Nhớ mùa thu Cách mạng Tháng Tám

Như là sự mặc định diệu kỳ của tạo hóa, mùa thu được tượng trưng bởi sắc vàng và đến lượt mình, cái sắc màu mạnh mẽ ấy lại tượng trưng cho niềm tin, chiến thắng và hy vọng. Để rồi, như là định mệnh, lịch sử dân tộc Việt Nam từng đi qua một mùa thu rực lửa cách mạng. Mùa thu non sông ca khúc khải hoàn!

Đình Ngô Xá (xã Thiệu Minh, huyện Thiệu Hóa), nơi tập trung lực lượng Cứu quốc quân kéo về TP Thanh Hóa ra mắt đồng bào (ngày 23-8-1945).

Những ngày chớm thu đầy nắng. Sắc vàng dịu dàng dệt thảm lên vạn vật, để màu sắc ăn mòn cành lá như trẻ nhỏ tinh nghịch, vẩy vệt sơn sóng sánh màu mật ong lên tấm thảm xanh. Cái sắc vàng dịu dàng và lãng mạn đầy thi ca nhạc họa ấy, luôn thổn thức và gợi nỗi hoài niệm về một thời quá khứ...

Với thế hệ sinh ra thời hậu chiến, thì “chiến tranh” đã trở thành lịch sử. Song đó là phần lịch sử không được phép lãng quên và không bao giờ có thể lãng quên. Trong vài lần may mắn hiếm hoi, tôi đã được gặp và trò chuyện cùng những con người – những nhân chứng sống của thời khắc lịch sử mùa thu tháng Tám. Đó là cụ Hoàng Thị Minh Ba (quê Thọ Xuân), một trong 5 đồng chí được giao nhiệm vụ xây dựng Chiến khu Ngọc Trạo, thời kỳ 1940 – 1941; cụ Nguyễn Đình Phán (quê Hoằng Hóa), người đã chứng kiến thảm cảnh nạn đói năm Ất Dậu đã cướp đi vô số sinh mạng; cụ Hoàng Thị Nhưng (quê Triệu Sơn), người đã tham gia Hội tương tế ái hữu của địa phương và làm liên lạc viên phụ trách việc đưa thư từ, tài liệu mật cho các cơ sở cách mạng... Dẫu những mảng ký ức không còn nguyên vẹn do thời gian và tuổi tác bào mòn, song, đau thương và tinh thần quật khởi là những gì tôi cảm nhận được qua từng câu chuyện họ kể.

Có lẽ, giờ chẳng còn ai còn muốn nhớ lại, nhắc lại hay hi vọng nhìn thấy nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945. Trong ký ức của người từng trải qua thảm cảnh ấy, thì các làng Lương Hà (xã Hoằng Thanh), Trù Ninh (xã Hoằng Đạt), hay Thọ Văn (xã Hoằng Phúc) thuộc huyện Hoằng Hóa lúc bấy giờ, dường như đều biến thành những ngôi làng chết. Chỉ vài trăm nóc nhà mà đã có hơn 300 người chết đói. Riêng làng Lương Hà chết đói đến nửa làng. Không khí tử vong tràn ngập khắp hang cùng ngõ hẻm và nó được phác họa lại trong lời miêu tả của một người Pháp tên Vespy: “Họ đi thành rặng dài bất tận... người nào người nấy rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ, gầy guộc giơ xương ra run rẩy... Nhìn những hình người xấu hơn con vật xấu nhất, nhìn thấy những xác chết nằm co quắp cạnh đường chỉ có vài nhánh rơm vừa làm quần áo, vừa làm vải liệm, người ta thực lấy làm xấu hổ thay cho cái kiếp con người”. Nạn đói “chưa từng có trong lịch sử”, có sức nặng hơn hàng chục trang diễn thuyết hùng hồn, bất lực và lừa bịp mang tên “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” mà Mẫu quốc vẫn ca tụng và ban ơn lên xứ thuộc địa này.

Thảm cảnh ấy đã khiến cho bọn thực dân máu lạnh – những kẻ đầu sỏ gây ra tội ác – cũng phải lo sợ rằng “nạn đói sẽ bốc lòng phẫn uất của Nhân dân ta”! Và, đúng như chúng lo ngại, đi đến tận cùng đau thương thì hy vọng một lần nữa được nhen nhóm dậy.

Chỉ thị “Đòi ăn” (tháng 3-1945) của Tổng bộ Việt Minh ra đời đúng thời điểm đã đáp ứng yêu cầu cấp bách, bức thiết, sống còn của Nhân dân ta lúc bấy giờ và ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của đồng bào ta. Để rồi, khi phong trào “phá kho thóc giải quyết nạn đói” nổ ra mạnh mẽ khắp các huyện Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Thọ Xuân...; thì đây cũng được xem như một cuộc “tập dượt đội quân cách mạng của quần chúng Nhân dân lao động trong thực tiễn chiến đấu, đi từ hình thức đấu tranh chính trị, tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Việc tổ chức phá kho thóc cứu đói của chi bộ đảng và Ban cán sự Việt Minh các địa phương ở Thanh Hóa thắng lợi đã làm cho Nhân dân càng thêm tin tưởng ở sức mạnh đoàn kết của mình, trình độ giác ngộ cách mạng của giai cấp nông dân càng được nâng cao, càng củng cố quyết tâm đánh đổ bọn phát xít và bè lũ phong kiến”. Có thể nói, quá trình đi từ vô thức đến ý thức, từ đấu tranh chính trị đến kết hợp giữa chính trị và vũ trang, sự “giác ngộ” của Nhân dân đã tiến thêm một bước dài. Từ “đòi ăn” đến “phá kho thóc”, đó là những viên gạch lát trên con đường cách mạng mà chắc chắn dân tộc ta phải bước lên, để tự mình giành lấy độc lập, tự do và quyền tự quyết.

Để rồi, khi chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (tháng 4-1945) được Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã kịp thời chuyển hướng lãnh đạo, nhằm thúc đẩy phong trào chống Nhật và chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Đặc biệt, để đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng vũ trang, giữa năm 1945, Tỉnh ủy và Việt Minh Thanh Hóa đã ra chỉ thị “Sắm vũ khí đuổi thù chung”. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, cổ động phát triển sâu rộng, đã góp phần giác ngộ và lôi kéo quần chúng đứng về phía cách mạng. Từ tháng 5 đến tháng 7-1945, nhiều cuộc diễn thuyết xung phong, mít tinh tuần hành, dán áp phích, rải truyền đơn đã được tổ chức khắp các vùng, miền trong tỉnh... Có thể nói, việc “Nhật – Pháp bắn nhau” đã tạo ra “khoảng chân không chính trị” đắt giá và Đảng ta đã nhanh chóng nắm bắt lấy và chuyển hóa ngoạn mục thành cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám. Với Thanh Hóa, lịch sử đã vận động đúng như những gì thực tiễn đã sắp đặt. “Trung tuần tháng 7–1945, với những cuộc tuần hành thị uy có vũ trang được tổ chức liên tục và rộng khắp, Hoằng Hóa trở thành một trong những trung tâm của phong trào cách mạng ở Thanh Hóa. Tình thế cách mạng ở Hoằng Hóa đã chín muồi, chỉ chờ thời cơ thuận lợi châm ngòi là ngọn lửa cách mạng đang âm ỉ này sẽ bùng cháy dữ dội”. Và cuối cùng, thời cơ ấy đã đến, “ngày 24-7-1945, Hoằng Hóa trở thành huyện đầu tiên trong tỉnh Thanh Hóa giành chính quyền thắng lợi trong tổng khởi nghĩa tháng Tám, ít đổ máu và hạn chế thiệt hại nhất”.

Sự kiện Hoằng Hóa giành chính quyền và liên tiếp đập tan 3 cuộc tấn công càn quét của địch, bảo vệ thành quả cách mạng đã làm oanh động toàn tỉnh. Từ đó, cổ vũ và thúc đẩy mạnh mẽ cao trào khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Để kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng, ngày 13-8-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã triệu tập hội nghị mở rộng tại làng Mao Xá (huyện Thiệu Hóa), nhằm xây dựng kế hoạch tiến tới tổng khởi nghĩa. Chiều ngày 15-8, khi nhận được tin Nhật đầu hàng quân Đồng minh, hội nghị đánh giá thời cơ khởi nghĩa đã đến và đã rất nhạy bén, sáng suốt quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Lệnh tổng khởi nghĩa được ban hành trước khi nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương đã cho thấy sự chủ động, linh hoạt và nghệ thuật chớp thời cơ của Đảng bộ Thanh Hóa lúc bấy giờ. Để rồi, cùng với lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã điểm. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, cơn bão táp cách mạng đã không còn chịu bất kỳ sự cưỡng chế nào, đã cuồn cuộn, lan tràn khắp miền núi, đồng bằng, ven biển, quét sạch bè lũ cướp nước, bán nước. Chỉ trong thời gian rất ngắn, kể từ lúc quyết định giờ tổng khởi nghĩa là 12h đêm ngày 18 rạng ngày 19-8-1948, hầu khắp các địa phương đã nổi dậy giành chính quyền. Đến chiều ngày 20-8, khi TP Thanh Hóa ngập tràn cờ hoa chiến thắng, cũng chính là thời khắc cáo chung của chính quyền bù nhìn, hay hồi kết của chế độ quân chủ, thực dân kiểu cũ và phát xít trên mảnh đất này.

Cách mạng Tháng Tám 1945 “đó là một cuộc đổi thay cực kỳ to lớn trong lịch sử nước ta”! (Hồ Chí Minh). Cuộc cách mạng mùa thu cách đây tròn 75 năm, đã làm một cuộc xoay vần bánh xe lịch sử, để đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ trở thành quốc gia độc lập; để Nhân dân ta được hưởng thụ các quyền thiêng liêng và nhân bản nhất của con người, đó là “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”! Người ta vẫn nói “mùa xuân không gieo... mùa thu gặt”. Hạt mầm đỏ được ấp ủ từ mùa xuân 1930 “đời ta có Đảng”. Để rồi, trải qua 15 năm nung nấu, cựa mình dưới ánh nắng chói chang mùa hè của những cuộc tranh đấu đau thương và hy vọng, dân tộc ta đã gặt về mùa vàng trong mùa thu tháng Tám 1945. Tháng Tám và cuộc cách mạng mùa thu năm ấy, sẽ mãi đi vào lịch sử dân tộc, như là minh chứng thuyết phục nhất về năng lực lãnh đạo của một đảng cách mạng non trẻ. Đồng thời, nó cũng là minh chứng hùng hồn nhất về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và “chân lý Nhân dân”. Cuộc cách mạng, tự thân nó đã là bài học quý giá và trở thành chân lý của dân tộc nhỏ bé này. Cái chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do” đã tạo thành điểm tựa tinh thần lớn lao, giúp dân tộc bước qua 2 cuộc kháng chiến bằng những chiến thắng “chấn động địa cầu”.

...

Tròn 75 năm kể từ mùa thu tháng Tám ấy, cuộc sống mới – giàu đẹp và văn minh – đang dần thay sắc màu thiên thanh trên mảnh đất này. “Mùa thu nay đã khác rồi”, đi dưới trời thu hít thở bầu không khí tự do và thênh thang đường tương lai rộng mở, mới cảm nhận hết giá trị lớn lao của hai tiếng “hòa bình”. Bởi vì nó, biết mấy máu xương cha ông ta đã đổ xuống, để cất lên khát vọng được sống và khát vọng phát triển cho quê hương, xứ sở.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong cuốn “Lịch sử Thanh Hóa tập V 1930 – 1945”).

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/nho-mua-thu-cach-mang-thang-tam/122202.htm