Nhờ đâu Đoàn Thể thao Việt Nam thống trị tuyệt đối SEA Games 31?
Chủ nhà Việt Nam đã tổ chức thành công SEA Games 31, đồng thời cũng thể hiện được sự áp đảo về mặt thành tích.
"Để tổ chức được một kỳ SEA Games giữa lúc thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 cho thấy Việt Nam ở đẳng cấp rất cao", đó là đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Singapore, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc gia Singapore, ông Tan Chuan-Jin về SEA Games 31.
Thành công không chỉ ở những tấm huy chương
Tối 22/5, bóng đá nam - môn thi đấu cuối cùng của SEA Games 31 kết thúc cùng HCV thuộc về đội tuyển U23 Việt Nam. Với tấm HCV này, Đoàn TTVN chính thức cán mốc 205 HCV. Lần đầu tiên kể từ khi hội nhập với thể thao khu vực năm 1989, thể thao Việt Nam mới giành được số HCV lớn như vậy. Đây đồng thời là kỷ lục SEA Games mới bởi chưa quốc gia nào đạt được thành tích tương tự trong quá khứ.
Không chỉ áp đảo về mặt số lượng, chất lượng thi đấu của VĐV Việt Nam cũng được đánh giá rất cao. Theo thống kê của Báo Giao thông, trong số 205 HCV, có tới 119 HCV tới từ các môn, nội dung thuộc chương trình thi đấu tại Olympic Paris 2024. Điền kinh là môn chiếm số lượng lớn nhất với 22 HCV, vật xếp thứ 2 với 17 HCV, bơi xếp thứ 3 với 11 HCV.
Còn lại là boxing (3 HCV), Rowing (8 HCV), Canoeing (8 HCV), xe đạp (4 HCV), bóng đá (2 HCV), đấu kiếm (5 HCV), TDDC (7 HCV), bóng ném (2 HCV), Judo (9 HCV), bắn súng (7 HCV), bóng bàn (1 HCV), taekwondo (9 HCV), tennis (1 HCV), cử tạ (3 HCV). Tính ra, số HCV thuộc các môn Olympic là 119, chiếm 58% tổng thành tích của Đoàn TTVN.
Những con số trên cho thấy thể thao Việt Nam đang có định hướng đúng trong việc tập trung nguồn lực đầu tư cho các môn thể thao Olympic.
Trong thành tích chung của Đoàn TTVN, nổi bật hơn cả là bóng đá nam và nữ đều bảo vệ thành công tấm HCV giành được ở SEA Games 30 diễn ra tại Philippines.
Điền kinh cũng thể hiện sự bứt phá ngoạn mục khi bỏ xa đoàn Thái Lan (10 HCV). Bên cạnh 22 HCV, điểm sáng của điền kinh còn nằm ở hai kỷ lục của Nguyễn Thị Oanh, nội dung chạy 3.000m vượt chướng ngại vật (9 phút 52 giây 44, kỷ lục cũ 10 phút 00 giây 02 của chính cô) và Lò Thị Hoàng ở nội dung ném lao (56m37, kỷ lục cũ 55m97). Hay như việc marathon nam, ném lao nam lần đầu có HCV của Hoàng Nguyên Thanh và Nguyễn Hoài Văn cũng rất đáng chú ý.
Ở môn bơi, ngoài việc vượt hai lần chỉ tiêu HCV, các VĐV Việt Nam cũng phá tới 4 kỷ lục ở các nội dung 400m tự do (Nguyễn Huy Hoàng - 3 phút 49 giây 08), 100m bơi ngửa nam (Phạm Thanh Bảo - 1 phút 1 giây 17), 400m hỗn hợp (Trần Hưng Nguyên - 4 phút 18 giây 10) và tiếp sức 4x200m (7 phút 16 giây 31).
Bất ngờ nhưng hoàn toàn xứng đáng
Đánh giá về thành công tại SEA Games 31, ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng Đoàn TTVN cho biết, việc giành tới 205 HCV là một bất ngờ nhưng hoàn toàn xứng đáng với nỗ lực của các VĐV.
“SEA Games 2003 tại Việt Nam, đoàn chủ nhà giành 158 HCV, lần này chúng ta giành 205 HCV. Dù vậy, Đoàn TTVN thi đấu sòng phẳng, không đưa thế mạnh của mình mà hạn chế thế mạnh của bạn. Những kỳ SEA Games gần đây Việt Nam luôn đứng trong 3 nước dẫn đầu đại hội.
Trước SEA Games, chúng tôi dự kiến đoàn thể thao Việt Nam sẽ giành được từ 140 HCV, dẫn đầu bảng tổng sắp. Bất ngờ là nhiều VĐV ở nhiều môn trước đây không được dự SEA Games đã thi đấu nỗ lực để có thành tích. Trước đó, ở SEA Games 30, boxing, đua thuyền có rất ít nội dung được thi đấu. Ngay vovinam muốn đưa vào Philippines cũng chỉ cho thi 4 nội dung”.
Ông Phấn cũng khẳng định, VĐV chỉ có lợi thế duy nhất là sự ủng hộ của CĐV nhà, còn lại đều thi đấu sòng phẳng, cao thượng: “Các trưởng đoàn thể thao quốc tế đánh giá rất cao công tác tổ chức và cả vấn đề chuyên môn tại SEA Games 31. Chỉ duy nhất đoàn Malaysia có thắc mắc về trọng tài của môn silat, dù vậy trọng tài điều hành các môn thi đều là người nước ngoài”.
“Bầu không khí SEA Games tuyệt vời”
Trưởng Đoàn TTVN nhấn mạnh thêm, bầu không khí SEA Games 31 ở các địa phương tổ chức luôn như những ngày hội và đây là điều để lại ấn tượng sâu sắc với ban bè quốc tế.
“SEA Games được sự ủng hộ rất lớn của người dân. Các nhà thi đấu, sân vận động luôn đầy ắp khán giả. Nhiều địa điểm thậm chí quá tải. Đặc biệt, sân Thiên Trường (Nam Định) dù tổ chức bảng A bóng đá nam gồm toàn các đội nước ngoài nhưng các khán đài luôn rực lửa”, ông Trần Đức Phấn nói.
Bà Madam Pang, Trưởng đoàn U23 Thái Lan, một trong những đội bóng thi đấu tại sân Thiên Trường giai đoạn vòng bảng đã phải thốt lên chưa từng được thấy bầu không khí tuyệt vời như vậy khi các đội tuyển bóng đá xứ chùa vàng thi đấu ở nước ngoài.
“Tôi vui mừng khi thấy người hâm mộ bóng đá Việt Nam đến sân với sự nhiệt huyết. Tôi đã ở trong môi trường bóng đá 16 năm rồi và cảm thấy bất ngờ về điều này. Các bạn rất thân thiện, cảm ơn sự cổ vũ của người hâm mộ Việt Nam”, bà Madam Pang nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Singapore, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc gia Singapore, ông Tan Chuan-Jin cũng đánh giá rất cao năng lực tổ chức của chủ nhà Việt Nam.
“Thật khó để tổ chức một kỳ SEA Games giữa lúc còn ảnh hưởng của dịch Covid-19. Để làm được điều đó, Việt Nam đã cho thấy họ ở đẳng cấp cao. Tôi có trao đổi với các VĐV và giới chức của đoàn Singapore, họ cảm thấy mọi thứ đều ổn, đặc biệt là tình cảm nồng ấm, hữu nghị và thân thiện tại đây. Tôi thực sự hạnh phúc khi Việt Nam đăng cai và tổ chức một kỳ SEA Games cho các nước trong khu vực”, ông Tan nói trên tờ Strait Times.
Ông Mohammed Djouadj, Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam châu Phi cũng đưa ra cảm nhận tương tự khi tới thăm Việt Nam nhân dịp SEA Games 31 được tổ chức.
“Việt Nam là điểm đến của nhiều sự kiện lớn tầm quốc tế. Khi đến đây, tôi cảm nhận được một ngày hội thể thao trong khu vực đang diễn ra. Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực làm hết sức mình để có một kỳ SEA Games thành công, qua đó nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”, ông Mohammed chia sẻ.
Trưởng đoàn Thể thao Campuchia - ông Nhan Sokvisa thì khẳng định, với cơ sở vật chất hiện tại và kinh nghiệm sẵn có, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng tổ chức các sự kiện thể thao tầm cỡ châu Á và thế giới.
“Tôi nghĩ Việt Nam đang có sẵn những điều kiện cơ sở vật chất rất tốt, từ khách sạn, nhà thi đấu và nhiều thứ khác. Vì thế trong tương lai, Việt Nam hoàn toàn có thể tổ chức những sự kiện lớn hơn như ASIAD hay thậm chí là Olympic”.
Những cặp vợ chồng, chị em cùng giành HCV
Trong số 205 HCV Đoàn TTVN giành được tại SEA Games 31, có nhiều tấm HCV mang theo cả câu chuyện đặc biệt.
Có thể kể ra như việc hai vợ chồng kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn và Phạm Lê Thảo Nguyên cùng giành HCV môn cờ vua vào ngày 17/5. Trường Sơn vô địch nội dung cờ nhanh nam còn Thảo Nguyên vô địch cờ nhanh nữ.
Ở môn khiêu vũ thể thao, VĐV Phan Hiển cùng bạn nhảy giành liền 3 HCV (5 điệu toàn năng latin, điệu đơn paso và điệu đơn jive). Bà xã của anh - cựu VĐV Khánh Thi đảm nhận vai trò HLV của đội tuyển khiêu vũ thể thao. Dù không trực tiếp cùng chồng mang về vinh quang nhưng không thể phủ nhận thành công của Phan Hiển có bóng dáng Khánh Thi.
Hai tấm HCV của cặp chị em gái Mỹ Hạnh (SN 1997) và Mỹ Trang (SN 2001) ở môn vật cũng rất thú vị. Mỹ Hạnh bảo vệ thành công chức vô địch ở hạng cân 62kg, còn Mỹ Trang lần đầu tiên được bước lên bục cao nhất tại một kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á ở nội dung 57kg.
“Thật tuyệt vời khi hai chị em được đứng trên bục cao nhất tại SEA Games 31. Bố mẹ và cả đội vất vả đi từ Huế để tới đây cổ vũ cho chúng tôi. Khi biết hai chị em đều giành HCV, bố mẹ tôi rất hạnh phúc”, Mỹ Hạnh chia sẻ.
Ở môn judo cũng chứng kiến hai chị em ruột Nguyễn Thị Thanh Thủy và Nguyễn Hoàng Thành cùng giành HCV. Thanh Thủy vô địch hạng 52kg của nữ trong khi Hoàng Thành giành chiến thắng ở hạng cân 55kg của nam.