Nhớ một vài ca khúc viết về đồng quê

Quê hương, hai tiếng thân thương ấy vẫn luôn chan chứa trong tình cảm của mỗi người. Bao kỷ niệm vui buồn, những cảnh sắc, những trò chơi tuổi thơ, những mái trường của những ngày còn thơ dại… có lẽ khó quên trong ký ức mỗi người. Quê hương đã vào trong thơ, trong nhạc, để lại trong lòng người nghe, những giai điệu ngọt ngào, cùng với những ca từ đằm thắm, gợi những sự đồng cảm, luyến lưu.

Nhớ một vài ca khúc viết về đồng

Có những nhạc sĩ đã viết nên những ca khúc về đồng quê, về quê hương, đầy chất thơ của lời, đầy du dương của nhạc.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã đưa người nghe trở về những bóng tre, những ánh trăng, những con đường, cả dòng sông với tiếng tiêu, tiếng trúc và hình bóng người em ở quê, người mẹ già vẫn ngày đêm ngóng con trong nhạc phẩm “Đường xưa lối cũ”:

“Đường xưa lối cũ có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo/Đường xưa lối cũ có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi/Đường xưa lối cũ có tiếng ca, tiếng ca trên sông dài/Đường xưa lối cũ có tiếng tiêu, tiếng tiêu ru lòng ai… Đường chiều dịu nắng bóng em đi/Áo nâu in đường trăng/Đường xưa lối cũ có mẹ tôi run run trong hôn hoàng/Lòng già thương nhớ, nhớ đến tôi lom khom đi tìm con…”.

Để rồi, lòng tiếc nuối, tác giả tìm hình bóng những người thân yêu của ngày tháng cũ: “Đường xưa còn đó/Nắng vẫn lên, vẫn trăng treo ven đồi/Mà hình bóng cũ, thiếu trong tôi/Mỗi khi nghe chiều rơi”.

Cùng một tâm trạng vui tươi của những người thân yêu trong một gia đình, vui bên bếp lửa, khi nhớ về những ngày xa cách, những chiều mưa lạnh đã qua, để cùng tận hưởng sự ấm áp bên ánh lửa hồng, nhạc sĩ Xuân Tiên đã viết: “Nào ai xa ngàn khơi/Kìa bao mái nhà đang chờ ai/Kìa bao bếp hồng đang còn tươi/ Thương nhớ lên đầy vơi”… (Về dưới mái nhà).

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ cũng đã có sáng tác “Nắng lên xóm nghèo”, một ca khúc vui tươi, rộn rã, với những ca từ rất giản dị, lại tràn đầy tình cảm, không thiếu nét tự hào về cảnh sắc, sự trù phú của quê hương: “Đây bóng dừa xanh xanh tôi mến thương/Chim trắng về đem vui gieo ngàn hướng/Kìa cổng làng hàng cau nghiêng nắng xuống/Đàn em bé đùa hát ca quên sầu thương/No ấm về tình ta thêm thắm tươi/Bông lúa vàng nhờ tay anh cày xới/Đây nắng đẹp miền quê tôi sáng chói/ Bừng lên xóm nghèo ấm êm bao cuộc đời…”.

Nhạc sĩ Trúc Phương cũng đã góp bài hát “Chiều làng em” vào dòng ca khúc trữ tình quê hương. Ở đấy, có nắng vàng, có những làn mây, có những tiếng hò, có khói lam chiều ngưng đọng, có những bóng dừa nghiêng trước gió: “Quê em nắng vàng nhạt cô thôn/Vài mây trắng dật dờ về cuối trời/ Bâng khuâng tiếng hò qua xóm vắng/Khói lam buồn như muốn ngừng thời gian… Anh ơi nhớ về thăm thôn xưa/Để nghe tiếng ngọt ngào ru bóng dừa/Xa xôi bước người anh lữ thứ/Nhớ thương hoài câu hát chiều làng em”…

“Bức họa đồng quê” của nhạc sĩ Văn Phụng cũng là một ca khúc tràn niềm hân hoan với cảnh, với người, với không khí lao động hăng say, rộn ràng của vụ mùa bội thu lúa chín: “Trời xanh xanh bao la, mây trắng trắng trắng xóa/Tia nắng tưng bừng chiếu trên đồng lúa vàng/ Đàn chim, chim chim non, đang ríu ríu rít hót/Tung cánh bay nhẹ lướt trên cành la đà…/Hỡi nắng hãy sáng lên, để ngàn hoa tươi thắm hơn/Hỡi gió hãy cuốn lên, để đồng xanh tươi mát hơn…/Đồng quê hôm nay vui, vui với thóc lúa mới/Cho bõ công cày cấy bao ngày mong chờ”…

Những khúc ca đồng quê ấy, viết về những miền quê hương ấy, đã được các nhạc sĩ sáng tác từ nhiều năm trước đây, được cất lên từ những làn sóng của đài, được hát trên những sân khấu khác nhau, tạo nên những rung cảm chân tình, ấm áp đối với quê hương, neo lại trong lòng những khán thính giả nhiều thế hệ. Những ca khúc ấy, hợp với những ca khúc về những miền quê khác, đã là những món ăn tinh thần của biết bao người Việt chúng ta.

Và những nhạc sĩ của Bình Thuận cũng đã góp những sáng tác của mình, viết về quê hương Bình Thuận, với bao rung cảm, ân tình: Các nhạc sĩ Huy Sô, Lê Hoàng Chung, Võ Thiện Thanh, Đỗ Quang Vinh, Phan Anh Dũng, Phan Gia Kiện, Thắng Liêm, Ngọc Văn Trung, Vĩnh Lộc…

Yêu quê hương, đất nước, có lẽ nào chúng ta lại không nhớ về những khúc ca thân thương ấy, trong đó có những nhạc phẩm đồng quê?

Bình An

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/nho-mot-vai-ca-khuc-viet-ve-dong-que-142482.html