Nhớ lần Bác đến chống hạn...

Chúng tôi ngồi trong căn nhà ông Dương Khắc Tuấn nằm trên con đường yên tĩnh Đặng Văn Ngữ, Khu phố 11, phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết. Bên chén trà nóng hổi thơm ngon, nói chuyện thân mật, ông Tuấn bồi hồi nhớ lại, từ tốn kể câu chuyện Bác Hồ về thăm quê hương ông ở xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông ngày trước (nay thuộc thành phố Hà Nội)…

 Tượng Bác Hồ trong khuôn viên Nhà truyền thống xã Nghiêm Xuyên - nơi Bác về thăm động viên nhân dân chống hạn. Ảnh: T.K

Tượng Bác Hồ trong khuôn viên Nhà truyền thống xã Nghiêm Xuyên - nơi Bác về thăm động viên nhân dân chống hạn. Ảnh: T.K

Ngày ấy, cậu học sinh lanh lợi Dương Khắc Tuấn học Trường phổ thông cấp II Nghiêm Xuyên, rất thân với người chị nuôi Nguyễn Thị Phin, một phó bí thư xã đoàn năng nổ ở địa phương. Chị thường kể cho cậu em của mình vài mẩu chuyện thú vị về công tác đoàn địa phương, qua đó Tuấn biết thêm được những chuyện hay về đoàn, đội… Bấy giờ, vào vụ sản xuất đông xuân cuối năm 1963, vùng quê chiêm trũng xã Nghiêm Xuyên cũng như nhiều nơi khác ở huyện Thường Tín và trong tỉnh Hà Đông chịu cảnh hạn hán dài ngày, ruộng đồng khô nứt nẻ; nguy cơ gần 2.000 ha lúa đông xuân, hoa màu toàn xã mất trắng.

Một buổi tối, Tuấn được chị Phin cho hay, ngày mai xã đón đoàn cán bộ Trung ương về phát động phong trào tát nước chống hạn, cứu nguy sản xuất. May mắn, Tuấn cũng nằm trong số học sinh của trường được chọn đến đón đoàn lãnh đạo Trung ương về thăm xã. Buổi sáng ngày cuối cùng năm 1963, hàng ngàn người dân xã Nghiêm Xuyên tập hợp xung quanh bãi đất trống sạch sẽ, rộng rãi ở làng Cống Xuyên ven sông Nhuệ để dự lễ phát động. Đến khi đoàn xe cán bộ Trung ương từ tỉnh lộ 73 cũ (nay là tỉnh lộ 429) rẽ vào sân bãi, Bác Hồ bất ngờ bước xuống vẫy tay tươi cười chào bà con, lúc này mọi người mới biết Bác đến thăm. Bác thân mật đứng ở giữa nói chuyện, đông đảo người dân ngồi xung quanh lắng nghe lời nói ấm áp của Người. Bác ân cần dặn dò bà con trong xã, Nghiêm Xuyên là xã có truyền thống anh hùng trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, lại có Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Tiến sản xuất lúa hai vụ đạt năng suất cao của huyện, tỉnh. Bởi vậy, Trung ương mới chọn xã Nghiêm Xuyên làm điểm ra quân phát động phong trào “chống giặc hạn” trong toàn tỉnh. Bà con ta phải thấy ý nghĩa đó để cùng nhau ra sức tát nước chống hạn, cứu lúa, làm gương điển hình cho toàn tỉnh… Rồi Bác vui vẻ đọc hai câu thơ chống hạn tặng bà con: “Hà Đông anh dũng tuyệt vời/Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”. Mọi người cùng vỗ tay ủng hộ lời Bác dặn. Cuối buổi nói chuyện, Bác bắt nhịp bài ca “Kết đoàn” cho mọi người cùng hát: “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh/Kết đoàn chúng ta là sắt gang…”, tiếng hát đông người hùng mạnh, vang xa giữa bầu trời xanh trong, lộng gió bên dòng sông Nhuệ. Chị Phin, đại diện xã đoàn vinh dự được xếp hàng phía trước, khá gần chỗ Bác Hồ đứng và đoàn khách Trung ương, chị vừa hát vừa ngưỡng mộ nhìn Bác không chớp mắt… Sau đó, Bác Hồ trồng cây bàng lưu niệm ở khu vực bãi sân. Gần xế trưa, xe chở Bác đã rời xa sân lễ, nhiều người còn đưa tay vẫy chào…

Sau buổi lễ Bác Hồ đến phát động đã truyền thêm sức mạnh cho phong trào chống hạn Nghiêm Xuyên. Xã viên hợp tác xã sát cánh cùng đoàn viên thanh niên trên đồng. Trạm bơm sông Nhuệ hoạt động hết công suất, bơm lượng nước ít ỏi từ ngoài sông lên các tuyến kênh chính; còn đội ngũ đông đảo xã viên hợp tác xã cùng đoàn viên thanh niên do chị Phin dẫn đầu hầu như có mặt 24/24 giờ trên các dòng kênh này, nạo vét khơi kênh, dùng tất cả các dụng cụ tát nước vào đồng. Hơn một tháng trời mọi người luân phiên nhau tiếp nước cho lúa. Đêm giao thừa đón năm mới, trời rét căm căm, không khí tát nước ngoài đồng ruộng vẫn còn sôi nổi… Nhờ thế mà những cánh đồng lúa đông xuân, hoa màu có dòng nước mát lành nuôi dưỡng, trổ bông đơm hạt chắc đầy. Thu hoạch vụ đông xuân vào đầu năm 1964, năng suất lúa đạt khá cao lúc bấy giờ (2 tạ/sào)…

Khu vực làm sân lễ đón Bác về phát động phong trào chống hạn được huyện Thường Tín và tỉnh Hà Tây sau này (sáp nhập Hà Đông cũ- nay thuộc Hà Nội) xây dựng Nhà truyền thống, phía trước có tượng Bác vẫy tay chào. Cây bàng Bác trồng vẫn mọc xanh tốt trước sân, hòa quyện với màu xanh cây trái xung quanh khuôn viên. Sinh thời, đồng chí Vũ Kỳ, nguyên thư kí riêng của Bác có dịp về thăm di tích này. Nhà truyền thống xã Nghiêm Xuyên được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử văn hóa, thu hút nhiều đoàn khách Trung ương, địa phương đến viếng thăm, dâng hương Bác vào dịp sinh nhật của Người và các ngày lễ lớn của đất nước. Xã Nghiêm Xuyên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang… Bây giờ ông Dương Khắc Tuấn vẫn còn nhớ những vần thơ người làng Nghiêm Xuyên sáng tác ca ngợi Di tích lịch sử văn hóa địa phương: “Quê em đồng trũng Nghiêm Xuyên/ Sản xuất tiết kiệm dựng lên cơ đồ/Quê em có tượng Bác Hồ/ Ai qua cũng ngắm, ai vô cũng chào/Bác đang huấn thị đồng bào/ Sản xuất tiết kiệm, ai nào chớ quên...”.

Thái Khoa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=145643