Nhớ đồng
Người phụ nữ có khuôn ngực tròn biểu lộ một bản năng vui sống tự nhiên và cặp mắt e lệ, luôn khép mình hay nhìn xuống của giới tính đã biến đổi cảnh quan và không khí sinh hoạt trong căn nhà. Tiếng chổi quét sân mỗi sớm mai là khúc nhạc đánh thức người đàn ông. Trên vuông sân nhỏ một ngọn gấc xanh mướt đang vươn tay leo lên giàn.Trên sân thượng, đám cây kiểng và các loài hoa đã tái sinh.
Người đâu gặp gỡ làm chi
Mở mắt, ông Chanh nhận ra, mình thức giấc chính là vì dàn âm thanh rào rạt xao xác của tiếng chổi tre. Tiếng chổi tre biến đi đâu có đến cả chục năm rồi, giờ mới lại như từ ký ức ngỡ ngàng vọng về. Và thế là ông Chanh hiểu, đời ông vừa có một lối rẽ ngoặt. Trong căn nhà nhỏ của ông, giờ đây đã có thêm một người đàn bà.
Một người đàn bà đã đến nhà ông. Đến nhà ông, sau bao nhiêu là lo toan ái ngại của Thúy con gái ông. Thúy lấy chồng năm ngoái. Và suốt một năm trời vừa qua là những than vãn da diết, cùng những ái ngại xót xa càng lúc như càng tăng thêm trước cảnh sống đơn thân buồn tẻ của người cha. Và cuối cùng, sau những lo âu và toan tính, rằng thì là,cha à, thu nhập của vợ chồng con ở xưởng bánh kẹo từ tháng này cao gấp đôi tháng trước rồi nên từ đây trở đi, con sẽ gửi biếu cha mỗi tháng mười triệu đồng để cha muốn tiêu gì thì tiêu với một điều kiện là cha không được để dành đâu nhé. Rằng thì là, cha ơi, nghĩ đến cuộc sống đơn chiếc, có phần như khổ hạnh với cảnh mỗi sáng cha lụi cụi đi sang hàng xóm nhờ mua hộ mớ rau lạng thịt mà con não lòng quá. Rằng thì là...
Sau tất cả những điều đó, cuối cùng thì cái gì phải đến đã đến. Chiều hôm qua, khi ông Chanh đi thăm bạn bè trở về, đang lập cập tra chìa vào khóa để mở cửa, thì bỗng giật mình quay lại.
- Thưa ông! Em là Phạm Thị Mạc. Ông có thư của cháu Thúy ạ.
Đứng trước ông lúc đó là một thiếu phụ. Một vóc hình thanh nhã ở tuổi ngoài bốn mươi. Một búi tóc tròn trịa. Một gương mặt trái xoan. Một khuôn ngực tròn nằng nặng cùng một cặp mắt vương vương một nỗi buồn tủi luôn sập xuống và long lanh nước mắt.
Run rẩy mở thư con gái, mới chỉ đọc được mấy dòng chữ đầu tiên: "Cha ơi. Cha không thể sống một mình mãi được!". Mà hai tay ông đã lẩy bẩy đến mức không thể gập lại nổi lá thư.
*
Một người thiếu phụ đã đến nhà ông Chanh. Dấu hiệu đầu tiên là tiếng chổi tre buổi sớm. Tiếp đó là bữa ăn sáng của ông đã được để sẵn ở trên bàn. Và ngay sau đó là tiếng cái máy giặt rú khùng khục từng hồi trên sân thượng. Sân thượng, lâu lắm mới có người mở cửa lên, đang bừng dậy một sắc hồng tươi buổi sáng một ngày đẹp trời.
- Dạ, thưa ông, ông đi họp ạ.
- Không! Không. Hôm nay là chủ nhật. Tôi đi tập.
Khoác chiếc áo vét ra ngoài, ông Chanh đi ra cửa. Nhưng bước ra khỏi cổng thì ông hiểu mình đã nhầm, theo lời dặn của bác sĩ, buổi tập phải diễn ra là hồi chiều cơ.
Lát sau, quay trở về, mở cửa đi vào nhà, ông liền đứng lặng ở trước gian bếp. Người thiếu phụ đã đi chợ về. Một sợi dây thừng vừa chăng ở phía sau bếp, trên đó treo hơn chục cây rau cải. Một bên bếp ga lên ngọn xanh lơ. Cạnh bếp là cái thấu thủy tinh rửa sạch để muối dưa. Còn người thiếu phụ ngồi nghiêng trong khung cửa bếp. Một bầu ngực tròn đầy và trìu chĩu. Hai con mắt sập xuống rụt rè.
*
Là lạ và quen quen, ấy là hiện thực bầu không khí đã trở nên đa tạp trong căn nhà, kể từ ngày người thiếu phụ tên Phạm Thị Mạc đến với danh nghĩa chính thức là người giúp việc, qua cảm nhận của ông Chanh. Gốc gác nông thôn, thời mười tám đôi mươi, theo tiếng gọi của Đoàn thanh niên, đi khai hoang ở Sơn La rồi chuyển sang làm công nhân bảo đảm giao thông ở Tây Bắc, gần bốn mươi, trở về làng quê, làm ruộng. “Em mới xây xong cái nhà. Vay nợ hơn hai chục triệu. Em đi làm để lấy tiền trả nợ. Về già, chỉ mong có cái nhà dưỡng già, và quây quần mấy đứa cháu con em gái thôi ạ”. Lý do và hoàn cảnh của sự kiện được trình bầy thì giản dị và rõ ràng như vậy. Nhưng ông Chanh có cảm tưởng chị tự biểu hiện mình không hoàn toàn đơn giản như thế!
Ngủ ở tầng một, sáng dậy sớm hơn ông chừng một giờ, chị cắm ấm điện đun hai phích nước sôi; sau đó chị đi mua quà sáng hoặc làm bữa sáng cho ông. Tám giờ, ông đi đến tòa soạn, chị ở nhà đi chợ, giặt giũ áo quần, nấu ăn bữa trưa. Nghỉ trưa đến hai giờ tầm chiều, ông đi làm tiếp thì chị quét dọn nhà cửa, lên sân thượng chăm nom mấy chậu cây kiểng, mấy bồn hoa, cất dọn áo quần, rồi sửa soạn bữa chiều. Tối, cơm nước xong, công việc dọn dẹp bếp núc tiếp tục cuốn hút chị. Công việc! Công việc và công việc. Chị luôn tay luôn chân. Kinh ngạc, đã có lúc ông Chanh tự hỏi: Không hiểu đó là do công việc đòi hỏi bận rộn thật hay chỉ là do nhu cầu được làm việc của chị? Hơn chín giờ tối, chị mới ngơi tay, và lui về căn buồng nhỏ tầng một để nghỉ ngơi.
*
Không, người phụ nữ đó còn là nết ăn nết ở chăm chút tỉ mỉ hàng ngày. Bộ quần áo thơm mùi nắng mới gấp sẵn để ở đầu giường mỗi buổi chiều. Căn buồng ngủ luôn gọn gàng và sạch sẽ. Cái kệ sách không bụi bậm. Một bát canh cá nấu dấm và đĩa rau ghém thái con chỉ. Một đĩa rau muống luộc xanh mướt, điểm mấy ngọn kinh giới. Thấu dưa nấu gân bò quyến luyến cùng mấy cọng rau thơm. Nào có cao lương mỹ vị cầu kỳ gì. Sợi rau diếp. Cọng rau thơm. Ngọn kinh giới. Lát ớt tươi đỏ. Đĩa dưa chua vàng hươm. Những chi tiết lặt vặt đời thường lâu nay vẫn bị bỏ qua, giờ đây hiện lên trong một sắc thái mới mẻ hoàn toàn. Cùng với thái độ ân cần và bóng hình một thiếu phụ tươi tắn dịu dàng, chúng phản ánh tài nữ công gia chánh, tính tình chịu thương chịu khó của chị, chúng tạo nên hương sắc riêng thật đậm đà và kỳ thú cho cuộc sống bấy lâu trôi đi trong đơn điệu, không sắc màu của ông.
Tất nhiên, khác biệt giữa ông và chị vẫn còn thấy nhiều ở phương diện ẩm thực. Chị uống nước vối, không uống chè xanh, càng không biết đến chè đắng, chè dây và atisô. Chị rất thích ăn bánh mì. Nhưng chỉ ăn bánh mì không. Có kẹp thịt patê hay giò chả chị cũng bỏ ra. Chị ăn rau muống xào nhưng không có tỏi. Chị thích nhất các món cua ốc nghêu sò. Ngược lại với ông, chị không biết ăn ca la thầu, cà chua sống và nộm đu đủ. Và đã có lần, nghe chị nói, vậy thì em sẽ không bao giờ nấu những món mà ông không thích, ông liền xua tay, không, cô cứ nấu những món mà cô cho là ngon, để tôi có dịp thưởng thức, mở rộng trường cảm nhận, cũng như cô, cũng phải ăn thử để quen dần với những món ăn còn xa lạ đi!
*
Người thiếu phụ - một công việc. Không, còn hơn thế, một ảnh hình, một âm thanh, một sắc màu, một hương vị. Một trạng thái cân bằng, một cảm giác bình yên. Đó là điều ông Chanh nhận ra mỗi lúc một rõ rệt, kể từ buổi đầu tiên thức giấc nghe tiếng chổi tre xào xạc trên vuông sân trước nhà.Vì thực ra, đã tồn tại một khoảng trống vắng trong ngôi nhà hai tầng này. Vì hiển nhiên trước đó, ở đây đã có những ngày mọi người được sống trong niềm vui thật sự yên bình. Một niềm vui trong yên bình và lớn lao chỉ có thể diễn đạt bằng thơ của Apollinaire: “Cầu cho được ở trong nhà/ Một người đàn bà biết lẽ phải/ Giữa đống sách một chú mèo đi qua/ Bạn bè thì bốn mùa/ Nếu không thế thì làm sao sống nổi”.
Nhưng mà cuối cùng thì quả nhiên như người ta vẫn nói: Tình yêu của ta là nghệ thuật và kẻ thù của ta là thời gian. Thời gian biến đổi tâm tính con người hay là điều kiện để con người hiển lộ phần tiềm ẩn của mình. Người thiếu phụ rực rỡ như một đóa hồng vàng tươi mởn sau khi sinh con, bắt đầu trở nên xa lạ với chính mình. Nếu đàn ông hư hỏng rồi thành đạt thì chị là cái dẫn chứng tiêu biểu nhất cho vế sau của thành ngữ: Đàn bà thành đạt rồi mới hư hỏng. Xuất thân là một thiếu nữ xinh xắn giữ chân kế toán ở một xí nghiệp dệt thảm nơi một huyện lỵ miền núi, lấy ông Chanh khi ông là một nhà báo về thăm đơn vị này, không thể ngờ, chỉ bảy năm sau chị đã trở thành Giám đốc một xí nghiệp dệt thảm hạng trung ở thành phố này. Và đó là những ngày cuộc sống chứng tỏ giàu có và hiển đạt đơn thuần không phải là cái nền tảng của hạnh phúc gia đình.
Người đàn bà càng lúc càng tươi đẹp nở nang và mỡ màng, với công việc ngày càng tạo lập những mối quan hệ mới. Giao du rộng mở, vào Nam ra Bắc là việc thường xuyên. Đi đêm về hôm là chuyện cơm bữa. Và càng lúc, anh nhà báo thần tượng của một thời thiếu nữ phố huyện mỗi ngày một trở nên vô vị và tầm thường thế nào.
Càng trở nên tầm thường vì anh nhà báo tên Chanh cố hữu vốn là con người ủy mị rụt rè. Là nhà báo, người ta ăn to nói lớn, người ta dám nhập cuộc, đối đầu, dám dằn mặt với cả ông to bà lớn, chứ đâu có như ông, đi họp là chúi đầu một góc nhà, nói năng thì nhỏ nhẻ rào trước đón sau. Thâm niên nhà báo cả hai chục năm mà không lên nổi chức Trưởng ban con con. Bài viết bị Tổng biên tập là một gã oe con trước đây vốn là quân dưới trướng mình cắt xén, thêm bớt cũng chỉ biết ngậm miệng chịu đựng.
Con không hiểu sao hồi này mẹ hay cặp kè với một ông rậm râu sâu mắt, nghe nói làm chức vị gì đó to lắm trong Đại sứ quán ta ở I-Rắc bố ạ. Đó là nỗi thắc mắc đầu tiên của Thúy về mẹ. Cũng là những ngày ông Chanh nằm viện vì chứng xuất huyết não thể nhẹ. Trong mê mê tỉnh tỉnh, ông Chanh bảo con gái: I-Rắc, xứ sở có nghề dệt thảm truyền thống. Có thể là do công việc của mẹ thôi mà con. Nhưng tiếp đó, sau chuyến hơn tháng trời người đàn bà đi thăm đất nước xa xôi có nghề dệt thảm nổi tiếng thế giới nọ trở về thì thắc mắc của con gái đã trở thành điều nghi ngại của chính ông.
Người đàn bà đã hoàn toàn trở nên xa lạ với ông. Và chiều hướng của tình thế cứ thế diễn ra thật lặng lẽ, từ từ, thậm chí âm thầm, không một vang lộng. Không một mảy may xung đột. Không một lời qua tiếng lại. Nhưng hai người cứ dần dần tách ra hai ngả thành hai thực thể riêng biệt, mỗi lúc một ly cách nhau,lạnh nhạt dần tới mức gặp mặt nhau là cái sự bất đắc dĩ. Để sau rốt, như một kết thúc tất nhiên của một vở bi kịch, người đàn bà cùng toàn bộ tiền bạc đã ra đi, để lại trong căn nhà trống trơn hai cha con và một lá đơn li hôn đã ký sẵn.
Còn bây giờ thì hình như khoảng trống vắng trong căn nhà đang được dần dần san bằng. Điều dễ nhận ra rõ rệt nhất là hồi này mỗi khi đi đâu, ông Chanh rất hay nóng ruột, chỉ muốn sớm kết thúc công việc để trở về. Trở về để nhận ra căn nhà không còn lạnh lẽo trống vắng như xưa. Hàng ngày ngồi làm việc trên tầng hai, mọi khi là dìm mình vào mải mê để quên đi giờ giấc, còn bây giờ thì nhiều lúc công việc tự nhiên bỗng bị đứt đoạn và như sực nhớ, ông liền thảng thốt lồng xuống tầng dưới, cất tiếng gọi oang oang: Cô Mạc đâu? Cô Mạc đi đâu rồi nhỉ? Còn người đàn bà giúp việc lúc ấy thường đang ngồi hong tóc sau khi gội đầu trước cái quạt cây, vội vàng đứng dậy, bổi hổi bồi hồi thưa: Em đây mà, ông. Năm lần như cả chục, nghe vậy, ông liền thở ra thào thào: Thế mà tôi tưởng cô đi đâu! Rôi đứng ngẩn.
Công việc buổi sáng đã vãn. Mái tóc mới gội xõa sau lưng. Gương mặt sáng tươi yên nhàn thanh thản. Khuôn ngực xổng xểnh trĩu nặng. Chiếc áo phông vàng loang một vùng ẩm nước bồ kết ở sau lưng. Người thiếu phụ đang ở thời điểm đẹp nhất của một ngày, ánh mắt trong veo bỗng nao nao là lạ. Nao nao lạ lạ như những đêm ông đi họp về khuya, thấy chị ngồi chong chong đón đợi, ông bảo: Cô đi ngủ đi, tôi có chìa khóa, tôi khắc mở cửa, thì chị đáp sẽ sàng: Dạ, em chưa buồn ngủ. Ông chưa về, em thức cũng được ạ.
Giờ đây, ông nhận ra, mình bỗng nẩy sinh ra nhu cầu quan tâm săn sóc đến chị nhiều hơn. Không phải chỉ là do trách nhiệm thường tình của một người chủ nhân hậu với một người giúp việc tận tình. Hay là của một người có điều kiện vật chất cao hơn với một người còn đangở vào tình trạng nghèo khó. Không! Còn hơn nữa. Thật tự nhiên như tất nhiên phải thế. Của một người đàn ông với một người đàn bà!
Nhiều lần ông nhắc chị, có ai gọi điện đến hỏi: Cô là ai thì hãy xưng là người nhà, chứ đừng nói tôi là người giúp việc. Ông mua cho chị một số áo quần tư trang. Ông sắm một cái tivi mầu mới đặt trong buồng ngủ của chị. Đêm ấy, ông đi họp khuya mới về. Cầm cốc trà chị pha cho ông, đột ngột ông hỏi: Hằng đêm, Mạc ngủ có đẫy giấc không? Chị đáp: Cứ độ ba giờ là em thức giấc. Ông hỏi: Sao không ngủ tiếp? Chị nói: Em cứ nghĩ ngợi vẩn vơ cho đến sáng bạch, nhưng em không thấy mệt. Tôi cũng thế. Ông suýt buột miệng nói vậy, nhưng kìm lại được!
*
Người phụ nữ có khuôn ngực tròn biểu lộ một bản năng vui sống tự nhiên và cặp mắt e lệ, luôn khép mình hay nhìn xuống của giới tính đã biến đổi cảnh quan và không khí sinh hoạt trong căn nhà. Tiếng chổi quét sân mỗi sớm mai là khúc nhạc đánh thức người đàn ông. Trên vuông sân nhỏ một ngọn gấc xanh mướt đang vươn tay leo lên giàn.Trên sân thượng, đám cây kiểng và các loài hoa đã tái sinh.
Sân thượng không chỉ có hoa. Sân thượng hơn một lần khiến ông Chanh đã đứng lại ngẩn ngơ. Đó là cái dây phơi áo quần. Cảnh sắc thông thường này đã diễn ra từ bao lâu nay rồi mà chiều ấy, định lên ngắm hoa ông mới chú ý. Một sợi dây phơi xiên chéo mảnh sân, trên đó là bộ quần áo của ông. Không! Không chỉ có bộ quần áo quen thuộc của ông. Cái áo sơ mi kẻ ca rô và chiếc quần âu vải téc gan màu xám Thúy dẫn ông đi may đo. Sát cạnh bộ áo quần của ông còn là bộ áo quần của người phụ nữ. Cái quần âu bó ống. Chiếc áo phông màu vàng chanh. Và bộ nội y, chiếc quần lót màu hồng và cái nịt vú màu đen tuyền. Cái nịt vú căng phồng diễn tả hình ảnh những vật thể mà nó được ôm ấp cùng những dải vải nhè nhẹ đung đưa trong hơi gió chiều, tỏa hương thơm mát của hoa tươi và da thịt đàn bà khiến ông rơi vào trạng thái thoạt đầu là ngơ ngẩn và sau đó là ngây ngất như kẻ đang ở trong giấc chiêm mộng.
- Ông ạ.
Giật thót mình, trong một cảm giác tan mộng, ông Chanh quay lại. Người phụ nữ nói trong tiếng thở hổn hển, tay xách một túi lưới nặng, trong có đến chục đôi giầy dép đàn bà vừa đi từ tầng dưới lên, chớp chớp mắt e dè nhìn ông:
- Ông ạ, có mấy đôi giày, đôi dép nữ em tìm thấy ở dưới tầng một để lâu bụi bẩn quá, em đã lau rửa cẩn thận. Ông chỉ cho em biết chỗ nào để em cất đi ạ.
Những đôi giầy dép cũ kỹ vương vãi nơi góc nhà, gầm giường gầm tủ của mẹ Thúy! Mặt ưng ửng vì một thoáng ngượng ngập, định cầm lấy cái túi lưới, nghĩ thế nào ông Chanh lại thõng tay và đi ra cầu thang dẫn xuống tầng dưới. Hai người đi xuống căn buồng ở tầng hai. Nơi đó có một chiếc tủ đứng chuyên để áo quần của mẹ Thúy. Ông Chanh kéo hai cánh cửa tủ. Một khoang tủ rỗng không! Một khoảng không rỗng tuếch, âm u, chỏng chơ dăm ba chiếc mắc áo nhựa, thoang thoảng mùi ẩm mốc. Một khoảng không diễn đạt trọn vẹn sự giá lạnh, vĩnh viễn không bóng hình. Sững người như lần đầu tiên nhận ra hiện trạng nọ, ông Chanh kìm một cái hắt hơi. Và quay lại, ông nhận ra, người phụ nữ đứng cạnh ông hình như cùng một cảm giác hẫng hụt giống ông và choàng tỉnh, bất giác đặt phịch cái túi đựng đám giầy dép nọ xuống sàn nhà, rồi giật lui lại một bước, tiếp đó, xoay người, rảo bước như trốn chạy.
Một giọt rượu thêm vào đã khiến cốc rượu sắp tràn đầy. Cuối cùng thì chiều hôm đó câu chuyện có lẽ đã đếnmột khúc ngoặt. Cơm nước xong, người đàn bà đứng trước người đàn ông, một tay che mặt, sau một hồi ngập ngừng ngắc ngứ mới nói thành lời.
- Thế Mạc định về quê mấy ngày?
Giật mình, ông Chanh hỏi. Người phụ nữ quay đi, gầm mặt, giọng ngàn ngạt:
- Quê em vào vụ Đông, em xin phép về quãng một tuần.
- Một tuần?
- Dạ. Thực tình là em cũng không muốn. Nhưng mà... em nhớ… đồng. Dạ, em nhớ... đồng. Quê em đầu tháng này vào vụ xuân. Lúc này, ruộng gặt rồi, đất khô ráo. Bà con kéo nhau ra đồng làm đất. Chỗ cầy, nơi bừa. Trời thanh trong. Chim cu gáy ở rặng phi lao. Con sáo nhảy trên luống cày... Em mời ông khi nào có dịp thì về quê em. Dạ... đúng như câu ca dao cổ đã tả ạ: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Chồng cầy vợ cấy, con trâu đi bừa. Thằng út thì chăm bón dưa. Còn thằng anh cả thì bừa cùng trâu”. Dạ, em xin về chỉ một tuần. Mà có khi... cũng chỉ hai ba ngày thôi ạ...
Chị nói một thôi một hồi. Nhưng lập bập không tự chủ được cảm xúc. Nói xong chị liền đi ra hiên, kéo cái khăn ở dây phơi, ấp vào hai con mắt đỏ hoe. Còn ông, ông đứng lặng. Và bây giờ thì ông hiểu. Thúy, con gái ông đã đưa người phụ nữ này đến với ông với nhã ý gì rồi. Ông nghĩ, mình cũng sẽ đi thôi, vì làm sao mà chịu đựng nổi trạng thái trống trải vì cô đơn xa cách này.
*
Còn hôm nay, sau một tuần rời bỏ căn nhà vắng bóng người phụ nữ nhớ đồng, trở về, xuống sân bay, ông Chanh vội gọi taxi đi thẳng về nhà từ lúc trời còn tờ mờ sáng. Bồn chồn đến nghẹt thở , khe khẽ đẩy cánh cửa gỗ, ông nghiêng người lách mình qua khe hẹp giữa hai cánh cửa, sau đó mới khéo léo kéo chiếc túi đựng tư trang vào sau. Nhưng vừa tiếp nhận hơi ấm của căn nhà kín gió tỏa ra ngây ngây, ông Chanh liền sững ngay lại. Cúi xuống, ông nhận ra dưới chân ông lổng chổng có đến mấy đôi giầy dép nữ. Những đôi giầy dép cũ kỹ vất vưởng nơi xó nhà gầm giường gầm tủ hôm nào đó đã được lau rửa và bỏ vào cái góc tủ đứng rỗng không âm u.
Và ngay sau đó, chưa kịp định thần, ông liền giật thót mình, từ căn buồng ngủ bên nách tầng nhà, hắt ra một tiếng nói đàn bà chua gắt và vô cùng lảnh lói:
- A! Hóa ra vẫn còn giữ chìa khóa à? Thế nào, vẫn còn quyến luyến chưa đi được! Bện hơi nhau rồi chứ gì. Hừ! Giỏi đấy. Lợi dụng lúc tao đi vắng, tranh cướp chồng tao, đã tha tội cho giờ lại còn muốn vòi vĩnh thêm gì nữa đây? Này, nghe đây,dù là tao đã chủ động viết đơn ly dị, nhưng tòa chưa xử, thì tao vẫn là chủ ngôi nhà này, hiểu chưa, con đĩ!
Đúng như quy tắc của một vở kịch cổ điển. Màn một treo khẩu súng thì màn cuối thế nào súng cũng phải nổ. Còn ở đây, những chiếc giầy dép vương vãi, di vật của một câu chuyện đã khuất chìm trong quá vãng tăm tối, đã lên tiếng gọi chủ nhân tai ác của nó trở về. Cuộc sống bắt chước nghệ thuật nhiều hơn là nghệ thuật phỏng theo cuộc đời. Oscar Wilde nhà văn Mỹ đã nói như vậy đấy! Nghịch lý hay không nghịch lí, ai mà biết được? Chỉ cần nhớ rằng, cuộc sống là vậy, nó đầy bất trắc với nhiều đau buồn, cay cực cùng những niềm vui bất ngờ đang đón đợi ở phía trước.
Nhưng mà bây giờ dẫu có thế nào thì với ông Chanh cũng không sao hết! Thành ra ông Chanh đã đứng im, không đáp trả một lời. Rồi ông thở ra nhè nhẹ, thật thanh thản và mãn nguyện. Không sao hết! Quan trọng là Mạc, người đàn bà của ông, đã trở về sớm hơn một tuần, đúng như chị đã nói, đúng như ông dự đoán. Đúng như chị nói. Đúng như ông dự đoán. Quan trọng là từ bây giờ. Một cuộc sống mới sẽ diễn tiếp ra sao, thế nào. Nghĩ vậy, ông liền xách túi tư trang khẽ khàng lách ra khỏi cửa và đi ra ngoài.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/nho-dong-i700076/