Nhớ lời Bác dạy
Ngày 19 và 20-3-1961, một niềm hạnh phúc lớn lao đối với cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đó là vinh dự được đón Bác Hồ về thăm lại tỉnh sau 7 năm Bác rời Tuyên Quang về Hà Nội. Sự quan tâm sâu sắc cùng những lời chỉ bảo, định hướng của Bác đã như kim chỉ nam, để trong suốt 60 năm qua Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh nỗ lực ra sức thi đua, xây dựng, kiến thiết, bảo vệ quê hương, xây dựng tỉnh phát triển khá như ngày hôm nay.
Tuyên Quang - mảnh đất ghi dấu lịch sử
Tuyên Quang là vùng đất lịch sử chứng kiến nhiều hoạt động quan trọng và ghi dấu sâu đậm hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những sự kiện trọng đại của dân tộc. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang là Thủ đô Khu Giải phóng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tuyên Quang là Thủ đô Kháng chiến. Những địa danh như lán Nà Nưa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, đình Hồng Thái, Kim Bình, Kim Quan, Bình Ca, Khe Lau... của Tuyên Quang mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng Việt Nam.
Trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc tại Tuyên Quang với thời gian gần 6 năm. Trong thời gian này, Bác Hồ đã cùng Trung ương Đảng tổ chức thành công nhiều đại hội, hội nghị, phiên họp quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, là những sự kiện lịch sử trọng đại gắn liền với vận mệnh của dân tộc như: Hội nghị toàn quốc của Đảng (8-1945), Quốc dân Đại hội Tân Trào (8-1945), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2/1951), Đại hội toàn quốc thống nhất Việt minh - Liên Việt; Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia; Đại hội chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc; Quốc hội khóa I, thông qua Luật Cải cách ruộng đất; các hội nghị của Bộ Chính trị, các phiên họp của Hội đồng Chính phủ chỉ đạo cuộc tấn công chiến lược Đông xuân 1953 -1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ đạo chủ trương đàm phán tại Hội nghị Giơ ne vơ… Người dân Tuyên Quang luôn tự hào đã chở che cho cách mạng, nuôi giấu cán bộ và Bác Hồ. Những câu chuyện kể, những lời dạy của Bác Hồ trong thời gian Bác ở Tuyên Quang không bao giờ phai mờ trong tâm trí đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta giành thắng lợi, Bác Hồ cùng Trung ương rời Tuyên Quang về Thủ đô Hà Nội. Mặc dù vậy, Bác vẫn luôn quan tâm, theo dõi từng bước đi của phong trào cách mạng trong tỉnh. Ngày 19/3/1961, niềm vui lớn đã đến với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, sau gần 7 năm xa Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở lại thăm và dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ III.
Bác đã đến thăm Trung đoàn 246 (đóng quân tại xã Lưỡng Vượng, huyện Yên Sơn), thăm Nông trường Sông Lô, Trường thiếu nhi vùng cao, Trường Sư phạm, Trường Cán bộ miền núi (thị xã Tuyên Quang) và về thăm Tân Trào, Sơn Dương, nơi Người cùng các ban, bộ, ngành Trung ương đã ở và làm việc trong Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp. Tối ngày 19/3/1961, Bác đã nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ III. Sáng ngày 20/3/1961, Bác gặp mặt các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh. Sau đó, Người đến sân vận động thị xã nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, chiều cùng ngày, Người trở lại thăm và nói chuyện với nhân dân vùng ATK tại đình Tân Trào, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương.
Trong buổi nói chuyện với đồng bào các dân tộc của tỉnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trước kia, đồng bào tỉnh ta đã góp phần xứng đáng trong Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến cứu nước. Ngày nay, tôi chắc rằng đồng bào ta sẽ phát huy truyền thống anh dũng sẵn có và góp phần nhiều hơn nữa trong công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà...”.
Sự quan tâm sâu sắc của Người đã động viên mạnh mẽ tinh thần cách mạng của toàn thể nhân dân các dân tộc Tuyên Quang. Những lời chỉ bảo, định hướng của Người đã trở thành quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong suốt quá trình xây dựng và phát triển cho đến ngày hôm nay.
Viết tiếp trang sử vẻ vang
Trong mỗi chặng đường phát triển, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nêu cao tinh thần đoàn kết vượt qua khó khăn, thử thách, viết tiếp trang sử vẻ vang trong giai đoạn mới. Kinh tế của tỉnh luôn tăng trưởng khá, văn hóa - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường. Đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Từ năm 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,45%; GDP bình quân đầu người đạt 1.921 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và đúng theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tỉnh tập trung đầu tư và có bước phát triển nhanh, nhất là giao thông, thông tin. Đến nay 100% xã và trên 98,3% thôn, bản đã có đường ô tô đến trung tâm; 7/7 trung tâm huyện, thành phố có tuyến dẫn cáp quang và 100% xã, phường, thị trấn có kết nối Internet, có điểm cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. 98,8% số hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia.
Đảng bộ tỉnh đã chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Năm 2020, tỉnh thu hút 1,7 triệu lượt khách du lịch; doanh thu xã hội về du lịch đạt 1.265 tỷ đồng, góp phần tăng nguồn thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sản xuất nông, lâm nghiệp của Tuyên Quang có chuyển biến mạnh và vững chắc. Tỉnh đã đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh cây chè, cây mía, cây lạc, cây cam, gắn với công nghiệp chế biến. Thu nhập bình quân người dân nông thôn đạt 2,67 triệu đồng/người/tháng. Đến năm 2020, độ che phủ của rừng đạt trên 65% là một trong những tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước; đời sống của người làm nghề rừng và sống gần rừng được cải thiện và nâng cao.
Cùng với chăm lo đời sống vật chất, Đảng bộ tỉnh luôn chú trọng phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đến nay, tỉnh đã thực hiện xong và duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đến năm 2020 tỉnh có 111/138 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân hằng năm đạt trên 3%.
Trong 60 năm qua Đảng bộ tỉnh thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức. Đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ được củng cố, phát huy. Dân chủ trong Đảng và trong xã hội được phát huy đã tạo nên luồng sinh khí mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở từng bước được củng cố, kiện toàn, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ngày càng được khẳng định trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những kết quả đạt được đã giúp Tuyên Quang hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
60 năm kể từ ngày Bác Hồ về thăm, Tuyên Quang hôm nay đã thay da đổi thịt, hòa nhịp với công cuộc đổi mới của đất nước. Khắc ghi lời dạy của Bác, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang luôn không ngừng nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, nêu cao quyết tâm chính trị, giành nhiều thành tựu, đánh dấu bước phát triển trên các lĩnh vực, quyết tâm xây dựng tỉnh Tuyên Quang ngày càng giàu đẹp, văn minh, cùng với nhân dân cả nước vững bước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa - con đường mà Đảng, Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.