Nhớ mãi lần được gặp Bác Hồ

'Người đẹp lắm, hệt như một ông tiên vậy'. Đó là chia sẻ của cô Lâm Thị Chí – một trong những đại diện thiếu niên, nhi đồng năm xưa khi vinh dự được gặp Bác Hồ trong chuyến Người về thăm thị xã Phú Thọ ngày 19-8-1962, nhân dịp kỷ niệm 17 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Năm nay, cô Chí đã 69 tuổi. Bên chén trà đậm vị của xứ sở “rừng cọ, đồi chè”, tôi được nghe cô Chí kể lại: “Năm ấy, cô mới 11 tuổi. Được chọn là một trong số ít các bạn học sinh ngoan ngoãn, có thành tích học tập xuất sắc đi dự lễ mít tinh nên phấn khởi lắm, nhưng chỉ biết đó là lễ mít tinh đặc biệt”. Đến bây giờ, cô Chí vẫn nhớ mãi cảm giác háo hức ngày ấy, khiến cả đêm cô trằn trọc, chỉ mong trời sáng thật nhanh. Gà chưa gáy, cô đã có mặt ở Trường Tiểu học Lê Đồng, rồi cùng cô giáo và các bạn ra sân vận động thị xã. Đến nơi thấy ai cũng trang phục chỉnh tề, xếp hàng ngay ngắn, đủ các tầng lớp, ngành nghề và cả những người dân tộc với nhiều sắc phục cô chưa từng biết đến. Ai cũng phấn khởi, vui mừng. Cô Chí được ôm bó hoa, đứng gần khán đài, lúc bấy giờ cô mới biết, chỉ ít phút nữa thôi, cô sẽ được gặp Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

 Cô Lâm Thị Chí kể lại kỷ niệm đặc biệt cho các cháu nghe.

Cô Lâm Thị Chí kể lại kỷ niệm đặc biệt cho các cháu nghe.

Kể đến đây, đôi mắt cô Chí ánh lên niềm xúc động. Trấn tĩnh lại một chút, cô hào hứng kể: Lúc ấy khoảng hơn 5 giờ sáng, khi cô đang cúi đầu chỉnh lại khăn quàng đỏ, bỗng nghe tiếng loa rộn ràng “Bác Hồ đến!”. Cả biển người đồng thanh hô vang: "Bác Hồ muôn năm!", "Hồ Chủ tịch muôn năm!". Cô dụi mắt, rướn người, kiễng chân để được nhìn tận mắt khuôn mặt, dáng hình của Người, để tin đó là sự thật. “Người mặc một bộ quần áo màu nâu, chân đi đôi dép cao su, da dẻ hồng hào, râu tóc bạc phơ, hệt như một ông tiên trong truyện cổ tích”. Cô tâm sự, sẽ không bao giờ quên phút giây được tiến lại gần Bác, được nghe những lời dặn dò phải cố gắng siêng học, chăm ngoan, lao động tốt để xứng đáng với cha ông, xứng đáng với con cháu Vua Hùng, để được nhận nhiều phần thưởng. Bác còn căn dặn luôn phải trồng thật nhiều cây xanh, mà “trồng cây nào phải sống cây ấy”.

Sau lần gặp Bác Hồ đã khiến cô bé Chí thêm nhiệt huyết, động lực trong học tập, lao động, sản xuất. Ngay khi bước vào tuổi thanh niên, trong những năm giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, cô cùng mọi người trong thị xã đêm đêm soi đèn, cào đất, giúp các chiến sĩ công binh lấp hố bom, để kịp cho xe vận tải vận chuyển vũ khí, lương thực ra tiền tuyến. Ngoài giờ đến trường, cô còn tham gia hợp tác xã đan mũ lá và giúp hợp tác xã phèn chua gánh nước. Sau đó, năm 1967 cô đã hoàn thành ước nguyện của mình, đó là trở thành sinh viên Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Thời gian là sinh viên, những lúc rảnh là cô lại đi qua Phủ Chủ tịch với mong muốn có cơ hội được gặp Bác. “Nhưng… chẳng bao giờ có cơ hội nữa, ông tiên đã bay về trời”! – Cô Chí nghẹn ngào chia sẻ.

Khắc ghi lời căn dặn của Bác, cô sinh viên Lâm Thị Chí ngày ấy sau khi tốt nghiệp đã lên đường nhập ngũ, trở thành nữ văn công của Đoàn văn công Quân giải phóng Trường Sơn, Bộ tư lệnh Trường Sơn. Với lựa chọn này, cô đã được cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, dùng tiếng kèn Clarinet là vũ khí chiến đấu, khơi dậy khí thế, truyền tinh thần lửa thép đến với các cán bộ, chiến sĩ đang cầm súng chiến đấu nơi mưa bom, bão đạn.

Đất nước thống nhất, trở về từ chiến trường với các vết sẹo dài trên đôi tay nhỏ nhắn sau những lần băng rừng, tải đạn, những khi giữ kèn như giữ súng, cô Chí chọn Phú Thọ là nơi sẽ cống hiến suốt quãng đời còn lại. Cô cười, trải lòng: “Âm nhạc là thứ vũ khí truyền tải thông điệp nhẹ nhàng mà sâu sắc. Việc sinh hoạt tại Hội Cựu chiến binh thị xã đã giúp cô có cơ hội được tiếp lửa truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, xây dựng thị xã ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xứng đáng với câu nói của Bác Hồ: “Phú là giàu, Thọ là bền lâu”.

Bài, ảnh: LAN PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-130-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh/dinh-ninh-loi-bac/nho-mai-lan-duoc-gap-bac-ho-618130