Nhớ mãi hình ảnh vị nguyên thủ quốc gia bước đi giữa vùng quê nghèo Quảng Ngãi
Trong ký ức người dân Quảng Ngãi, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương không chỉ là một nhà lãnh đạo cấp cao của đất nước mà còn là người con hiền lành, mộc mạc, chan chứa tình quê và lòng nhân hậu.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương sinh năm 1937, tại xã Phổ Khánh (nay thuộc thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) - một vùng đất giàu truyền thống cách mạng.
Từ một cán bộ địa chất, ông từng bước đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng, trở thành Phó Thủ tướng rồi Chủ tịch nước ở giai đoạn đất nước chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới và hội nhập.
Luôn gần gũi và lo cho dân
Trên cương vị cao nhất của nhà nước, ông vẫn giữ vẹn nguyên sự khiêm nhường, gần gũi. Những lần trở về quê hương, ông không xuất hiện với vẻ ngoài của một nguyên thủ mà là hình ảnh của người con xa quê luôn đau đáu với đất mẹ, lặng lẽ sẻ chia với bà con những điều giản dị mà thấu đáo, chân thành.

Vợ chồng ông Phạm Văn Nuôi luôn biết ơn tình cảm của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương hỗ trợ xây nhà ở. Ảnh: N.X
Năm 1995, khi về thăm quê trong cương vị Phó Thủ tướng, biết vợ chồng thương binh Phạm Văn Nuôi ở thôn Diên Trường (xã Phổ Khánh) đang chật vật vì không có nhà ở, ông lập tức chỉ đạo các cấp hỗ trợ xây nhà tình nghĩa.
Chỉ một năm sau, ngôi nhà nhỏ được dựng lên từ số tiền 15 triệu đồng. Với vợ chồng ông Nuôi, đây không chỉ là mái ấm mà là kỷ niệm không quên về tấm lòng của một người lãnh đạo biết lắng nghe và hành động vì dân.
“Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của bác Trần Đức Lương mà gia đình tôi đã có được ngôi nhà khang trang, vững chắc để sinh sống” - ông Nuôi tâm sự.
Năm 2021, khi tuổi đã cao, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương không còn về quê thường xuyên được, nhưng tấm lòng ông vẫn hướng về đất mẹ. Gia đình ông đã trao tặng 500 triệu đồng để xây 10 căn nhà tình nghĩa, đồng thời vận động thêm 500 triệu đồng từ doanh nghiệp cho công việc này. Với những hộ gia đình chính sách, đó là món quà không chỉ mang giá trị vật chất mà còn là sự an ủi lớn lao.
Bà Nguyễn Thị Thu là thương binh 4/4 nghẹn ngào kể:“Hồi đó, nhà tôi cũ nát, mưa là dột, gió là lo. Nhờ gia đình nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương hỗ trợ mà vợ chồng tôi có nhà mới kiên cố, yên tâm sống qua mùa bão. Tôi mang ơn cả đời”.

Ngôi nhà tình nghĩa của bà Nguyễn Thị Thu được xây dựng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của gia đình nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ảnh: N.X
Không chỉ ở Phổ Khánh, người dân thôn Gò Ra (xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà) - nơi phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số - vẫn nhắc mãi chuyến thăm của vị nguyên thủ quốc gia vào năm 2003. Họ nhớ mãi hình ảnh ông bước đi giữa vùng quê nghèo, bắt tay từng người, hỏi han từng chuyện nhỏ. Với bà con, đó không đơn thuần là một chuyến công tác mà là sự hiện diện của tình thương, của niềm tin vào sự đổi thay.
Ông Đinh Văn Hời - nguyên Bí thư, Chủ tịch xã Sơn Thành - vẫn nhớ như in ngày "bác Trần Đức Lương" đến với vùng đất còn nhiều gian khó.
“Bác đến nơi xa xôi, đường sá khi đó còn khó khăn lắm. Bác Lương giản dị và gần gũi, hỏi bà con ăn ở ra sao, sống có đủ no ấm không…” - ông Hời xúc động kể.
"Khi hay tin bác từ trần, người dân nơi đây không giấu được sự tiếc thương. Bác là người luôn trăn trở với cuộc sống đồng bào vùng sâu, vùng xa. Bác từng chỉ đạo phải quan tâm giúp người dân thoát nghèo. Những tình cảm ấy, chúng tôi không bao giờ quên” - ông Hời nghẹn ngào nói.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương chúc Tết tại huyện Đức Phổ (nay là thị xã Đức Phổ) năm 2016. Ảnh: N.X
Người lãnh đạo tận tụy, khiêm nhường
Những năm gần đây, mỗi khi về quê vào dịp Tết, ông Trần Đức Lương vẫn chúc Tết Đảng bộ, thăm hỏi bà con. Ông luôn căn dặn lãnh đạo địa phương phải gần dân, sát dân, giữ lấy gốc rễ truyền thống.
Bí thư Thị ủy Đức Phổ Đỗ Tâm Hiển cho biết: “Khi hay tin nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần, bà con địa phương vô cùng đau buồn. Ông không chỉ là niềm tự hào của quê hương, mà còn là người luôn dõi theo, giúp đỡ chúng tôi trong mọi chặng đường phát triển”.

Người dân quê nhà xã Phổ Khánh tới viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ảnh: Thúy Yến
Lặng lẽ đến viếng tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại Nhà khách T50, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi, ông Phạm Đình Khối - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi - xúc động kể: "Mỗi lần bác Trần Đức Lương trở về Quảng Ngãi đều để lại một dấu ấn sâu sắc. Đó không chỉ là tình cảm gắn bó với quê hương, mà còn là trách nhiệm, là những lời dặn dò về con đường phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát huy truyền thống đoàn kết trong Đảng bộ và nhân dân".

Ông Phạm Đình Khối xúc động kể về kỷ niệm với Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ảnh: Hà Nam
“Bác Lương luôn cụ thể trong từng chuyến đi, từng cuộc làm việc. Trong phát triển kinh tế, bác dặn phải chú trọng công tác quy hoạch, quan tâm môi trường, và nhất là đời sống người dân. Những điều bác nói đều có tính chiến lược và sát thực tiễn.
Không chỉ tôi, mà nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo của tỉnh, cả những người đã nghỉ hưu lẫn đương nhiệm đều luôn nhắc đến bác với sự trân quý, tự hào. Với chúng tôi, bác như một tấm gương để soi chiếu lại mình, để sống và cống hiến cho quê hương” - ông Khối chia sẻ.
Với người dân Quảng Ngãi, dù nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã yên nghỉ nhưng hình ảnh của ông - một người lãnh đạo tận tụy, khiêm nhường, gần dân vẫn còn mãi.