Nhớ mãi những ngày Tháng Tám lịch sử

Đã 75 năm trôi qua, nhưng đối với ông Phạm Văn Nữu (phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) thì những ngày mùa thu Tháng Tám năm 1945 vẫn còn in đậm trong tâm trí khi được sống trong những thời khắc lịch sử...

Chúng tôi đến thăm ông Phạm Văn Nữu vào một ngày đầu tháng 8-2020, mặc dù đã 98 tuổi đời, hơn 70 năm tuổi Đảng, đi lại khó khăn nhưng trí nhớ ông vẫn rất minh mẫn. Ông kể cho chúng tôi nghe chuyện của 75 năm trước: “Trước Cách mạng Tháng Tám, tôi mở lớp dạy học cho người dân ở xã Duy Tân, phủ Thái Ninh, tỉnh Thái Bình (nay là phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình). Thời điểm này, tôi cùng 4 thanh niên: Nguyễn Văn Quynh, Hà Văn Đào, Phạm Trọng Trà, Phạm Trọng Kinh thành lập hội thanh niên yêu nước để tuyên truyền, vận động đấu tranh với chính quyền phong kiến, tay sai ức hiếp người dân. Những ngày tháng 8-1945, xã Duy Tân bị ngập lụt sâu. Sáng 19-8-1945, ông giáo Nam đến truyền đạt với ông Nguyễn Văn Quynh là cách mạng sẽ thành công, người dân đứng lên chuẩn bị thành lập chính quyền mới. Ngay sau đó, 5 anh em chúng tôi đã chèo thuyền vòng quanh làng, ra khu vực người dân đang đắp đê để vận động bà con trong xã tiến hành tổng khởi nghĩa và bầu chính quyền cách mạng lâm thời tại địa phương. Chiều 19-8-1945, chính quyền cách mạng lâm thời được thành lập, ông Nguyễn Văn Quynh được bầu làm Chủ tịch lâm thời UBND xã Duy Tân, tôi được bầu làm Trưởng ban Giáo dục, chịu trách nhiệm về bình dân học vụ”.

 Ông Phạm Văn Nữu.

Ông Phạm Văn Nữu.

Sau khi được thành lập, chính quyền cách mạng lâm thời vận động người dân thành lập các tổ chức, đoàn thể, như: Hội phụ nữ, hội thanh niên... Lúc này, ai cũng vui mừng, bởi trước cách mạng, đời sống nhân dân hết sức cơ cực, bị áp bức, bóc lột; ruộng đất không có, phải đi làm thuê cho địa chủ nhưng cũng chẳng đủ ăn. Sau khi giành được chính quyền, nhân dân rất phấn khởi vì ngoài việc được chia ruộng, mọi người đều có cơm ăn, áo mặc và được học hành. Ông Nữu kể tiếp: “Từ ngày 19-8 đến 2-9, không khí ở xã Duy Tân rất sôi động. Đặc biệt, ngày 2-9-1945, người dân trong xã tập trung ra đình để nghe thông tin về việc ở Hà Nội, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc này, chúng tôi ai ai cũng phấn khởi, reo hò và hô vang “Hồ Chí Minh muôn năm!”, bởi từ nay đất nước đã trở thành một nước có chủ quyền, độc lập”.

Đất nước độc lập, ông Phạm Văn Nữu tiếp tục công tác, là Chủ tịch UBND xã, rồi Bí thư Đảng ủy xã. Năm 1972, ông Nữu nhận công tác mới tại tỉnh Đắc Lắc. Đến năm 1983, sau khi nghỉ hưu, ông trở về quê nhà. Phát huy truyền thống gia đình, các con cháu ông đều khôn lớn, trưởng thành; 3 con trai ông đều lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, trong đó một người là chiến sĩ đặc công đã anh dũng hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ trên chiến trường.

75 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những ngày Tháng Tám lịch sử vẫn luôn in đậm trong ông Phạm Văn Nữu. Những câu chuyện của ông không chỉ giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về lịch sử dân tộc mà còn góp phần lưu giữ, lan tỏa những ký ức vẻ vang, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/nho-mai-nhung-ngay-thang-tam-lich-su-633714