Nhớ lời Bác dặn: Phải tránh xa viên đạn bọc đường

Ngày 5/9/1954, trong 'Bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô', Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: 'Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi'. Người còn nhấn mạnh rằng, muốn giữ vững nhân cách thì cán bộ và chiến sĩ phải luôn 'làm gương mẫu trong mọi việc', phải luôn thực hành bốn chữ: 'Cần, Kiệm, Liêm, Chính'. (Sách Hồ Chí Minh -Toàn tập, Tập 9, Nxb CTQG, H.2011, tr.46).

Bác Hồ nói chuyện với các cán bộ chủ chốt Đại đoàn quân Tiên Phong tại đền Giếng, Đền Hùng, ngày 19 tháng 9 năm 1954 - Ảnh: Tư liệu

Bác Hồ nói chuyện với các cán bộ chủ chốt Đại đoàn quân Tiên Phong tại đền Giếng, Đền Hùng, ngày 19 tháng 9 năm 1954 - Ảnh: Tư liệu

Đọc bài nói chuyện này của Bác Hồ được lưu trữ tại Cục lưu trữ Vǎn phòng Trung ương Đảng có đoạn: “Bây giờ về xuôi thì thế nào?. Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu. Mấy nǎm kháng chiến, các cô, các chú đã học được nhiều đức tính tốt. Về xuôi nhất là về thành thị, sẽ có nhiều người phức tạp, nhiều thứ quyến rũ mình vào thói xấu. Ta ở rừng núi, quen tiết kiệm của công, của riêng. Đó là điều tốt. Về xuôi, Bác chỉ nói vài cái nhỏ: Phở ngon, rồi thì đồng hồ, bút máy, xe đạp, v.v.. Nếu không giữ được thói quen tiết kiệm thì sẽ tham ǎn ngon, tham mua các thứ xa hoa. Lương không đủ thì sẽ lấy ở đâu ? Lúc ấy chỉ có hai cách: Một là ǎn cắp của Chính phủ, hai là bị tiền mua chuộc... Một vài thí dụ: Nó đi buôn lậu, sợ anh bắt, nó cho anh cái đồng hồ, bút máy để đi thoát. Cán bộ đi mua bán, nó cho ǎn một ít để mua đắt, bán rẻ cho nó. Đó là ǎn hối lộ, mà ǎn hối lộ là có tội, vì nó làm hại cho nhân dân, thiệt đến công quỹ của Chính phủ. Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường” vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy".

Sáng 19/9/1954, Bác Hồ đã có buổi nói chuyện với khoảng gần 100 cán bộ cốt cán của Đại đoàn Quân Tiên phong (F308), trước khi Đại đoàn về tiếp quản Thủ đô. Tại đây, Bác đã nói câu nói nổi tiếng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Thượng tướng Song Hào - Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm TCCT QĐND Việt Nam (lúc đó là Chính ủy Đại đoàn Quân Tiên phong), có vinh dự được ngồi ngay bên cạnh Bác trong buổi nói chuyện lịch sử này.

Đồng chí đã ghi tốc ký những lời dặn của Bác: “Mở đầu buổi nói chuyện, Bác khẳng định: “Hôm nay gặp các chú ở Đền Hùng có ý nghĩa rất to lớn vì vua Hùng là một vị khai quốc”. Tiếp đó, nói về tầm quan trọng, những trăn trở của Bác khi Đại đoàn làm nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, Bác nói: Các lần đi chiến dịch trước, Trung ương và Bác đã quan tâm nhưng không e ngại, vì biết cán bộ, chiến sĩ ta có tinh thần bất khuất.

Lần này vào Hà Nội, Trung ương và Bác cũng quan tâm nhưng còn e ngại vì vào Hà Nội vẫn còn có kẻ thù chính trị trong hoàn cảnh hòa bình (viên đạn bọc đường). Bác nhắc: 8 năm kháng chiến thắng lợi, quân đội và nhân dân ta có rất nhiều công lao và thành tích. Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô có ý nghĩa chính trị rất quan trọng, đối với nhân dân thế giới, đối với miền Nam và các nước dân chủ.

Chính vì vậy, nhiệm vụ Bác Hồ giao cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong rất rõ ràng. Trước tiên, Bác dặn phải tiếp quản Thủ đô thận trọng, chu đáo. Tổ chức kỷ luật trong công tác và sinh hoạt, phải nghiêm minh. Phải giữ gìn trật tự, an ninh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Phải chống mọi hành động phá hoại vì: Kẻ địch còn lẩn lút, dân ta còn có những việc làm vô ý, cán bộ và chiến sĩ ta còn có những nhận thức và việc làm sơ hở, thiếu sót. Phải bảo vệ công thương nghiệp, kể cả công thương nghiệp của ngoại kiều. Những khuyết điểm có thể gặp cần phải tránh như: Thiếu tổ chức kỷ luật, ví dụ: như ăn, ở, đi lại, mua bán... xa xỉ, ăn diện, tự do, bắt chước lối sống không tốt, vì những lý do trên nên dễ sinh ra tham ô, hư hỏng. Muốn tránh khuyết điểm phải có dân chủ, phải thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau, phê bình và tự phê bình, phải giữ tác phong giản dị, khắc khổ, chất phác của người cách mạng.

Phải chú ý học tập: Chống lười biếng, ngại học tập, muốn nghỉ ngơi. Muốn tiến bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, thì phải học tập các chính sách của Đảng và Chính phủ. Để làm tốt nhiệm vụ này, quan trọng là học các chính sách về tiếp quản thủ đô. Ngoài ra còn phải học tập nhiệm vụ xây dựng lực lượng quân đội. Liên Xô, Trung Quốc là những nước mạnh mà cũng còn đang phải học tập, để tiến bộ, vì trên thế giới còn đế quốc chủ nghĩa. Vì thế nên chúng ta càng cần phải học tập gấp trăm, gấp nghìn lần để tiến bộ, vì ta không những còn đế quốc nói chung như thế giới, mà ở miền Nam ta còn đang bị địch chiếm đóng.

Đặc biệt, Bác căn dặn Đại đoàn 308 phải đoàn kết rộng rãi: “Trong kháng chiến ta chỉ đoàn kết với lực lượng kháng chiến, nhưng từ giờ trong hòa bình thì chủ trương đoàn kết của ta có thay đổi. Những ai tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì ta đoàn kết. Trong công tác và sinh hoạt ta phải gần dân, giúp dân, thương yêu, quý trọng dân, học tập dân. Cán bộ cần gương mẫu, phải chăm sóc chiến sĩ, gương mẫu chấp hành kỷ luật, chấp hành chính sách, nhiệm vụ”.

Về thi đua lập công, Bác dặn: Trong hòa bình cũng có thể lập được công như giúp dân chống lụt, chống bão, đắp đê, tăng gia sản xuất... Phải ra sức học tập kỹ thuật, chiến thuật quân sự để xây dựng lực lượng quân đội mạnh. Mục đích để trở thành một chiến sĩ quân đội cách mạng. Đó cũng là một chiến dịch thực hiện nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ hòa bình.

Cuối cùng, kết thúc buổi nói chuyện, Bác lưu ý: Nhiệm vụ giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta còn rất nặng nề và quan trọng. Các cháu đã thấy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. (Lời ghi trong sổ tay của Thượng tướng Song Hào; năm 1993 đồng chí đã tặng cuốn sổ này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh - Hà Nội).

Thiếu tướng Nguyễn Hiền, nguyên Phó chính ủy Sư đoàn 308, nhân chứng lịch sử tham dự buổi nói chuyện trên khẳng định: “Câu kết luận buổi nói chuyện của Bác đã khái quát quy luật lịch sử suốt 4000 năm của dân tộc, đó là dựng nước đi đôi với giữ nước, giữ nước phải đoàn kết, yêu nước là phải trên dưới đồng lòng, cùng nhau hành động ”.

Ông nhấn mạnh thêm: “Lời căn dặn của Bác ngắn gọn, nhưng súc tích, là sự nhắc nhở sâu sắc đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an cần phải giữ vững phẩm chất, đạo đức cách mạng, khí tiết của người chiến sĩ cộng sản; gương mẫu trong mọi lời nói, hành động và việc làm; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện nhiệm vụ một cách nhanh chóng và chính xác, tránh sa vào những cạm bẫy của cuộc sống đời thường. Do vậy, học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy phải trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, góp phần bồi dưỡng đạo đức cách mạng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có thái độ giao tiếp, ứng xử chuẩn mực; có năng lực và tính chuyên nghiệp cao trong thực thi công vụ, nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. (Bài phát biểu tham luận tại Hội thảo khoa học: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đền Hùng”, ngày tháng 9 năm 2004).

Thiết nghĩ rằng, đã 70 năm qua đi, song những lời nhắc nhở của Bác vẫn mang tính thời sự, tươi mới như vừa ngày hôm qua. Lời Bác trở thành lời hịch vang dội núi sông, đồng hành cùng lớp lớp thế hệ người Việt Nam lập nên kỳ tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn cho thấy, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, qua các giai đoạn lịch sử, lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên có đức, có tài của Đảng đã mật thiết gắn bó với nhân dân, trở thành tấm gương sáng ngời về ý chí cách mạng, về sự tận tụy hy sinh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Họ thực sự trở thành hình ảnh người cán bộ cao quý, không chút bụi mờ, gắn bó mật thiết với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trở thành hình mẫu lý tưởng cho thế hệ trẻ noi theo.

Tiếc rằng, giờ đây “lúc giây phút bình yên” có một bộ phận cán bộ, đảng viên không cưỡng lại được sự cám dỗ của “Viên đạn bọc đường”, đã xa ngã, biến chất, làm hoen ố hình ảnh, thanh danh cao quý của người đảng viên cộng sản, người cán bộ cách mạng, gây bức xúc và lo âu cho toàn Đảng, toàn dân. Do vậy, hơn bao giờ hết, cuộc chiến chống “Viên đạn bọc đường" trước hết phải bằng những hành động cụ thể, tự soi, tự sửa, tự phê bình, tự ý thức để ngăn chặn được những cám dỗ bởi tiền tài, danh vọng, vật chất, sắc đẹp xung quanh mình.

Nhớ lời Bác dạy, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên đang giữ chức vụ quản lý cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện ý chí cách mạng, học tập và làm theo phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh để tránh bị “Viên đạn bọc đường” làm cho sa ngã, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, vi phạm những điều quy định đảng viên không được làm, nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp và anh hùng.

Phạm Bá Khiêm

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nho-loi-bac-dan-phai-tranh-xa-vien-dan-boc-duong-219127.htm