Nhớ mãi cái nheo nheo mắt, nụ cười hiền lành của NSND Trần Hạnh
'Dù cuộc sống của ông và gia đình có rất nhiều vất vả lo toan, nhưng ông luôn là một nghệ sĩ rất tự trọng', NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội xúc động khi đọc lời điếu tiễn biệt NSND Trần Hạnh. Lễ tang diễn ra sáng 6/3 tại Nhà tang lễ Trần Thánh Tông Hà Nội.
Sau hơn 90 năm cuộc đời tận tụy với gia đình, đam mê với nghệ thuật, rạng sáng ngày 4/3/2021 tại nhà riêng, con cháu quây quần kề bên, NSND Trần Hạnh đã thanh thản chìm vào giấc ngủ thiên thu.
NSND Trần Hạnh có 5 người con (3 gái, 2 trai), 30 cháu và 7 chắt. Thường ngày khán giả vẫn thấy bóng dáng gần gũi, thân thương của ông ở cửa hàng tạp hóa gần Ga Trần Quý Cáp của gia đình. Ông là một người hết lòng yêu thương, tận tụy và hy sinh cho gia đình. Khi đã tuổi cao sức yếu, đôi mắt đã mờ không còn nhìn rõ kịch bản, ông vẫn nhờ con cháu trong nhà đọc giúp để ông học thuộc thoại, để ông vẫn có thể tham gia đóng phim. Cho đến những năm tháng cuối đời, ông vẫn yêu nghiệp diễn, say nghiệp diễn, vẫn cống hiến không ngừng nghỉ cho nghệ thuật.
Năm 1959, ông về công tác tại Đoàn Kịch nói Hà Nội (Tiền thân của Nhà hát Kịch Hà Nội ngày nay). Để thỏa đam mê nghiệp diễn, ông vừa đi làm vừa theo học chuyên ngành diễn viên tại lớp bổ túc Đại học Sân khấu. Những năm 70-80, với dáng vẻ nho nhã, thư sinh, đúng chất trai phố cổ Hà Nội, NSND Trần Hạnh luôn được chọn đóng những vai chính kịch hào sảng, anh hùng ca.
Ông có nhiều vai diễn ấn tượng trên Sân khấu Kịch Hà Nội, như: vai diễn Nguyễn Trãi trong vở “Lam Sơn tụ nghĩa”, vai Vũ Khiêm trong vở “Tiền tuyến gọi”, vở “Già kén”, vở “Âm mưu và tình yêu”… Với vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ "Lam Sơn tụ nghĩa", ông đã đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc. Nhà văn Lưu Quang Vũ từng viết về ông: "Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội". Khi lớn tuổi, ông thường đảm nhiệm các vai tâm lý sâu sắc, những hình tượng nhân vật có chiều sâu tâm lý, có số phận thăng trầm …
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của NSND Trần Hạnh, ông có 30 năm gắn bó với Nhà hát Kịch Hà Nội. Năm 1989, ông nghỉ hưu theo chế độ nhưng với niềm đam mê và tình yêu mãnh liệt dành cho nghệ thuật, ông vẫn tiếp tục đóng phim. Các bộ phim truyền hình, điện ảnh đã đưa tên tuổi của ông đến gần hơn với đông đảo công chúng và khán giả cả nước. Những vai diễn của NSND Trần Hạnh thường gắn liền với hình ảnh khắc khổ, hiền lành, bình dị và ấm áp, đúng như tính cách con người thật của ông ngoài đời vậy.
Có thể kể ra hàng chục vai diễn ghi dấu trong lòng khán giả như: “Chiếc bình tiền kiếp”, “Tướng về hưu”, “Nước mắt đàn bà”, “Ngõ lỗ thủng”, “Bão qua làng”, “Làng nổi”, “Cuốn sổ ghi đời”, “Cha cõng con”...
“Dù diễn kịch hay làm phim, NSND Trần Hạnh đều làm việc hết mình, say mê và cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật, cho dù đời sống của nghệ sĩ thời bấy giờ vô cùng khó khăn. Dù cuộc sống của ông và gia đình có rất nhiều vất vả lo toan, nhưng ông luôn là một nghệ sĩ rất tự trọng, không bao giờ muốn nhận sự hỗ trợ hay giúp đỡ từ ai. Ông không thích phô trương, không thích nói về mình. Ông sống khiêm nhường, giản dị nhưng đầy lòng kiêu hãnh”, NSND Trung Hiếu đánh giá.
Những cống hiến của NSND Trần Hạnh cho nền nghệ thuật nước nhà đã được Nhà nước, được khán giả ghi nhận bởi những giải thưởng, những huy chương và danh hiệu NSND cao quý. Không những vậy, đức tính giản dị, khiêm nhường, tự trọng, sự đam mê nghề và trân trọng gia đình của ông chính là tấm gương sáng để thế hệ con cháu, các thế hệ hậu bối trong nghề noi theo và học hỏi.
“Tôi tin rằng, hình ảnh người nghệ sĩ với bộ trang phục giản dị, trên tay luôn đốt điếu thuốc lá Thăng Long với cái nheo nheo mắt quen thuộc, cùng nụ cười gần gũi, chân chất, cả đời chung thủy với nghiệp diễn, hết lòng vì gia đình, vì vợ con sẽ luôn ở trong trái tim mỗi người chúng ta”, NSND Trung Hiếu nói.
Hết thảy những người có mặt cúi đầu, thầm nói lời tiễn biệt ông-người nghệ sĩ bình dị, mộc mạc của nhân dân.