Nhớ lời căn dặn của Tổng Bí thư: Làm chiến lược phải có tư duy chiến lược

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người uyên bác, với tầm hiểu biết sâu rộng, tư duy tầm chiến lược về lĩnh vực quốc phòng-quân sự. 'Bảo vệ nền độc lập, tự chủ của đất nước phải gắn với bảo vệ hòa bình', bởi hòa bình được coi là giá trị thiêng liêng 'Bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định để đất nước phát triển'…

Trên cương vị Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng-Bộ Quốc phòng, tôi được giao nhiệm vụ là người chấp bút trong Ban soạn thảo “Chiến lược Quốc phòng và Chiến lược Quân sự Việt Nam”, do Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (nay là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (đã từ trần) phụ trách, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (nay đã nghỉ hưu) và Quân ủy Trung ương.

Quá trình làm việc, tôi may mắn được cùng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhiều lần vào gặp gỡ, làm việc, báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng. Khi đến gặp Tổng Bí thư trong căn phòng làm việc của ông, tôi vô cùng ngỡ ngàng trước sự giản dị, chân chất, từ bộ bàn ghế rất mộc mạc, các chồng sách, tài liệu nghiên cứu được đặt ngay ngắn. Tổng Bí thư nhẹ nhàng mời chúng tôi ngồi. Với phong cách gần gũi, thân mật, ông ân cần hỏi thăm tình hình gia đình, cuộc sống, công việc... của chúng tôi.

Sự gần gũi, thân tình của Tổng Bí thư giúp tôi vơi đi sự hồi hộp, lo lắng khi tiếp xúc, làm việc với người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đến thăm, làm việc tại Quân đoàn 3 ngày 16-4-2011.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đến thăm, làm việc tại Quân đoàn 3 ngày 16-4-2011.

Trước đó, vào ngày 16-4-2011, tôi trên cương vị Tư lệnh Quân đoàn 3 đã vinh dự được đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng vào thăm, làm việc với Quân đoàn 3 tại Tây Nguyên. Chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội để lại những ấn tượng sâu sắc, tình cảm nồng ấm đặc biệt đối với tôi và cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3. Vì thế, đợt này được vào báo cáo với Tổng Bí thư, tôi vô cùng vinh dự, nhận thức rõ nhiệm vụ của mình.

Được sự ủy quyền của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, tôi báo cáo đề cương “Chiến lược Quốc phòng và Chiến lược Quân sự Việt Nam” với Tổng Bí thư. Ông chăm chú lắng nghe. Sau phần báo cáo, chúng tôi xin ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về bản đề cương.

Tổng Bí thư chuyển lại cho chúng tôi bản thảo mà trước đó Văn phòng Trung ương đã chuyển tới Tổng Bí thư. Tổng Bí thư gợi mở cho chúng tôi: “Để xây dựng đề cương bản thảo, các chú nghiên cứu trả lời một số vấn đề”. Sau đó là 13 câu hỏi Tổng Bí thư đặt ra. Đây chính là 13 vấn đề định hướng chiến lược bao trùm những nội dung cơ bản, đặt nền tảng cho nghiên cứu chiến lược quốc phòng-quân sự sau này.

Dưới sự chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Viện Chiến lược Quốc phòng phối hợp với các cơ quan đã tập trung nghiên cứu. Càng nghiên cứu chúng tôi càng thấm thía những nội dung mà Tổng Bí thư yêu cầu giải đáp mang ý nghĩa chiến lược thấu đáo, sắc sảo. Điều chúng tôi lo lắng đó là hai chiến lược đã được triển khai từ nhiều nhiệm kỳ Đại hội của Đảng nhưng quá trình soạn thảo còn một số nội dung chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Hiểu được điều đó, Tổng Bí thư nhẹ nhàng căn dặn: “Làm chiến lược phải có tư duy chiến lược; nhìn nhận xu hướng trong quá trình vận động và phát triển. Không nên đòi hỏi sự cầu toàn. Quá trình làm là quá trình tiếp thu, hoàn thiện”. Đây chính là chìa khóa mở đường để chúng tôi can đảm và mạnh dạn tập trung trí tuệ tiếp tục nhiệm vụ nghiên cứu…

Những lần tiếp theo khi báo cáo bản thảo, Tổng Bí thư chỉ dẫn cho chúng tôi những nội dung cần tập trung luận giải thật khách quan, phân tích sâu sắc các luận cứ khoa học và thực tiễn về đối tượng quốc phòng, quân sự. Ngoài yếu tố bên ngoài, vậy đối tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có phải là “giặc nội xâm”? Bảo vệ nền độc lập, tự chủ của đất nước phải gắn với bảo vệ hòa bình… Quan điểm, phương châm, phương thức tiến hành, tư tưởng chỉ đạo thế nào? Những vấn đề cơ bản như xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân, nghệ thuật chiến tranh nhân dân, kết hợp chặt chẽ hiệu quả giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh, đối ngoại, chủ động bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ nguy cơ chiến tranh, xung đột, bảo vệ và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước...

Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Trong đó, chú trọng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội và sự nghiệp quốc phòng trong mọi tình huống. Sẵn sàng đối phó mọi tình huống để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, luôn luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Tập trung xây dựng công nghiệp quốc phòng mang tính lưỡng dụng làm nòng cốt cho nền công nghiệp quốc gia. Xây dựng, phát triển Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông Quân đội (Viettel), tăng cường đối ngoại quốc phòng trong thời kỳ hội nhập. Cùng đối ngoại Đảng, Nhà nước, ngoại giao nhân dân tạo nên sức mạnh tổng hợp. Tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi tiềm lực quốc gia. Sức mạnh quốc phòng là sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương phải được huy động vào cuộc, quyết liệt, đồng bộ, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ…

 Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải, Tư lệnh Quân đoàn 3 tặng hoa Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ngày 16-4-2011 tại Quân đoàn 3.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải, Tư lệnh Quân đoàn 3 tặng hoa Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ngày 16-4-2011 tại Quân đoàn 3.

Tiếp thu ý kiến của Tổng Bí thư, dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, sự chỉ đạo sát sao của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, sau nhiều lần tổ chức hội thảo khoa học với các đồng chí tướng lĩnh nhiều thế hệ, các nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội..., Ban soạn thảo đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16-4-2018 về “Chiến lược quốc phòng Việt Nam”, Kết luận số 31-KL/TW ngày 16-4-2018 về “Chiến lược quân sự Việt Nam”, tiếp tục khẳng định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang, sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, đây là bước phát triển mới về tư duy, nhận thức của Đảng đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”; cụ thể hóa “chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương, một người có tư duy biện chứng và tầm nhìn chiến lược trong chỉ đạo xây dựng “chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự” bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; nhà chiến lược kiến tạo những định hướng cơ bản và then chốt. Quá trình được làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi thấu hiểu, ông là một người uyên bác, với tầm hiểu biết sâu rộng, tư duy tầm chiến lược về lĩnh vực quốc phòng-quân sự. “Bảo vệ nền độc lập, tự chủ của đất nước phải gắn với bảo vệ hòa bình”, bởi hòa bình được coi là giá trị thiêng liêng, “bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định để đất nước phát triển”…

Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/nho-loi-can-dan-cua-tong-bi-thu-lam-chien-luoc-phai-co-tu-duy-chien-luoc-786866