên kế hoạch phát hành báo Gia Lai sang Campuchia, trước mắt là đưa đến tận tay cho người Việt ở Ban Lung, sau đó sẽ chuyển lên tận Stung Treng. Còn nhớ năm ấy có hãng xe đò Minh Trang chạy tuyến Pleiku-Ban Lung, anh Minh chủ xe rất nhiệt tình. Ngay cả lớp học tiếng Việt tại Ban Lung dành cho con em kiều bào cũng được anh hỗ trợ sách giáo khoa và vở tập viết. Vậy là từ tháng 9-2012, cứ cách nhật, nhân viên văn thư của Báo lại mang 30 tờ báo Gia Lai xuống khoảnh đất trống trên đường Anh Hùng Núp bên cạnh Quảng trường Đại Đoàn Kết (nơi xe Minh Trang đỗ) để nhờ xe chuyển báo sang Ban Lung cho Hội Việt kiều Ratanakiri. Chậm nhất là 2 giờ chiều thì bên đó đã nhận được báo, phân phát đi các điểm trong thành phố, bà con túm tụm nhau đọc. Anh Phạm Văn Ninh-Chủ tịch Hội Việt kiều Ratanakiri rất phấn khởi: “Báo Gia Lai là một món quà vô giá đối với kiều bào ta bên này. Cầm trên tay tờ báo như được hít thở không khí của quê nhà!”.

Những năm ấy, báo Gia Lai hàng ngày có 8 trang. Bản in offset rất rõ, hình ảnh sắc nét, lại có minh họa nên không chỉ người lớn mà các em học sinh cũng rất thích đọc. Một lần sang đó dịp cuối năm 2012, chứng kiến cảnh một cháu nhỏ học lớp 2 ở Ban Lung ngồi đánh vần từng chữ trên trang báo Gia Lai, lòng tôi vui mà vẫn không khỏi nao nao… nghĩ đến nhiều cháu học sinh bên mình đang lướt web trên máy vi tính hoặc trên điện thoại thông minh đọc truyện tranh, thậm chí có em còn lập trang Facebook của riêng mình, còn các cháu bên này thì…

Đầu năm học 2013-2014, Ban Biên tập Báo Gia Lai còn cử một Phó Tổng Biên tập mang sách giáo khoa, vở học sinh và bút mực qua Ban Lung tặng cho số học sinh lúc này đã được Hội Việt kiều Ratanakiri tổ chức được 2 lớp (lớp 1 và lớp 2), giáo viên là người Việt sang. Ấn phẩm của Báo Gia Lai vẫn tiếp tục được đưa sang Ratanakiri đều đặn mỗi kỳ 30-50 tờ, cho đến khoảng giữa năm 2014 vì nhiều nguyên nhân khách quan và cả chủ quan, nhất là tuyến xe Minh Trang không hoạt động nữa nên công việc phát hành đành ngừng lại.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi có sang Campuchia vào dịp giáp Tết Nguyên đán. Lúc này thì đời sống của bà con Việt kiều bên đó đã khấm khá hơn nhiều so với trước. Kiều bào bên hồ Tonle Sap đã có trường học trên mặt hồ từ mấy năm trước, còn ở Ratanakiri thì cũng có trường học tiếng Việt nằm cạnh trụ sở Hội Việt kiều mới xây. Thế nhưng cho đến giờ những người Việt trên vùng Đông Bắc Campuchia vẫn luôn trải lòng: “Những tờ báo Gia Lai năm ấy là một món quà vô giá bởi nó không chỉ giúp ôn lại chữ tiếng Việt, mà nó còn là sợi dây liên lạc với đất mẹ, đưa bà con gần lại với quê nhà”.

THANH PHONG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/721/202203/nho-chuyen-phat-hanh-bao-gia-lai-sang-campuchia-5769091/