Nhờ đâu TP. HCM có thể kéo giảm được dịch bùng phát?
t dịch thứ 4 bùng phát, nhiều tháng liền TP. HCM trở thành tâm dịch với hàng ngàn ca mắc mới mỗi ngày. Phải đến gần đây, nhiều sáng kiến trong phòng chống dịch Covid-19 phát huy hiệu quả thì số ca mắc ở của TP. HCM mới thật sự giảm rõ rệt.
Trong hàng loạt chiến lược phòng chống dịch Covid-19 mà TP. HCM triển khai trong thời gian vừa qua, cách ly điều trị và chăm sóc F0 tại nhà có thể nói là một sáng kiến quan trọng góp phần giúp TP. HCM giảm tải cho hệ thống y tế. Từ đó mở ra cơ hội chủ động triển khai nhiều biện pháp căn cơ để kiểm soát dịch Covid-19. Và có lẽ đó cũng là lý do vì sao nhiều địa phương trên cả nước hiện nay cũng đang tận dụng sáng kiến này của TP. HCM trong phòng chống dịch Covid-19.
F0 điều triều trị tại nhà được sự hỗ trợ, chăm sóc từ nhiều lực lượng.
Sau hơn 3 tháng số ca nhiễm Covid-19 tăng liên tục, hệ thống y tế gần như quá tải, TP. HCM quyết định triển khai thí điểm mô hình chăm sóc F0 tại nhà với bộ hướng dẫn quy trình theo dõi chăm sóc F0 tại nhà và cập nhật liên tục.
TP. HCM cũng bắt đầu cung cấp túi thuốc A, B cho người dân. Tiếp đó, túi thuốc C với thuốc kháng virus Molnupiravir cũng được thí điểm sử dụng có kiểm soát tại cộng đồng cho F0 triệu chứng nhẹ. Theo đó, số ca nhập viện cấp cứu giảm dần, các cơ sở cách ly và bệnh viện dã chiến giảm tải đáng kể.
Tham gia chiến lược chăm sóc và điều trị F0 tại nhà, TP. HCM thành lập 327 tổ phản ứng nhanh ở các quận, huyện, phường, xã, thị trấn. Lực lượng tham gia tổ phản ứng nhanh có bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện quận, huyện, công an và tình nguyện viên... Cùng đó là 5 trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến trải đều ở các khu vực để kịp thời tiếp cận và hỗ trợ F0 đi bệnh viện cấp cứu nếu có dấu hiệu diễn tiến nặng.
Để hỗ trợ chăm sóc và tư vấn y tế cho F0 đang điều trị tại nhà, TP. HCM lập 525 Trạm y tế lưu động. Với sự hỗ trợ của lực lượng quân y chi viện, mỗi trạm có khoảng 10 người, gồm nhân viên y tế và tình nguyện viên.
Đây cũng là lực lượng đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân TP. HCM trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhất. Lực lượng này kịp thời mang bình oxy, thuốc cấp cứu đến từng nhà F0, đo SpO2, test nhanh, tiếp nhận thông tin… Qua đó, F0 được chăm sóc kịp thời, phát hiện sớm dấu hiệu chuyển nặng và đưa vào bệnh viện ngay.
Trạm y tế lưu động đóng vai trò lớn trong chiến lược giảm ca nặng, ca tử vong, góp phần kiểm soát đại dịch. Đồng thời, đặt ra vấn đề cấp bách về chính sách nâng cao năng lực y tế cơ sở, nhất là trong giai đoạn thích ứng.
Hỗ trợ F0 điều trị tại nhà kiến thức chăm sóc bệnh, TP. HCM lập tổng đài tư vấn F0 từ xa 1022 với hơn 220 tư vấn viên là các phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ... Qua đó, hàng chục ngàn F0 tại TP. HCM đã được từ vấn hướng dẫn cách xử trí các tình huống phát sinh trong quá trình theo dõi bệnh, hỗ trợ trường hợp chuyển nặng, tư vấn tự chăm sóc về chế độ dinh dưỡng, tập luyện, các loại thuốc cơ bản cần chuẩn bị và cách sử dụng…
Bên cạnh đó, F0 điều trị tại nhà ở TP. HCM còn được hơn 7.000 bác sĩ tham gia mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành chủ động liên hệ để thăm hỏi, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, đưa ra khuyến cáo theo theo từng mức độ như tiếp tục theo dõi tại nhà, nhập viện hay chuyển cấp cứu.
Giám đốc Sở Y tế TP. HCM Tăng Chí Thượng động viên y bác sĩ ỡ Trạm y tế lưu động.
Để hỗ trợ trạm y tế lưu động, TP. HCM còn lập tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng do 312 UBND cấp xã, phường, thị trấn lập với nhiệm vụ chính là quản lý, theo dõi, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, triển khai xét nghiệm nhanh Covid-19 tại cộng đồng; hỗ trợ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; tuyên truyền về phòng, chống dịch. Mỗi tổ có thể chăm sóc cho khoảng 10 - 20 F0 tại nhà.
Và gần đây nhất, TP. HCM đã huy động hàng ngàn nhà thuốc tham gia cung ứng đầy đủ và đúng theo quy định các vật dụng và thuốc cần thiết cho công tác chăm sóc sức khỏe F0 điều trị tại nhà. Đồng thời truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 và làm cầu nối giữa người F0 với các trạm y tế, trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc Covi-19 cộng đồng, trong đó có thể tham gia quản lý và cấp phát túi thuốc điều trị F0 tại nhà.