Nhớ mãi một nhân cách lớn

Trong ngôi nhà nhỏ số 47, ngõ 8, đường Tôn Thất Thiệp (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), chúng tôi gặp ông Từ Lê, 88 tuổi, nguyên Phó liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Bắc (nay là Liên đoàn Bản đồ và Địa chất biển miền Bắc, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Nhắc đến nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, người đồng chí, người bạn thân thiết suốt hơn 20 năm, ánh mắt ông Từ Lê đượm buồn: 'Vậy là anh Trần Đức Lương đã về với thế giới người hiền. Quá trình làm việc cùng, tôi cũng như các đồng nghiệp cảm phục nhất ở anh tinh thần tự học cùng ý chí phấn đấu vươn lên không ngừng'.

Tận tâm từ những bước chân đầu tiên

Câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu từ ký ức xa xôi của những năm đầu thập niên 1960. Khi ấy, chàng trai trẻ Trần Đức Lương là Đội trưởng Đội Địa chất 4, Đoàn Địa chất 20, Tổng cục Địa chất, đơn vị tiền thân của Liên đoàn Bản đồ địa chất, Tổng cục Địa chất sau này. Còn ông Từ Lê là một sinh viên vừa tốt nghiệp khóa 3, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được phân công về làm việc cùng nhau.

“Công việc địa chất gian nan, vất vả vô cùng. Nhưng chưa bao giờ anh Trần Đức Lương ngại khổ, ngại khó. Trong các chuyến khảo sát thực địa kéo dài hàng tháng trời ở rừng núi miền Bắc, người đội trưởng ấy không chỉ là người chỉ huy mà còn là bạn đồng hành chân tình với anh em. Đèo cao, dốc đứng, suối sâu, rừng rậm... không ngăn nổi bước chân anh luôn xông pha trên tuyến đầu. Anh luôn giúp đồng đội yếu sức gùi mẫu quặng, chia sẻ phần việc nặng nhọc, một việc tưởng như nhỏ nhưng thể hiện nhân cách lớn và tinh thần đồng đội cao cả”, ông Từ Lê kể.

Đồng chí Trần Đức Lương dự Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ tặng Cụm công trình "Bản đồ địa chất và khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:500.000", năm 2005. Ảnh tư liệu

Đồng chí Trần Đức Lương dự Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ tặng Cụm công trình "Bản đồ địa chất và khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:500.000", năm 2005. Ảnh tư liệu

Điều khiến ông Từ Lê và nhiều đồng chí, đồng nghiệp thực sự cảm phục và nhớ mãi, chính là tinh thần tự học, tự nghiên cứu miệt mài của đồng chí Trần Đức Lương. Ngay từ khi còn là cán bộ kỹ thuật được phân công giúp việc cho các chuyên gia Liên Xô trong các dự án lập bản đồ địa chất, đồng chí Trần Đức Lương luôn nêu cao tinh thần học hỏi, cầu thị; không quản ngại khó khăn, vất vả, vừa tham gia công việc chuyên môn, vừa xung phong đảm nhiệm hậu cần, dựng lều trại, vận chuyển thiết bị để các chuyên gia yên tâm làm việc. Đặc biệt, trong những khoảng thời gian tưởng như tất bật ấy, đồng chí Trần Đức Lương vẫn tranh thủ từng ngày, từng giờ học tiếng Nga từ các chuyên gia.

“Không được đào tạo chính quy, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, anh Trần Đức Lương đã giao tiếp được bằng tiếng Nga khá thành thạo, đọc hiểu tài liệu chuyên ngành, thậm chí còn mạnh dạn đảm nhiệm phiên dịch trong các hội thảo kỹ thuật”, ánh mắt ông Từ Lê rạng lên niềm tự hào khi kể về người thủ trưởng cũ.

Trong hồi ức của nhiều người từng công tác ở Tổng cục Địa chất những năm 80 của thế kỷ trước, đồng chí Trần Đức Lương là người không thích nói về mình. Ông sống gần gũi, giản dị, khiêm tốn, chân thành, nói ít làm nhiều, luôn quan tâm đến đồng đội, đồng nghiệp. Ông luôn thận trọng dành thời gian nghiên cứu sâu các vấn đề trước khi phát ngôn hay đưa ra quyết định.

Tinh thần tự học và sự cầu thị, lắng nghe

Đối với đồng chí Trần Đức Lương, tự học không chỉ là phương tiện để làm tốt công việc chuyên môn, mà còn là "kim chỉ nam" để hoàn thiện bản thân và phụng sự Tổ quốc. Trên hành trình phát triển, từ Đội trưởng Đội Địa chất, quyền Liên đoàn trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất đến Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch nước, ông vẫn duy trì thói quen tự học, tự nghiên cứu, không ngừng trau dồi kiến thức, trong đó có tiếng Nga, không chỉ để giữ liên lạc, giao tiếp với những người bạn quốc tế mà còn để đọc tài liệu chuyên sâu về ngành bản đồ địa chất, lĩnh vực mà ông đã gắn bó suốt tuổi thanh xuân đẹp đẽ của mình.

Đặc biệt, năm 1981, trong thời gian 4 tháng tham gia khóa học quản lý kinh tế tại Viện Hàn lâm Kinh tế quốc dân Liên Xô, đồng chí Trần Đức Lương càng có điều kiện trau dồi tiếng Nga và kiến thức quản lý kinh tế hiện đại, góp phần phục vụ đắc lực cho công tác sau này khi đảm nhiệm những chức vụ cao của Đảng và Nhà nước.

Đồng chí Trần Đức Lương dự Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ tặng Cụm công trình "Bản đồ địa chất và khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:500.000", năm 2005. Ảnh tư liệu

Đồng chí Trần Đức Lương dự Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ tặng Cụm công trình "Bản đồ địa chất và khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:500.000", năm 2005. Ảnh tư liệu

Ông Từ Lê khẳng định: “Dù ở cương vị nào, anh Trần Đức Lương đều rất cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của đồng chí, đồng nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học. Nhất là, anh có khả năng tư duy, tổng hợp các vấn đề, nhóm vấn đề hết sức mạch lạc, rõ ràng, thuyết phục đa số người nghe. Khả năng nắm bắt vấn đề, tư duy mạch lạc cũng như cách trình bày súc tích của anh khiến nhiều hội nghị, hội thảo phức tạp trở nên dễ hiểu, đồng thuận cao”.

Theo ông Từ Lê, phẩm chất ấy không phải tự nhiên có được, mà là kết quả của cả một quá trình học hỏi, làm việc và rèn luyện không nghỉ. Một mặt, đồng chí Trần Đức Lương không ngừng tích lũy kiến thức lý luận, mặt khác luôn gắn bó thực tiễn, sâu sát cơ sở để đưa ra các chỉ đạo đúng đắn, kịp thời và hiệu quả. Cũng chính từ năng lực chuyên môn và tầm nhìn chiến lược ấy, ông đã góp phần đưa công tác bản đồ địa chất Việt Nam tiến gần hơn với trình độ quốc tế, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

“Trong thời kỳ đổi mới, khi nhiều biến động diễn ra, anh vẫn cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữ được bản lĩnh, sự điềm đạm, tỉnh táo để xử lý các vấn đề hệ trọng của đất nước. Không chỉ giỏi chuyên môn, anh còn là người có tâm, có tầm, mẫu mực trong phong cách sống và lãnh đạo”, ông Từ Lê xúc động bày tỏ.

Giữa dòng chảy cuồn cuộn của thời gian và sự phát triển không ngừng của đất nước, hình ảnh người cán bộ kỹ thuật địa chất Trần Đức Lương với ba lô khoác vai, kiên trì bám rừng, bám núi, cùng tấm lòng son sắt với lý tưởng, với khoa học, với nhân dân những năm 70 của thế kỷ trước mãi mãi là hình ảnh cao đẹp không thể phai mờ. Từ một kỹ sư địa chất bình dị, trở thành người đứng đầu Nhà nước, đồng chí Trần Đức Lương đã viết nên hành trình của một con người “vươn lên bằng ý chí, nghị lực và tri thức”.

Sự ra đi của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là mất mát lớn lao đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhưng điều đọng lại mãi là một tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học, tự rèn, tinh thần phụng sự nhân dân, tiếp tục soi đường cho các thế hệ cán bộ, đảng viên hôm nay và mai sau...

NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/nho-mai-mot-nhan-cach-lon-829930