Nhớ lại những ngày tham gia chuẩn bị Nghị quyết Trung ương về 'phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong tình hình mới'
Ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (từ ngày 19 đến ngày 22/4/2001 ở Hà Nội), thực hiện chương trình toàn khóa của Ban Chấp hành, Ban Bí thư giao trách nhiệm cho Ban Dân vận Trung ương cùng Đảng đoàn Mặt trận chuẩn bị Dự thảo Nghị quyết về 'Phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong tình hình mới'.
Ban Dự thảo Nghị quyết được thành lập do đồng chí Trương Quang Được - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương phụ trách. Khi đồng chí Trương Quang Được được điều động sang Quốc hội, đồng chí Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, được điều về làm Trưởng ban Dân vận và thay đồng chí Trương Quang Được phụ trách.
Suốt trong 2 năm 2001–2002, cả hệ thống Dân vận và Mặt trận đã tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, 10 năm thực hiện Nghị quyết 83 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VI, tổng kết 9 năm thực hiện Nghị quyết 07 ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị về “Đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc Thống nhất”. Ban Dự thảo Nghị quyết đã tổ chức nhiều cuộc Hội thảo ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, lấy ý kiến của nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, nhất là các đồng chí đã từng phụ trách Dân vận – Mặt trận qua các thời kỳ cách mạng, các nhân sĩ, trí thức tiêu biểu, những người có uy tín trong các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam định cư tại nước ngoài, v.v… Qua nhiều lần báo cáo và chỉnh sửa theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Dự thảo đã được Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) nhất trí thông qua.
Trong quá trình chuẩn bị, Ban dự thảo trình Trung ương các phương án sau:
a. Công tác vận động quần chúng trong tình hình mới.
b. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
c. Phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc vì một nước Việt Nam thống nhất.
d. Phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trung ương thảo luận và nhất trí với tên gọi của Nghị quyết là: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Tiêu đề trên thể hiện được những tư tưởng chủ yếu sau:
Một là: Cụm từ “toàn dân tộc” so với cụm từ “toàn dân” bao hàm cả nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài”.
Hai là: Tiêu đề của Nghị quyết chứa đựng mục tiêu chung toàn dân tộc phải hướng tới, đồng thời nó cũng là điểm tương đồng để gắn bó khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Ba là: Tiêu đề đã thể hiện nổi bật một số tư tưởng cơ bản của đường lối chung được xác định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX.
Có thể khẳng định: Nghị quyết “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đã thấm đượm tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc, quán triệt và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, và một lần nữa nhấn mạnh: “Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội”.
Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của nhân dân ta trong quá trình dựng nước và giữ nước, là bài học lớn của dân tộc và cách mạng Việt Nam đã được tổng kết thành chân lý.
Thấm nhuần tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội IX của Đảng cũng chỉ rõ: Đại đoàn kết toàn dân tộc là “thực hiện đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, thành phần kinh tế, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng đất nước, người trong Đảng và người ngoài Đảng, người đang công tác và người đã về hưu, mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay ở nước ngoài”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần này đề ra mục tiêu “Củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”. Mục tiêu nêu trên cũng là nhằm thực hiện hoài bão lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Một vấn đề lớn được Trung ương trao đổi, thảo luận nhiều, đó là sau 30 năm chiến tranh do thực dân Pháp, đặc biệt là đế quốc Mỹ xâm lược gây ra đã để lại cho nhân dân ta những hậu quả hết sức nặng nề. Bên cạnh sự tổn thất to lớn về người và của, là hàng loạt những vấn đề về tâm lý, tình cảm, xã hội nảy sinh cần được giải quyết. Từ sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đại đa số những người làm việc dưới chế độ cũ đến thời điểm bàn ra Nghị quyết đã hòa nhập vào cộng đồng dân tộc, ổn định việc làm và đời sống, nhiều người thành đạt. Song, giữa họ với những người kháng chiến, cách mạng ở những mức độ khác nhau vẫn còn có những khoảng cách, còn định kiến mặc cảm, thậm chí cả hận thù. Đoàn kết và phát huy sức mạnh tiềm ẩn trong lớp người đã từng làm việc trong chế độ cũ vẫn là một vấn đề lớn, đòi hỏi Đảng ta phải có những quyết sách mạnh mẽ hơn nữa theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc.
Dân tộc ta là dân tộc có truyền thống bao dung, nhân nghĩa, giàu lòng vị tha. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, đầy nhân nghĩa đó, sau khi cách mạng tháng Tám thành công, chế độ thực dân phong kiến bị xóa bỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều Nguyễn làm cố vấn tối cao cho mình. Hồ Chủ tịch cũng thay mặt Đảng và Chính phủ cách mạng lâm thời mời Khâm sai Đại thần Phan Kế Toại đảm nhận chức Phó Thủ tướng và mời Tổng đốc Hà Đông Vi Văn Định tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội, được Quốc hội bầu giữ chức Ủy viên Thường vụ. Và còn rất nhiều nhân sĩ, trí thức khác đã từng một thời chống đối cách mạng vẫn được Chính phủ Hồ Chí Minh trọng dụng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn chúng ta: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn, dài đều hợp nhau lại ở nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác; nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên, ta phải khoan hồng đại độ; ta phải nhận rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tinh thần nhân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”. Tư tưởng chỉ đạo đó đã được thể hiện trong Nghị quyết Trung ương lần này thông qua quan điểm sau: “Đại đoàn kết dân tộc lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai”.
Trong quá trình thảo luận cũng có một số đồng chí đặt vấn đề vì sao không lấy chủ nghĩa xã hội làm điểm tương đồng? Một đồng chí lãnh đạo từng phụ trách tờ báo lớn của Đảng kể lại buổi làm việc giữa Bác Hồ với đồng chí Hoàng Tùng – thời đó là Tổng Biên tập báo Nhân Dân. Kết thúc buổi làm việc, Bác nhắc nhở: “Báo chú nhiều nhà lý luận, nhưng viết về chủ nghĩa xã hội mà người dân chẳng hiểu chủ nghĩa xã hội là gì. Các chú, để tiết kiệm giấy, lại viết tắt “chế độ xếp hàng cả ngày”. Bác ít lý luận, nhưng khi nói về chủ nghĩa xã hội, Bác muốn dân có thể hình dung ra, có thể đo, đếm được chủ nghĩa xã hội đã đến với dân ở mức độ nào”. Và trong Di chúc Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới... Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh chính là mục tiêu mà cả dân tộc ta hướng tới, là nội dung của chủ nghĩa xã hội”. Cách diễn đạt như trên dễ hiểu, dễ nhớ, dễ đạt được sự nhất trí của đồng bào ở trong nước cũng như bà con ta ở nước ngoài, cả đồng bào có đạo cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số.
Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh: “Đại đoàn kết là sự nghiệp của cả dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức Đảng, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức, trong đó các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Trước hết, đoàn kết là trách nhiệm của mọi người dân: đoàn kết trong từng gia đình, từng dòng họ, từng làng, bản. Song, trong điều kiện Đảng cầm quyền, Đảng có đoàn kết thành một khối thống nhất thì xã hội mới đoàn kết xung quanh Đảng. Nói đoàn kết không chỉ nói đến tinh thần, thái độ, mà quan trọng là xây dựng và thực thi các chủ trương, chính sách. Do vậy, chủ trương và giải pháp đầu tiên mà Nghị quyết đề ra là xác định những định hướng chính sách nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Gần hai mươi năm đã trôi qua, những định hướng mà Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) đề ra đã trở thành những chính sách cụ thể, đã và đang tiếp tục đi vào cuộc sống, góp phần đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình, có vị trí cao trên trường quốc tế, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng cao rõ rệt.
Nguyễn Túc
(Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam)