Nhớ mãi lần phá án tìm ra kẻ... 'nghiện chôm đồ'

Trong cuộc đời của mình, từ thời sinh viên, kể cả đến lúc đi làm, tôi chứng kiến những câu chuyện không tin cũng phải tin bởi đôi khi 'chủ nhân' của những món đồ vừa 'chôm' được chẳng khó khăn, thiếu thốn gì mà đơn giản chỉ như một... thói quen.

Ít ai có thể ngờ được rằng những người bạn chung phòng, những người bạn thân chí cốt từ ngày đầu bỡ ngỡ bước chân vào ngưỡng cửa trường đại học lại làm những việc hết sức xấu xa, nói ra thì bất tiện, một mất mười ngờ, ảnh hưởng đến người khác, nhưng nếu không nói thì của đau con xót, ấm ức, rước bực vào người.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Còn nhớ, ngày làm thủ tục vào ở ký túc xá, mỗi chúng tôi đều tự trang bị cho mình một cái hòm. Hòm mang từ quê lên, mỗi người mỗi kiểu. Chiếc thì bằng gỗ, chiếc thì bằng sắt, bằng nhôm, đủ thể loại chứ không thuận tiện như bây giờ, có cung ắt có cầu, thậm chí chỉ cần một cú điện thoại là đã có người giao hàng đến tận nơi.

Người bạn cùng giường với tôi (chúng tôi nằm giường tầng, tôi giường trên, bạn giường dưới) vốn tính cẩn thận. Bạn khệ nệ vác lên một cái hòm rõ to, phải gấp đôi, gấp ba cái hòm của chúng tôi để có thể để tất tật mọi thứ tư trang cá nhân của bạn vào trong, đề phòng mất cắp. Đồng thời, bạn cũng sắm một chiếc khóa to tướng để khóa bất cứ lúc nào, nhất là lúc đi ngủ hay đi học, đi đâu đó vắng. Thậm chí, khi mới vào nhận chỗ trong phòng, bạn còn chủ động tìm vị trí dễ quan sát, khó bị lấy trộm đồ nhất để định vị chiếc hòm.

Vậy mà, chẳng hiểu sao một thời gian sau, người mất đồ đầu tiên lại chính là bạn. Bộ đồ lót bạn phải dành dụm mãi mới mua được, mới sử dụng được vài lần, bạn đã cất kỹ vào chiếc hòm rồi mà bỗng dưng vẫn không cánh mà bay. Dù ấm ức vô cùng nhưng do tất cả mọi người trong phòng mới quen nhau, chưa hiểu tính nết của nhau, lại là món đồ khá nhạy cảm nên bạn đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Rồi dần dà, khi đã hiểu nhau, thậm chí là thân nhau, mười người như một trong phòng rồi mà chuyện mất đồ tương tự vẫn thi thoảng xảy ra. Để giữ “hòa khí” trong phòng thì người bị mất cũng cố cho đó là “chuyện nhỏ như con thỏ” để cho qua. Cho đến một hôm, một người trong phòng bị lục ví mất tiền. Dù số tiền không nhiều nhưng có một chị trực tính, lại lớn tuổi hơn mà chúng tôi thường thân mật gọi bằng “U”, đã nhất định không cho qua.

Chị đề nghị họp phòng, tra hỏi từng người, phân tích từng tình huống, chứng cứ, thời điểm có mặt, vắng mặt chẳng khác gì một điều tra viên chuyên nghiệp. Sau khi họp lên họp xuống, đấu tranh khai thác, cuối cùng, không chịu nổi áp lực, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lộ ra”. Người chuyên trộm đồ không ai khác là một bạn xinh đẹp nhất phòng. Điều hết sức ngạc nhiên đối với chúng tôi khi đó chính là bạn thuộc diện con nhà thành phố, gia cảnh cũng hết sức khá giả chứ không phải có bố mẹ làm ruộng, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như hầu hết chúng tôi. Không những thế, bạn luôn tỏ ra là người hào phóng, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi cần. Vì thế, trong chúng tôi, bạn luôn để lại ấn tượng đẹp, có những hành động đáng ngưỡng mộ.

Khi phát hiện ra bộ mặt thật của bạn, chúng tôi ngay lập tức chuyển thái độ: Từ mến mộ sang căm ghét. Người đề nghị phải báo cáo trưởng ban ký túc xá, người yêu cầu báo cáo thầy cô chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường, báo gia đình, người suy rộng hơn thì cho rằng muốn ngăn chặn căn bệnh này chỉ còn cách báo công an… Và rất nhiều phương án đã được đưa ra. Nhiều chỉ trích, tức tối.

Nhưng rồi, chính “U” lại là người đứng ra phân tích, giảng giải để mọi người lắng dần cơn “thịnh nộ” và mong mọi người cho bạn một cơ hội. “U” yêu cầu bạn viết bản tường trình, bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi, hứa không được phép lặp lại và cách ly bạn một thời gian.

Nhờ sự chân thành của “U”, sự vị tha của cả phòng và hơn hết là bức tường vô hình ngăn cách của mọi người đã cảm hóa được bạn. Bạn đã bỏ hẳn được tính tắt mắt, trở thành người năng nổ, thành đạt. Chuyện xa xưa đó giờ mỗi lần tụ họp, với chúng tôi chỉ còn là kỷ niệm đáng quên trong vô vàn kỷ niệm khó quên của một thời tuổi trẻ.

Cẩm Thủy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ky-nang/nho-mai-lan-pha-an-tim-ra-ke-nghien-chom-do-post64303.html