Nhớ mãi người nghệ sĩ của nhân dân Trần Hạnh

NSND Trần Hạnh qua đời vào lúc 2g50 ngày 4-3, hưởng thọ 92 tuổi. Hình ảnh khiêm nhường, tận tụy với nghề của nghệ sĩ Trần Hạnh sẽ luôn sống mãi trong lòng khán giả nhiều thế hệ.

Người cha già mộc mạc trên màn ảnh

NSND Trần Hạnh sinh năm 1930, từng là diễn viên của Nhà hát Kịch Hà Nội. Ông cũng là diễn viên nổi tiếng màn ảnh Việt những năm 1970, 1980. Dù không được học về diễn xuất một cách bài bản nhưng lối diễn linh hoạt, tự nhiên của ông đã mang lại nhiều xúc cảm cho khán giả.

Vai diễn sân khấu nổi tiếng nhất của ông phải kể đến vai Nguyễn Trãi trong vở “Lam Sơn tụ nghĩa”. Giới chuyên môn nhận định vai Nguyễn Trãi từng được nhiều nghệ sĩ thể hiện nhưng nhân vật của NSND Trần Hạnh được đánh giá là hào hoa nhất.

Hình ảnh người đàn ông hiền lành, mộc mạc của NSND Trần Hạnh đã in sâu vào lòng khán giả nhiều thế hệ

Hình ảnh người đàn ông hiền lành, mộc mạc của NSND Trần Hạnh đã in sâu vào lòng khán giả nhiều thế hệ

Trong lĩnh vực phim ảnh, NSND Trần Hạnh cũng đạt nhiều thành công. Một số bộ phim nổi tiếng ông tham gia như: Cuốn sổ ghi đời, Truyện cổ tích tuổi 17, Nước mắt đàn bà, Tướng về hưu, Âm mưu và tình yêu, Người cầu may, Cha cõng con, Bão qua làng,…

Với sự hóa thân xuất sắc của mình, NSND Trần Hạnh giành được nhiều giải thưởng uy tín. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11, ông được trao giải “Nam diễn viên xuất sắc nhất” với vai diễn trong phim “Nước mắt đàn bà”. Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010, ông nhận giải Cống hiến cho vai ông Thống trong phim "Ngõ lỗ thủng" của đạo diễn Quốc Trọng.

Hình tượng gắn liền với sự nghiệp phim ảnh của NSND Trần Hạnh là người cha già nghèo khó, hiền lành, tần tảo, hết lòng lo cho con cái. Sự giản dị, mộc mạc, gần gũi ấy không chỉ tồn tại ở những nhân vật của nam nghệ sĩ mà đó còn là đức tính của ông ngoài đời. Đó cũng là điều các đồng nghiệp và khán giả luôn kính trọng, yêu thương ông.

Chia sẻ về các vai diễn của mình, NSND Trần Hạnh từng cho biết vai ông Cần trong phim “Cuốn số ghi đời” của đạo diễn Tất Bình là vai diễn truyền hình đầu tiên và cũng là vai diễn bản thân ông cảm thấy tâm đắc nhất. Lý do được NSND Trần Hạnh giải thích là cuộc sống của ông Cần trong phim rất giống với mình ở ngoài đời thực. Trong phim, ông Cần là một người cha thương con, cố gắng lao động vất vả để mua được cho mỗi đứa con một mảnh đất, thoát khỏi cảnh lượm nhặt ve chai, mưu sinh dầm mưa dầm nắng.

Vai diễn ông Thống trong phim "Ngõ lỗ thủng" của NSND Trần Hạnh cũng mang lại rất nhiều cảm xúc cho người xem. Ông Thống là người cha cũng là một người cha già nghèo khổ, sống cả cuộc đời vất vả nuôi 2 chị em gái tên Sương và Hạnh. Dù đã cố gắng dạy dỗ con về sự thẳng thắn, tử tế dù có nghèo khó nhưng Sương và Hạnh vẫn quyết định sống một cuộc sống thực dụng, bất chấp mọi điều để làm giàu. Ông Thống đành phải bất lực dõi theo 2 người con của mình dần sa lầy vào tội lỗi.

Vai chính đầu tiên và cũng khác biệt so với hầu hết nhân vật của NSND Trần Hạnh là lão Lâm trong phim "Chiếc bình tiền kiếp". Lão Lâm trong phim trong một lần vô tình tìm được một chiếc bình được chôn dưới đất, tưởng rằng chỉ là chiếc bình bình thường. Tuy nhiên, sau khi bị một chuyên gia đồ cổ lừa rằng, bình này vô giá, lão Lâm đã quyết định đem cất giữ như một báu vật. NSND Trần Hạnh đã khắc họa thành công hình ảnh người nông dân khắc khổ, vất vả và rước họa vào nhà vì mờ mắt trước hư vinh.

Người nghệ sĩ "say" nghề, hết lòng với đồng nghiệp

Bên cạnh sự hòa nhã, khiêm nhường ngoài đời, NSND Trần Hạnh còn là người nghệ sĩ luôn cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Không nề hà bất cứ khó khăn, vất vả nào, chỉ cần cảm thấy nhân vật phù hợp với mình, ông sẵn sàng tham gia. Nếu đóng phim quanh Hà Nội, ông thường chủ động đi xe máy, đến đúng giờ và luôn đọc kỹ kịch bản trước khi phim bấm máy.

Bộ phim gần nhất nghệ sĩ Trần Hạnh tham gia là "Cha cõng con" của đạo diễn Lương Đình Dũng. Lần đầu gặp, Lương Đình Dũng có vẻ "sợ sệt" khi làm việc với nghệ sĩ Trần Hạnh bởi ông vốn được coi là nghệ sĩ gạo cội, bản thân anh khi ấy mới bước chân vào nghề, chưa có nhiều tác phẩm.

Thế nhưng, nghệ sĩ Trần Hạnh lại nói: "Cháu là đạo diễn. Chú là diễn viên. Diễn viên sẽ làm theo ý đạo diễn". Câu nói khiến anh tự tin hơn. Khi làm việc, ông không bao giờ than thở chuyện phải đi xa, quay lâu. Dù quay phim về đêm nhưng ông không một lần kêu mệt. Khi đoàn phim hỏi thăm, ông bảo: "Chú chưa mệt. Lúc nào mệt, chú sẽ nói. Chúng ta cố gắng làm nhanh và tốt để không ảnh hưởng mọi người".

NSND Trần Hạnh luôn hết lòng với nghệ thuật, với đồng nghiệp

NSND Trần Hạnh luôn hết lòng với nghệ thuật, với đồng nghiệp

Nghệ sĩ Quốc Quân cũng nhớ lại những kỷ niệm đáng nhớ của mình với "bố" Trần Hạnh. Hồi mới tốt nghiệp ĐH, anh đóng chung với ông trong vở diễn đề tài hoàng gia. Ông vào vai vua, còn Quốc Quân đóng lính cận vệ. Trời nóng, lại phải mặc nhiều trang phục nên "vua - tôi" đều thấy rất khó chịu. Thấy vậy, nghệ sĩ Trần Hạnh bảo Quốc Quân: "Này, mày cứ cởi bớt áo ra đi cho đỡ nóng. Lát bố tự biên tự diễn, không ai để ý đâu. Mày chỉ cần ra chào mở đầu và kết cùng thôi".

Sau này, Quốc Quân hợp tác với nghệ sĩ Trần Hạnh một số phim. Đi quay, anh và ông thường ở chung phòng. Những năm 2000, điều kiện của các đoàn làm phim còn nhiều khó khăn, cơm nước chỉ đạm bạc nhưng ai nấy đều vì yêu nghề mà gắn bó. Nghệ sĩ Trần Hạnh thường nhường thức ăn ngon cho các đồng nghiệp trẻ. Ông hay nói: "Bố già rồi, bố không ăn nhiều đâu. Chúng mày ăn đi" rồi liên tục gắp cho bạn diễn. Trong mắt Quốc Quân, nghệ sĩ Trần Hạnh không chỉ là người đồng nghiệp mà còn là người cha giàu tình cảm, lại tự trọng, một nghệ sĩ với nhân cách cao vợi.

Bố cũng là từ mà NSƯT Chiều Xuân thường dùng để xưng hộ với nghệ sĩ Trần Hạnh. Chị có cơ duyên hợp tác với cố nghệ sĩ từ năm 1996, trong phim "Người yêu đi lấy chồng" của đạo diễn Vũ Châu. Trong phim, chị vào vai Na - cô bộ đội về làng, chưa cưới mà đã có con. Nghệ sĩ Trần Hạnh đóng ông bố thương con nhưng gia trưởng, bảo thủ. Cả hai có nhiều phân cảnh cãi vã nặng nề.

Trong một cảnh quay cao trào phim, Chiều Xuân bị khớp, phải diễn đi diễn lại nhiều lần. Thấy vậy, nghệ sĩ Trần Hạnh xin đạo diễn dừng quay để chị bình tĩnh. Ông còn hướng dẫn chị từng cử chỉ, điệu bộ, cách biến hóa nhân vật sao cho đạt kết quả tốt nhất. Nhờ vậy, Chiều Xuân thoát khỏi ám ảnh tâm lý để diễn tốt hơn. Vai diễn này sau đó đã mang về cho chị giải "Nữ diễn viên xuất sắc" tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11.

"Ông lúc nào cũng nhẹ nhàng, ân cần tựa như một người bố. Chưa bao giờ tôi thấy ông to tiếng, cáu gắt ai cả. Khi diễn, tôi được ông nâng đỡ về cảm xúc, chia sẻ về nghề nghiệp nhờ vậy trưởng thành hơn rất nhiều", nghệ sĩ Chiều Xuân chia sẻ.

2 năm gần đây, sức khỏe của NSND Trần Hạnh bị giảm sút nghiêm trọng. Một mắt của ông không còn nhìn thấy, mắt còn lại cũng rất kém. Ông còn bị bệnh tim và một số bệnh tuổi già. Chân tay yếu, mắt kém khiến ông không thể đi xe máy. Thỉnh thoảng con cái chở ông ra quán tạp hóa trên phố Trần Quý Cáp để gặp gỡ bạn bè cho khuây khỏa.

Sức khỏe yếu nhưng niềm khát khao được đóng phim lúc nào cũng “cháy” trong con người ông. Trước Tết, một số ê-kíp mời ông tham gia phim nhưng tình hình sức khỏe không cho phép khiến ông phải từ chối những lời mời ấy.

Sở hữu gia tài đồ sộ những vai diễn hay nhưng niềm hạnh phúc nhất của NSND Trần Hạnh chính là những tình cảm yêu thương của khán giả dành cho ông nhiều chục năm qua. Đó cũng là động lực để NSND Trần Hạnh không ngừng cống hiến cho nghệ thuật, cho khán giả.

Nghệ sĩ Trần Hạnh được phong tặng danh hiệu NSND vào năm 2019 nhưng trước đó, ông đã là người nghệ sĩ của nhân dân với những vai diễn chạm đến tận cùng trái tim khán giả. Hình ảnh khiêm nhường, tận tụy với nghề của nghệ sĩ Trần Hạnh sẽ luôn sống mãi trong lòng khán giả nhiều thế hệ.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nho-mai-nguoi-nghe-si-cua-nhan-dan-tran-hanh-230114.html