Nhớ một 'Thiền nhân giang hồ'!
Đã 16 năm nhà thơ Trịnh Thanh Sơn hết duyên trần (2007-2023), cũng ngần ấy thời gian, mỗi cá nhân và đất nước trải qua biết bao sự kiện buồn vui. Song, đông đảo bạn bè cũng như những người yêu thơ và các tác phẩm ở nhiều thể loại của ông thì vẫn nhớ. Nhớ cả người thơ và thi phẩm!
Ấn tượng đầu tiên của tôi về nhà thơ Trịnh Thanh Sơn là từ cuộc tọa đàm văn chương do thầy và trò Khoa Sáng tác và Lý luận-Phê bình Văn học (Trường đại học Văn hóa Hà Nội) tổ chức, khoảng đầu tháng 9/2007. Lúc này Ông đã lâm bệnh trọng, không có mặt tại buổi tọa đàm, nhưng những câu thơ và các ý kiến của cử tọa, lời bạn bè nói về ông, dành cho ông đã như khơi nguồn cảm hứng cho tuổi đôi mươi của tôi ôm “mộng văn chương” từ bấy.
Ấn tượng thứ hai chỉ sau buổi tọa đàm đó ít ngày, ngay đầu năm học mới, khi vừa chân ướt chân ráo bước vào khuôn viên Trường Viết văn Nguyễn Du xưa, tôi và các sinh viên năm nhất nhận tin tác giả “nắng tắt mà người không đến/ anh ngồi rót biển vào chai” đã mãi mãi đi về nơi Biển vắng. Buồn và tiếc nuối làm sao khi mới chớm đến thềm “Ngôi nhà văn chương” mà không được gặp người thơ ấy nữa.
Như nợ như duyên, tuy không được gặp ông khi nhà thơ còn tại thế, rong ruổi nghề báo, tôi có dịp gặp được các con trai và phu nhân của nhà thơ.
Gần đây nhất, mới sớm đầu thu, tôi và một số bạn bè lại có dịp đến ngôi nhà thân thương ấy, phố Vĩnh Phúc, gần Hồ Tây (Hà Nội). Tiếp chúng tôi, bà Mai Thị Lý - phu nhân thi sĩ khệ nệ ôm pho sách đồ sộ “Trịnh Thanh Sơn toàn tập” ra giới thiệu. Nhìn cử chỉ ân cần của bà nâng niu pho sách, đủ thấy bà yêu ông dường nào. Và, điều đó cũng giải thích cho băn khoăn của không ít bạn đọc, vì sao thơ đề từ "tặng ML", "tặng M.T.L", "tặng Vợ" của nhà thơ lại nhiều và hay đến vậy. Sách dày gần 2.700 trang, như một tập đại thành về thơ và cả về một đời cầm bút của Trịnh Thanh Sơn với nhiều thể loại khác nhau. Trong đó, cả mấy tập thơ ông đã xuất bản, các truyện ngắn, kịch bản phim, các bài phê bình văn học, giới thiệu tác phẩm của bạn văn và các bạn văn viết về ông.
Cả trước đây, khi nhà thơ còn sống và suốt mười sáu năm qua, hầu như hằng năm, ông và các tác phẩm của ông vẫn cứ được người đời nhắc nhớ, trích dẫn. Đọc lại Đóa tầm xuân, gặp tựa của thi sĩ Hoàng Cầm viết: “Hầu hết các bài trong “Đóa tầm xuân” đều như muốn tự thân nổ tung, vỡ bung ra, ra khỏi cái khuôn chật hẹp của những con chữ nóng bỏng… Tùy trời đất, tùy cảnh, tùy người mà thơ sinh sự hoặc chẳng sinh sự gì, cũng chẳng sao. Người rồi ra ai cũng mất đi, nhưng thơ còn đó mãi, cũng như cuộc sống là bất diệt, vô thủy vô chung”. Cả hai thi nhân ấy đã không còn, nhưng thơ thì vẹn nguyên sức sống.
Đề dẫn cho Tọa đàm “Trịnh Thanh Sơn - người Đi dọc cánh đồng thơ”, PGS. TS Văn Giá ví von: “Một người suốt đời chỉ biết dùng văn chương chữ nghĩa lên tiếng bênh vực, tôn vinh cái đẹp, cái thiện, lại có tấm lòng liên tài như thế, chẳng phải là một hiệp khách trong chốn chữ nghĩa giang hồ đó sao!”.
Đọc “Trịnh Thanh Sơn toàn tập” càng thấy “hiệp khách” ấy am tường nhiều công phu đao pháp. Tinh thần “giang hồ” kia không giống người thường, đó phải chăng là một “Thiền nhân”.
Bên cạnh gia đình, tình yêu, thế sự, một mảng đề tài khác gắn bó với Trịnh Thanh Sơn là tình bạn, tri kỷ tri âm. Cứ nhìn vào mấy trăm trang bạn bè viết về ông in cuối Toàn tập đủ thấy ông giàu có chừng nào. Và, chẳng phải võ đoán, có lần con trai ông - nhà báo Trịnh Mai Anh tâm sự với tôi, rằng cái mà bố anh để lại, lớn nhất chính là bạn bè. Trọng thay!
Trung tướng, nhà văn Hữu Ước trong “Lời cuối cùng tiễn bạn” - viếng hương hồn nhà thơ Trịnh Thanh Sơn, viết: Bạn tôi vừa nằm xuống/ Để vương buồn hơi ấm một cọng rơm/ Còn đâu nữa “vàng reo đáy nước”/ Một “gã nhà quê” - “ngồi rót biển vào chai”/ Đã có trót rồi chỉ có thơ và thơ là thánh thiện/ Bạn tôi tin như đức tin/ Và cả đời chỉ quanh quẩn một ổ rơm/ “Một cọng rơm vàng/ Một cọng rơm vàng”/ Đã tan vào hư vô…
Trong Di cảo của ông, ở phần Lý luận-Phê bình còn một số bài viết thẳng thắn, gai góc nhưng trên tinh thần học thuật, như: “Yêu và sống - Một cuốn sách bôi nhọ và tự bôi nhọ”; “Cuốn sách ‘Vết sẹo và cái đầu hói’ - văn chương hay phi văn chương?”; “Nạn đạo văn chương vấn đề văn hóa hay đạo đức”…
Trịnh Thanh Sơn được đào tạo chuyên môn bài bản trường quy Sư phạm Ngữ văn và Đạo diễn Điện ảnh, ông viết nhiều thể loại, song nổi bật nhất, để lại nhiều ấn tượng và có đóng góp hơn cả vẫn là Thơ. Đến nay, phần Di cảo thơ của Trịnh Thanh Sơn vẫn còn đến hơn 40 tác phẩm, chưa công bố rộng rãi, chất lượng và cả dung lượng dày dặn đủ cho một tập sách nếu được in riêng.
Tuy thế, 16 năm sau ngày ông đi xa, nhìn lại sự nghiệp của Trịnh Thanh Sơn không chỉ có thơ, phê bình văn học, ông còn có nhiều truyện ngắn, kịch thơ, kịch bản phim… cũng cần được tìm hiểu, nghiên cứu nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa.
Tôi sẽ còn phải khám phá pho sách đồ sộ này dần dần, chỉ tiếc là với số lượng in không nhiều, sẽ có ít bạn đọc tiếp cận được. Nên chăng, các nhà xuất bản cần dành sự quan tâm hơn đến những di cảo, không chỉ của Trịnh Thanh Sơn mà còn nhiều tên tuổi khác nữa để bạn đọc và nền văn chương đương đại được biết đến nhiều tác phẩm hay.
Người thơ dù đã khuất bóng, song như cụ Nguyễn Du từng viết “thác là thể phách, còn là tinh anh”, thì những tác phẩm đích thực sẽ còn sống mãi. Như Trịnh Thanh Sơn, một “thiền nhân giang hồ” dường như vẫn đang chu du đâu đó, vẫn làm đẹp cho đời sống này qua chữ nghĩa, văn chương.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nho-mot-thien-nhan-giang-ho-post773569.html