Nhớ hương bánh nẳng làng Dòng
PTĐT -Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình có bát ăn bát để, đã thế lại được dạy dỗ khá chu tất về bổn phận nữ công gia chánh, bởi vậy, ngay từ tuổi thiếu nữ bà đã tỏ ra là một người con tháo vát, đảm đang nhất trong số ba chị em gái của bà.
PTĐT -Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình có bát ăn bát để, đã thế lại được dạy dỗ khá chu tất về bổn phận nữ công gia chánh, bởi vậy, ngay từ tuổi thiếu nữ bà đã tỏ ra là một người con tháo vát, đảm đang nhất trong số ba chị em gái của bà. Một trong những sở thích của bà là làm bánh nẳng bày trên bàn thờ gia tiên để ông bà ngoại tôi cúng lễ tất niên. Nẳng là tên gọi vùng miền về một loại bánh dân gian có từ rất lâu đời được chế biến từ gạo nếp cái hoa vàng sau khi đã giã đến trắng mịn ngâm với nước gio, cho nên nó còn có tên là bánh gio. Nước ngâm gạo nếp gọi là nước nẳng hay nước gio cũng thế.
Tôi còn nhớ, trước mỗi dịp giáp Tết, mẹ tôi thường bảo:- Tết nay con trai mẹ lại có việc rồi đây.- Việc gì thế, hả mẹ?- Tôi chăm chú chờ đợi.- Thì lại như mọi năm ấy mà! Nghĩa là con phải sớm lên đồi hái cho mẹ ít cành cây núc nác, thừng mực, cây dó. À, nhặt thêm một ít vỏ quả sở nữa nhé. Tất cả để đem đốt lấy gio.Công đoạn làm ra một chiếc bánh nẳng thật là cầu kỳ. Cành cây núc nác, thừng mực phải dùng dao lách vỏ ra rồi đem đốt cùng với vỏ cây dó, vỏ cây sắn, vỏ cây vừng, tất cả trộn đều với nhau, rồi hòa vào một nồi nước lạnh, tạo nên một thứ nước trong vắt, nhờ nhờ hơi vàng dùng để ngâm gạo nếp. Công đoạn từ hạt gạo nếp được đãi sạch rồi đem ngâm với nước gio là cả một quá trình thực hiện những thao tác kỹ thuật phức tạp, không thể sốt ruột hoặc lơ đễnh sơ sảy. Mẹ tôi không quên dặn thêm: Lúa nếp phơi được nắng được xay giã, giần sàng, hạt nào hạt nấy phải mẩy dài, không bị gãy hoặc mẻ vỡ.Chiếc bánh nẳng do mẹ tôi gói chỉ tày chiếc bơm xe đạp của thợ chữa xe, dài chừng gang tay. Phải gói bằng lá rong mua tận Cầu Hai, Trạm Thản, lá vừa to vừa dễ gói đã được lau rửa cực kỳ cẩn thận rồi đem luộc thật kỹ, phòng để lâu bánh sẽ không bị mốc, bị thiu. Trước khi đem luộc phải lấy dây cật dang giằng xung quanh hai chiếc thành một cặp thật chắc rồi mới bỏ vào nồi. Nhà tôi có cái nồi ba mươi chứa được đến mười đấu gạo bánh, anh em con cháu nào muốn mượn thì phải đăng ký lịch nấu từ trước tết cả tháng. Tôi nhớ có lần về Thủ đô thăm đứa cháu mới chào đời, mẹ tôi cầm chiếc bánh gio gói tựa cái bánh rợm, để nguyên trên đĩa, muốn ăn phải lấy đũa sắn đôi ra và chấm với đường kính, bà nói:- Chấm với đường cũng được, có điều nó không gây cảm giác man mát dễ chịu sau một bữa cỗ nặng những bánh chưng, thịt mỡ. Đúng cách ăn là phải chấm với mật mà là mật mía, mật giót từa tựa dầu thắp. Nhìn mâm cỗ Tết bày trên bàn thờ gia tiên với đầy đủ hương vị các loại bánh trái nóng sốt, hoa quả tươi nguyên, trong đó không thể thiếu hương vị bánh nẳng, con cháu trong nhà đều vui hẳn lên. Trẻ con thì tíu tít với mấy chiếc bánh nẳng xinh xắn bà nội gói. Chúng chạy ra đường khoe với mấy đứa bạn rồi đưa vào nhà cất đi, chờ giêng hai mới mở hàng mừng tuổi. Cha tôi đi công tác xa về thấy cửa nhà sạch sẽ, có cây nêu trồng trước sân, bánh trái đã đủ đầy, ông nói lời cảm ơn người bạn đời đã giúp ông được hưởng hương vị ngày Tết đầm ấm và hạnh phúc.Với tôi, hương vị ấy sẽ không thể tan loãng mỗi năm kỳ tết đến, dù đi bất cứ đâu.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/202001/nho-huong-banh-nang-lang-dong-169035