Nhờ đấu thầu xã hội hóa, xe buýt Thủ đô hút khách
Phương thức đấu thầu, sử dụng nguồn vốn xã hội hóa có trợ giá từ ngân sách thành phố Hà Nội đã phát huy hiệu quả.
Mạng lưới xe buýt của Hà Nội ngày càng hấp dẫn hành khách bởi chất lượng dịch vụ và phương tiện được cải thiện, là minh chứng cho thấy phương thức đấu thầu, sử dụng nguồn vốn xã hội hóa có trợ giá từ ngân sách thành phố đã phát huy hiệu quả.
Liên tục thay mới phương tiện
Chiều 1/10, có mặt trên tuyến buýt số 03 (BX Giáp Bát - BX Gia Lâm) BKS 29B - 191.32, PV Báo Giao thông và nhiều hành khách đều có chung cảm nhận, thời điểm hiện tại, đây vẫn là một trong những tuyến buýt chất lượng tốt nhất trên địa bàn Hà Nội.
Trương Văn Hiển, sinh viên năm cuối trường Đại học Bách Khoa cho biết, học ở Hà Nội, dù nhà (quê Hiển ở Bắc Ninh) cách trung tâm thành phố chỉ gần 40 cây số, di chuyển bằng xe máy rất thuận lợi, song gần 5 năm qua, chàng sinh viên này vẫn chọn xe buýt là phương tiện đi lại chính.
“Đi xe buýt có một hạn chế là phải chuyển tuyến từ BX Giáp Bát sang Gia Lâm rồi từ Gia Lâm bắt một tuyến buýt khác về nhà. Tuy nhiên, mình vẫn lựa chọn xe buýt bởi an toàn, sạch sẽ, lộ trình thuận tiện”, Hiển nói và cho biết, đã sử dụng tuyến buýt 03 từ ngày tuyến BX Giáp Bát sang Gia Lâm còn sử dụng loại xe cũ nên cảm nhận rõ sự thay đổi khi không gian xe rộng rãi hơn, ghế ngồi hiện đại, đặc biệt tần suất lúc nào cũng được đảm bảo 10 - 15 phút/chuyến.
Khoảng 10 tháng qua, nhiều người dân tham gia vận tải công cộng bằng xe buýt cũng vô cùng phấn khởi khi Tổng công ty Vận tải Hà Nội thay mới phương tiện trên tuyến buýt số 22A (BX Gia Lâm - KĐT Trung Văn).
Chị An, một nhân viên văn phòng tại phường Bồ Đề (quận Long Biên), người thường xuyên đến chỗ làm trên đường Nguyễn Biểu bằng xe buýt 22A chia sẻ: “Nói phương tiện cũ không tốt cũng không phải bởi xe 22A cũ không gian cũng rất rộng, sức chứa lớn nhưng rõ ràng loại xe đang sử dụng hiện nay giúp hành khách thoải mái hơn, xe đi êm ái và không còn phát ra những tiếng lạch cạch khó chịu mỗi khi đi vào ổ gà hay những đoạn đường xấu”.
Trực tiếp trải nghiệm hành trình của các tuyến buýt kể trên, theo ghi nhận của PV, xe buýt Thủ đô đang không chỉ mang lại những dịch vụ thuận tiện để phục vụ hành khách như: Hệ thống GPS hiện đại, cập nhật điểm đến chính xác, thông tin kịp thời cho người dân sự thay đổi về luồng tuyến ngay trên xe… mà thái độ ứng xử của nhân viên trên xe cũng ngày càng chuẩn mực, vui vẻ.
Được biết, ngoài những tuyến buýt trên, một số tuyến buýt như: Tuyến 17 (Long Biên - Nội Bài), 10B (Long Biên - Trung Mầu), 13 (Công viên nước Hồ Tây - Cổ Nhuế), 05 (Khu đô thị Linh Đàm - Phú Diễn), 63 (KCN Bắc Thăng Long - Tiến Thịnh)... cũng đã được đầu tư thay mới phương tiện nhằm hấp dẫn người dân sử dụng dịch vụ vận tải khách công cộng.
Ông Thái Hồ Phương, PGĐ Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Tramoc) cho biết, thông qua tổ chức đấu thầu 68 tuyến buýt vào cuối năm 2019, đầu năm 2020, mạng lưới xe buýt Hà Nội đã thay mới được 139 phương tiện (thay thế toàn bộ các xe hoạt động trên 10 năm) với tổng chi phí đầu tư phương tiện trên 408 tỷ đồng).
“Các phương tiện đều đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4, được trang bị thêm các tiện ích (camera giám sát, bảng đèn Led, hệ thống âm thanh thông báo điểm dừng…), tuổi bình quân của đoàn phương tiện giảm 25% trước khi đấu thầu. Thời điểm hiện tại, Hà Nội tự hào là địa phương đầu tiên trên cả nước có đoàn phương tiện có “tuổi đời” trung bình chỉ 3,6 năm và không còn phương tiện trên 10 năm hoạt động trên mạng lưới buýt”, ông Phương nói.
Giám sát chặt chẽ, xử nghiêm đơn vị cắt chuyến, bỏ lượt
Thông tin về hiệu quả của các tuyến buýt được tổ chức đấu thầu, sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, có trợ giá từ nguồn ngân sách thành phố, ông Thái Hồ Phương cho biết, sau đấu thầu, mức độ bao phủ của mạng lưới xe buýt được tăng cường thông qua việc tổ chức lại mạng lưới xe buýt các tuyến đấu thầu, tăng thêm 1 xã có xe buýt tiếp cận (xã Kim Hoa, huyện Mê Linh), nâng tổng số xã phường có xe buýt trợ giá tiếp cận là 453/579 (78,2%).
Bên cạnh đó, mạng lưới xe buýt cũng đã được tăng cường tới các khu đô thị mới trên địa bàn Thành phố như: KĐT Thanh Hà, KĐT Gamuada; các cụm công nghiệp: Thanh Oai, Hiệp Hòa và các tòa nhà, cụm dân cư.
“Với tiêu chí đặt ra trong quá trình đấu thầu, ngoài việc phải đảm bảo theo các quy định chung của pháp luật, các đơn vị tham gia đều phải đảm bảo yêu cầu dịch vụ riêng như: Cam kết thay thế xe cũ, sẵn sàng tích hợp vào hệ thống quản lý xe của thành phố (hệ thống vé, hệ thống hành trình, hệ thống timbuyt)… Thời gian tới, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại Thủ đô sẽ tiếp tục được nâng cấp không chỉ về phương tiện mà còn là dịch vụ đồng bộ”, ông Phương nói.
Liên quan đến lo ngại sau khi trúng thầu, doanh nghiệp có thể cắt giảm lượt chuyến, thậm chí xin bỏ tuyến nếu vắng khách và thua lỗ, nhất là trong thời điểm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hiện nay, lãnh đạo Tramoc khẳng định, việc tự ý cắt giảm chuyến lượt, bỏ tuyến đối với các tuyến buýt đang được trợ giá (bao gồm cả các tuyến đặt hàng và đấu thầu) là chưa có tiền lệ và không được phép.
“Trước khi đưa xe vào hoạt động theo hợp đồng, các phương tiện đều được kiểm tra đảm bảo đủ tiêu chí theo hồ sơ mời thầu. Trong quá trình thực hiện thầu, các lượt xe, các tuyến buýt đều được giám sát chặt chẽ và kiểm tra thường xuyên. Trường hợp doanh nghiệp cố tình cắt giảm lượt, thậm chí xin bỏ tuyến hoặc không đáp ứng được chất lượng dịch vụ, tính năng, trang thiết bị trên xe phục vụ nhu cầu của hành khách sẽ bị xử lý theo hợp đồng và các quy định hiện hành có liên quan”, ông Thái Hồ Phương cho hay.
Trong 68 tuyến buýt được tổ chức đấu thầu trong cuối năm 2019 và đầu năm 2020 đã lựa chọn được 7 đơn vị tham gia vận hành. Trong đó, Tổng công ty vận tải Hà Nội có 46 tuyến với 696 xe; Công ty Cổ phần Vận tải Newway có 2 tuyến với 21 xe, Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Liên Ninh có 5 tuyến với 101 xe; Công ty Cổ phần Xe điện Hà Nội có 8 tuyến với 137 xe; Công ty Cổ phần Xe khách Hà Nội có 2 tuyến với 26 xe; Công ty TNHH Bắc Hà có 2 tuyến với 21 xe và Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến có 3 tuyến với 78 xe.