Nhớ mùa đi mót...
Quê tôi là một vùng đất cát pha, bạc màu ở ven biển xứ Nghệ. Vì điều kiện thổ nhưỡng khó khăn và khí hậu khắc nghiệt nên mỗi năm dân quê tôi chỉ tập trung canh tác hai vụ chính.
Vụ hoa màu kéo từ tháng giêng đến tháng năm âm lịch, vụ lúa được tiếp nối từ tháng sáu đến tháng mười. Những ngày hè nắng rực lửa, gió Lào thốc tháo, đó cũng là lúc quê tôi bước vào mùa thu hoạch vụ hoa màu.
Luống khoai nứt nẻ, những chùm củ thi nhau trồi lên mặt đất. Mẹ tôi mang liềm cắt bỏ hết thân lá. Cha tôi dùng cày cuốc để vỡ hai bên luống, sau đó giũ đất mang cả gốc lẫn củ về nhà. Lạc cũng vậy, khi hai phần ba thân cây bắt đầu úa vàng, trên ngọn chỉ còn lấm chấm lá xanh thì đó cũng là lúc củ lạc đã chắc, thu hoạch được. Ngày mùa, quê tôi vui như trẩy hội. Nhà nhà hoặc dựng lều bạt đập lấy củ ngay tại ruộng, hoặc cắt lấy phần dưới mang về rải lên mái nhà phơi khô, tách dần. Những chiếc xe kéo nặng trĩu khoai và lạc nối đuôi nhau xuôi ngược trên đường. Mùa thu hoạch chỉ diễn ra khoảng chừng mươi hôm, sau đó mọi người tập trung ở nhà để sơ chế. Khoai lang hoặc là để nguyên củ dưới sàn nhà để ăn dần, hoặc rửa sạch, thái lát, phơi khô, giã nhỏ đóng vào kiệu làm lương thực dự trữ. Lạc thì tách lấy củ, phơi đến khi nào cầm nắm lạc áp vào tai nghe lách tách thế là đã khén. Chúng được cất kỹ vào phi làm lương thực, hoặc đóng gói vào bao tải đợi ngày thương lái đến thu mua.
Sau khi thu hoạch, dân quê tôi để cho đất nghỉ chừng mươi lăm ngày rồi sau đó mới cày ải. Thời gian rỗi của đất cũng là lúc đám cỏ mật, cỏ gà, xen lẫn với những cụm khoai, lạc, đậu còn sót lại thi nhau trỗi dậy. Chưa khi nào lũ trẻ chúng tôi khoái thời gian này đến thế, vừa được chăn thả trâu bò thoải mái, vừa cùng nhau tỏa đi mót khoai, mót lạc. Những củ khoai, bụi lạc sót lại lâu ngày trong lòng đất cứ sau một đêm lại thay nhau đâm mầm đội đất chui lên, nhìn thật thích mắt. Những ngày đó, lũ trẻ chúng tôi luôn trở về nhà với những túi vải chứa đầy “chiến lợi phẩm” thu nhặt được trên đồng.
Đến lúc cày ải, cả cánh đồng lồi lõm, nhấp nhô những luống khoai, luống lạc sau thu hoạch được cày bừa bằng phẳng. Sau những ngày hè nắng lửa, bỗng xuất hiện những cơn mưa dông, có những trận mưa kéo dài cả ngày. Đồng trên xóm dưới bị ngập chìm trong nước. Nhưng vì là đất cát pha, lại ở gần biển nên nước thoát rất nhanh. Mưa ngớt, lũ trẻ chúng tôi đổ xô ra đồng tha hồ mót khoai, mót lạc. Nước rút đi, những củ khoai, khóm lạc nằm phơi bụng hoặc nửa chìm nửa nổi trên mặt đất. Ở những thửa ruộng đất quánh thường có nhiều củ khoai bị bỏ lại, do khi thu hoạch củ khoai hay bị đứt cuống và nằm lẫn vào những tảng đất, nay gặp nước thì bị rã ra. Đứa nào mót ở những thửa ruộng đó coi như “trúng mánh”.
Ngày mùa, mặc dù khoai lạc nhà nào cũng đầy bồ, vậy nhưng những củ khoai, củ lạc mót được dù ít dù nhiều cũng khiến lũ trẻ chúng tôi vô cùng thích thú. Chúng được xem là của riêng chúng tôi. Tất cả sẽ được người lớn mua lại hoặc được mẹ mang ra chợ bán. Số tiền thu được dùng để mua sách vở, giấy bút, quần áo chuẩn bị bước vào năm học mới, hoặc mua các nguyên vật liệu để làm diều, làm đèn ông sao...
Thời gian trôi đi, chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả, kẻ Nam người Bắc với bao bộn bề lo toan của cuộc sống. Con cái chúng tôi ngày nay sống ở thành phố, hết học ở trường, bầu bạn với sách vở xong rồi lại ôm riết những chiếc ti vi, điện thoại. Chúng không có điều kiện và cũng không có hứng tìm hiểu về công việc đồng áng vất vả nhọc nhằn của người nông dân nếu như đó không phải chủ đề liên quan đến bài kiểm tra. Còn với tôi, khi đêm về, chợt đâu đó vang lên tiếng rao quà vặt trên đường phố mà lòng chộn rộn nhớ về một thời tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm với bạn bè đi mót lạc, mót khoai...
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nho-mua-di-mot-663452