Nhớ mãi lần gặp tướng Hoàng Đan

'Tướng Hoàng Đan là một tướng chiến trận. Nơi nào có cuộc chiến ác liệt nhất là có mặt tướng Hoàng Đan. Ông chiến đấu dũng cảm và chỉ huy có mưu trí. Ông đã tham gia chỉ huy các trận đánh nổi tiếng', Thượng tướng, GS. NGND. Hoàng Minh Thảo.

Thiếu tướng Hoàng Đan chụp cùng với vợ, bà Nguyễn Thị An Vinh (những năm 70).

Thiếu tướng Hoàng Đan chụp cùng với vợ, bà Nguyễn Thị An Vinh (những năm 70).

Ông đã là người thiên cổ từ năm 2003, được an táng tại quê nhà Nghi Thuận. Năm 2014, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, ghi nhận công lao xuất sắc trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước. Và con trai ông – anh Hoàng Nam Tiến có lần nhớ lại : “Ba tôi nóng nảy và cứng rắn. Ông yêu tôi nhưng cả đời mình, tôi chưa từng được ông ôm. Ngày ông nội tôi mất, ba tôi không khóc. Vậy mà có một lần, khi đứng ở Nghĩa trang Trường Sơn, trước mộ của một người lính của ông đã hi sinh ở Quảng Trị, tôi thấy ba mình đã khóc - lần đầu tiên và duy nhất trong đời”…

"Tướng Hoàng Đan là một tướng chiến trận. Nơi nào có cuộc chiến ác liệt nhất là có mặt tướng Hoàng Đan. Ông chiến đấu dũng cảm và chỉ huy có mưu trí. Ông đã tham gia chỉ huy các trận đánh nổi tiếng" - cố Thượng tướng, Giáo sư NGND Hoàng Minh Thảo đã có lần nhận xét như vậy. Còn bạn ông, Trung tướng Nguyễn Ân thì nói: "Trong mười mấy năm qua, tôi thấy anh Hoàng Đan có mấy nét nổi bật. Anh là một người chỉ huy có trình độ lý luận và thực tiễn, con người mưu trí và năng động, không chịu bó tay trước khó khăn, dám nghĩ, dám nói, dám đề đạt ý kiến của mình với cấp trên và có trách nhiệm với việc mình làm. Anh là người luôn coi trọng kết hợp giữa huấn luyện và chiến đấu, giữa xây dựng chính trị tư tưởng và chiến đấu".

Ông đã là người thiên cổ, nhưng mỗi lần nói về các danh tướng của quân đội ta tôi lại nhớ lại lần đầu tiên gặp ông cách nay hơn 20 năm (1996). Gặp ông được có chừng ba tiếng đồng hồ thôi, nhưng có biết bao nhiêu là chuyện.

Sau mấy lần "gõ nhầm cửa", "bấm nhầm chuông" ở các khu gia binh Trần Phú, Điện Biên Phủ, Lý Nam Đế, cuối cùng tôi đã tìm được nhà ông ở khu tập thể quân đội Nam Đồng (quận Đống Đa, Hà Nội). Hoàng Đan đang ngồi đối diện với tôi bằng xương bằng thịt. Ông tuổi Thìn (1928). Năm ấy ông 68 tuổi, tuổi ấy ở quê tôi đã đứng vào hàng các cụ, nhưng nom tướng Hoàng Đan không "cụ" chút nào. Tầm thước, đen chắc, đôi mắt sáng và động, giọng nói của người miền biển Nghệ An vang và to.

Câu chuyện giữa ông và tôi thật thầy trò, bầu bạn. Ông không thích nói về chiến công và thời oanh liệt của mình. Ngôi biệt thự loại xoàng khi ấy của ông không toát lên vẻ gì oai phong và sang trọng. Đồ đạc thật bình dân, không thấy những dãy huân chương treo trên tường mà chỉ thấy những bát hương và chân dung ông bà, tổ tiên. Cũng chẳng thấy bóng dáng đài các của các cô, các cậu công tử con quan ra vào mà chỉ thấy la liệt những cặp học sinh, gấu bông, đồ hàng của con trẻ…, và bà nội tướng phu nhân Tư lệnh của ông cũng chỉ xuất hiện một đôi lần khi đến pha trà đưa nước mời khách. Tướng Đan giới thiệu có một câu ngắn gọn: "Bà xã tôi, trước là Phó giám đốc Sở Thương nghiệp thành phố, nay hưu".

Mãi đến hôm nay, khi ngồi viết những dòng này, qua sách vở tôi mới biết đôi nét về tiểu sử của ông: sinh ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An trong một gia đình có truyền thống lâu đời, nhiều thế hệ đỗ đạt làm quan, làm thầy thuốc. Theo gia phả họ Hoàng, ông là hậu duệ thứ 21 của một danh tướng đời nhà Trần là Hoàng Tá Thốn, hiệu Sát Hải đại vương, hiện ở huyện Yên Thành vẫn còn đền thờ. Thân sinh của ông là Hoàng Văn Hệ, thân mẫu là Đặng Thị Ngung, sinh được 7 người con, hai trai, năm gái. Ông là con thứ tư trong gia đình, cũng là người con duy nhất trong gia đình trước cách mạng được theo học từ trường xã đến tỉnh, trước khi Mỹ ném bom nhà máy xe lửa Trường Thi tháng 11 năm 1943 buộc ông phải nghỉ học ở năm thứ 3.

Cả gia đình họ Hoàng (họ ông nội) và họ Trần (họ bà nội) của ông đều có nhiều người tham gia cách mạng. Ông có chú họ Hoàng Văn Tâm là Bí thư đầu tiên Huyện ủy Nghi Lộc bị địch bắn chết năm 1931 và chú ruột Hoàng Văn Mỹ bị địch bắt năm 1930 đày lên Kon Tum đến khi phong trào bình dân lên cầm quyền ở Pháp mới được tha về. Ông vào bộ đội đầu năm 1946, tham gia cánh nam chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) trong cương vị Trung đoàn phó. Đi học tại Học viện Quân sự Cao cấp Phơ-run-de (Liên Xô) về làm Trưởng khoa Tác chiến Học viện Quân chính, Sư đoàn phó Sư 304, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, Tư lệnh mặt trận phía Bắc. Tướng về hưu, có ba con (2 trai, 1 gái) đều là kỹ sư, đã có cháu nội, cháu ngoại.

Chuyện chính thức về ông chỉ có vậy, còn lại rặt là chuyện ngoài lề. Khi được gạ hỏi về trận đánh nổi tiếng trên địa bàn Quảng Nam - trận Thượng Đức mùa thu năm 1974 mà ông là người tham gia chỉ huy, ông đưa cho tôi cuốn Lịch sử Quân đoàn 2 (1974-1994) do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân mới phát hành và nói mỗi một câu: “Nó có cả trong này. Còn muốn nhận định về trận Thượng Đức, nhà văn hãy đọc lại Đại thắng mùa xuân của Đại tướng Văn Tiến Dũng và Những năm tháng quyết định của Đại tướng Hoàng Văn Thái”. Ông đã trả lời vậy, tôi còn biết hỏi gì thêm?

Tôi gỡ bí bằng cách hỏi liều: “Thưa ông, nghe kể, ông là linh hồn của trận chiến Thượng Đức cách đây hai mươi năm?”.

Tướng Hoàng Đan xua tay: “Không, không. Thượng Đức là trận do Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ huy, do nhân dân và cán bộ địa phương trực tiếp tiến hành. Tôi chỉ là Phó tư lệnh Quân đoàn tăng cường cho Sư đoàn 304 của ông Lê Công Phê. Ông Phê là bạn thời Phơ-run-de với mình”...

“Nhưng nghe nói, tướng Hoàng Đan như Khổng Minh có tới mấy bận ra Kỳ Sơn, vào Thượng Đức?” - tôi hỏi vui.

Ông thừa nhận: “Có vào, ba lần”.

Tôi được đà: “Ba lần là những lần nào?”.

Ông kể: "Lần thứ nhất vào giúp làm kế hoạch tác chiến, kế hoạch "giã" thằng Thượng Đức nhằm mở toang cánh cửa xuống đồng bằng, uy hiếp Đà Nẵng từ hướng tây - nam. Lần thứ hai, vào mang theo công binh, hỏa tiễn và đạn pháo”...

Tôi vô ý cắt ngang: “Và thắng?”.

Tướng Hoàng Đan: “Thắng chứ! Nhưng thắng vì hỏa lực và sự tập trung hỏa lực để mở cửa là chính, chứ chủ trương và cách đánh thì không có gì thay đổi”.

Tôi tiếp: “Còn đợt ba, chắc là vào để "giữ vững" Thượng Đức?”.

Trả lời: "Chiếm rồi thì phải giữ chứ sao!".

Tôi lại hỏi: “Nghe nói sư đoàn dù ngụy bị đánh quỵ trước khi rút khỏi Thượng Đức đã hẹn gặp lại 304 của ông?”.

Tướng Hoàng Đan: “Lính dù Sài Gòn và 304 của ta đã đối mặt nhau nhiều lần và lần nào nó cũng bị thương tích đầy mình. Quảng Trị 1972 và Thượng Đức 1974 là minh chứng hùng hồn. Sức mấy mà dám gặp lại 304"...

Điều đáng nói là những chiến sĩ đưa xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập trưa 30-4-1975 và cắm lá cờ tại sào huyệt cuối cùng của địch trưa đó lại chính là những chiến sĩ đã từng tham chiến ở Thượng Đức trước đó chỉ mấy tháng, những chiến sĩ Đoàn Vinh Quang anh hùng.

Và ông có mặt cùng binh đoàn lúc toàn thắng…

Bỗng dưng tôi muốn đọc cho ông mấy câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu tặng một vị tướng về hưu. Thơ viết:

Về hưu giờ thôi quyền chức
Ai người nhớ bác lại chơi
Ai kẻ xa lòng lánh mặt
Niềm riêng một mảnh trăng trời...

Lúc chào ông ra về, đồng hồ đã chỉ 13 giờ kém. Tôi ân hận vì đã làm quá bữa ăn và giấc ngủ trưa của ông. Ông bắt tay tôi thật chặt: “Không sao, lính tráng với nhau mà! Hồi ở Quảng Trị, ở Thượng Đức có trưa nào mà tớ chợp mắt, có đêm nào mà tớ được trọn, dù chỉ là một giấc thôi”.

Và hôm nay ông đã được yên giấc không chỉ một đêm mà là ngàn thu! Tôi viết những dòng này để tưởng nhớ một danh tướng, đồng thời thay cho một nén tâm nhang nhân tiến tới Kỷ niệm 75 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2019).

Ngô Vĩnh Bình

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nho-mai-lan-gap-tuong-hoang-dan-tintuc454128