Nhớ mãi ngày 30/4 năm ấy
Đã gần 50 năm trôi qua, song những cảm xúc vỡ òa, thiêng liêng và hạnh phúc to lớn của ngày 30/4/1975, ngày quân ta “thần tốc” như vũ bão, tiến vào Sài Gòn giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước còn mãi in đậm trong tâm trí tôi.
Làng tôi, một làng nhỏ thuần nông, cấy lúa là chính, một bên làng ở ven con sông Cửu An, một bên là những cánh đồng màu mỡ, không rộng lớn lắm nhưng mỗi khi chiều về, từng đàn cò trắng vẫn bay liệng kiếm ăn trên những chân ruộng trũng, trước khi chúng bay về tổ. Ngày ấy cuộc sống của người dân quê tôi còn cơ cực và đơn giản lắm, nghề chính của họ là quanh năm chỉ biết cày cấy hai vụ lúa chiêm, mùa, chưa biết trồng cây vụ đông, chăn nuôi nhỏ lẻ nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, những ngày giáp hạt, không ít gia đình còn bị đứt bữa vì trong nhà chẳng còn cái gì để cho vào bụng. Làng tôi có hai xóm nhỏ. Xóm nằm ven bờ sông gọi là xóm Đê. Từ đường của xóm Đê, bây giờ là đường liên huyện có một con đường rẽ xuống, người dân sống ở quanh tuyến đường đó gọi là xóm Trại. Nhà ở của dân cư làng tôi hầu hết là nhà tranh, vách đất, trước cửa nhà thường là sân và mảnh vườn nho nhỏ. Sân chủ yếu là để lúa khi mới gặt từ đồng về, rồi phơi thóc, phơi rơm, rạ. Việc đi lại của Nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, các tuyến đường của làng đều là đường đất, chưa có xe cơ giới, ít nhà có xe ba gác, xe đạp, người dân đi bộ, gồng gánh mọi thứ trên đôi vai là chủ yếu. Song tôi cảm nhận và yêu quê hương mình vì đó là một vùng quê hữu tình, bình yên, mọi người sống với nhau khá vui vẻ, hòa thuận và đoàn kết.
Tôi nhớ, vào những năm 1967-1968, làng tôi vinh dự được đón các chú bộ đội về đóng quân ít ngày trước khi lên đường vào Nam chiến đấu diệt giặc Mỹ và bè lũ tay sai. Có các chú bộ đội về đóng quân, xóm làng quê tôi vui nhộn hẳn lên. Sáng sớm tinh mơ, trời còn tối và rét, các chú bộ đội đã dậy, tập thể dục, rồi hành quân bộ theo đội hình chiến đấu. Những bước chân dồn dập, những tiếng hô vang khi các chú bộ đội hành quân, hoặc tập thể dục buổi sáng đã làm cho làng quê tôi vốn tĩnh lặng, yên ả, sôi động hẳn lên. Tối đến sinh hoạt chuyên môn xong, các chú bộ đội lại trở về nhà dân nơi các chú ở nhờ chuyện trò rôm rả, khi cao hứng các chú còn đàn, hát rất vui làm tụi nhỏ chúng tôi mê tít.
Thời điểm đầu năm 1975, cũng như bao làng quê ở miền Bắc, người dân quê tôi luôn ngóng tin chiến sự từ chiến trường miền Nam báo về. Ngoài lý do vì miền Nam ruột thịt, nhiều gia đình ở làng tôi có con em nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, xung phong lên đường nhập ngũ, hòa mình vào những đoàn quân điệp trùng ra trận, hành quân vào Nam chiến đấu chống kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai nên họ luôn mong, ngóng con em thân yêu của mình ngày nào đó sẽ trở về bình yên bên gia đình.
Rồi đến trưa ngày 30/4/1975, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi bản tin thời sự đặc biệt thông báo 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 quân ta đã tiến vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, ngụy quân, ngụy quyền, sụp đổ, đầu hàng, đất nước thống nhất, hai miền Nam Bắc sum họp một nhà đã mang đến cho người dân làng tôi một niềm vui vỡ òa, một cảm xúc thiêng liêng, trong lòng trào dâng niềm hân hoan, phấn khởi vô bờ. Tôi còn nhớ, trưa hôm ấy, trời nắng khá to, thím tôi đang đun bếp nấu cơm trưa, nghe tin miền Nam được giải phóng, đã không kiềm chế được cảm xúc, giơ tay vụt mạnh chiếc que cời bếp xuống nền đất, làm cho những đốm lửa nhỏ bay tung tóe rồi hô vang miền Nam giải phóng rồi. Bà nội tôi đang ở trong nhà tưởng gì chạy ra sân thì thím tôi lao đến ôm chầm lấy bà nhấc bổng lên rồi hét to “Miền Nam giải phóng rồi bu ơi, nhà con sắp về rồi!”, cả bà và thím tôi đều mừng rơi nước mắt. Ông nội tôi từ trong nhà nói vọng ra như để cho bà và thím tôi nghe thấy: Chỉ vài hôm nữa là thằng B. nhà mình về đến nhà. (B. là chồng của thím tôi, chú mới được điều đi B mấy tháng trước). Tôi chưa hiểu chuyện lắm nhưng cũng ba chân, bốn cẳng một mình chạy quanh sân, miệng hát to bài hát Giải phóng miền Nam của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước… Suốt buổi trưa hôm ấy, làng tôi như ngày hội, người dân đổ ra đường ăn mừng chiến thắng, từng tốp, từng tốp năm ba người tập trung đứng dưới gốc cây ven đường nói chuyện, bàn tán rôm rả, ai cũng vui mừng đất nước hòa bình không còn chiến tranh, con em không phải ra trận. Có lẽ vui nhất là bà nội tôi, thím tôi và các bà mẹ có con, người vợ có chồng chiến đấu ở chiến trường miền Nam nay mai sẽ trở về sum họp cùng gia đình. Cũng trong thời khắc thiêng liêng của ngày đất nước trọn niềm vui, Tổ quốc thống nhất, Bắc - Nam sum họp, người dân làng tôi không khỏi ngậm ngùi, nhớ thương nhắc đến tên các chú Tấn, Hoan, Hạnh, Hiện, Quynh là những người con ưu tú của quê hương đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Mọi người bảo, khi các chú còn ở nhà, chú nào cũng là thợ cày giỏi, đập lúa khỏe của làng...
Giờ đây, với tôi ngày 30/4/1975 không chỉ là niềm vui sum họp như ngày nào mà còn là niềm tự hào, lòng biết ơn vô hạn các anh hùng, chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh thân mình để đánh đuổi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cho chúng ta được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/an-ninh-quoc-phong/202304/nho-mai-ngay-304-nam-ay-3d2056a/