Nhớ ngày hợp nhất Báo Hà Tuyên

Thực hiện Nghị quyết 245-NQ/TW, ngày 20/9/1975 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng 'về việc bỏ khu, hợp tỉnh', ngày 27/12/1975, Quốc hội ra Nghị quyết hợp nhất một số tỉnh, thành phố, trong đó, tỉnh Tuyên Quang hợp nhất với tỉnh Hà Giang, theo đó, Báo Tuyên Quang hợp nhất với Báo Hà Giang lấy tên là Báo Hà Tuyên.

Sau hơn 3 tháng thực hiện các công việc cho hợp nhất hai tờ báo của Đảng bộ tỉnh mới ra số đầu tiên, cách nay 49 năm, tháng Tư này, vào đúng ngày 25 của năm 1976, đoàn cán bộ báo Tuyên Quang do nhà báo Phí Văn Tường, Ủy viên biên tập dẫn đầu cùng 18 cán bộ, phóng viên, nhân viên, trong đó có tôi (tác giả bài viết này), kéo quân lên Hà Giang bắt đầu một thời kỳ làm báo mới - Báo Hà Tuyên. Với tôi, đây là một chuyến đi rất đáng nhớ. Vì từ ngày được tuyển dụng vào báo Tuyên Quang theo chế độ vừa học, vừa làm (học nghề báo, làm - thực hành viết báo) mới hơn 6 tháng thì đây là chuyến đi xa đầu tiên, sẽ không chỉ là ăn nghỉ tại tòa soạn với môi trường làm việc hoàn toàn mới lạ, mà ở lứa tuổi trẻ 20 - 21 như chúng tôi, những học sinh vừa tốt nghiệp cấp 3, chưa vợ con, hồn nhiên, vô tư, nên cảm nhận chỉ thấy háo hức, mọi thứ đều mới lạ, chứ chưa hề hình dung được những khó khăn, vất vả phía trước...

Ngày đó, cuối tháng tư rồi, nhưng dọc quốc lộ 2, đoạn từ Vĩnh Tuy (Bắc Quang) đến cầu Mè (thị xã Hà Giang lúc bấy giờ) hoa gạo đỏ rực, như chào đón đoàn cán bộ, phóng viên báo Tuyên Quang lên với Hà Giang. Gần 2 giờ chiều chúng tôi mới đến tòa soạn báo Hà Giang. Những điều kiện tốt nhất có thể cho cán bộ, phóng viên từ Tuyên Quang lên làm việc cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng. Nói thế, bởi báo Hà Giang khi đó cũng chỉ có 3 ngôi nhà xây cấp 4 (mỗi nhà 5 - 6 gian) và 1 nhà ăn + bếp, nằm trên gò đất thuộc phường Minh Khai, sát bên bờ sông Lô. Tòa soạn có hơn 20 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên (CB, PV, BTV, NV), trong đó, 9 người ở tập thể, còn lại đều có nhà riêng ở thị xã Hà Giang. Lúc bấy giờ chưa có khái niệm nhà công vụ, nên chúng tôi được bố trí nơi làm việc cùng phòng nghỉ tại tòa soạn (thường 2 hoặc 3 người ở một phòng). Sau những ngày đầu ổn định nơi ăn, nghỉ và làm việc cùng với làm quen môi trường làm việc mới, chúng tôi - 6 phóng viên trẻ của Báo Tuyên Quang được phân công về các huyện (chủ yếu là đi các huyện vùng cao của Hà Giang, như cố Tổng Biên tập Phạm Kim Quy, nói là “đảo quân”: phóng viên báo Hà Giang thì về địa bàn Tuyên Quang, còn phóng viên báo Tuyên Quang thì về địa bàn Hà Giang. Riêng tôi, được giao nhà báo Nịnh Thái Học, nguyên phóng viên Báo “Việt Nam độc lập”- tờ báo của Khu ủy Khu tự trị Việt Bắc, hướng dẫn thực hành nghề viết báo, được phân công về địa bàn huyện Sơn Dương... Ở huyện thì báo cơm tập thể Huyện ủy, thanh toán chế độ tem phiếu và tiền lương tháng mang theo (lương học việc của chúng tôi là 46 đồng/người/tháng, bằng 88,5% lương phóng viên bậc 1 là 52 đồng/tháng). Tin, bài viết xong gửi bưu điện về tòa soạn. Do báo thưa kỳ (2 kỳ/tuần), nên tính thời sự không đòi hỏi ngặt nghèo như bây giờ. Ở Sơn Dương hết năm 1976, khi đã có thể tự “độc lập tác chiến” cả trong đi cơ sở lấy tư liệu và viết tin, bài, đầu năm 1977, tôi được phân công về huyện Bắc Quang, một huyện lớn của tỉnh Hà Giang trước đây và cũng là huyện lớn của tỉnh Hà Tuyên mới hợp nhất. Thời gian khó khăn, gian khổ, nhưng để lại trong tôi nhiều kỷ niệm về nghề, về mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền cơ sở, với nhưng con người mà tôi đã gặp, phỏng vấn... là khi “thường trú” ở các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, từ giữa năm 1977 đến cuối năm 1978...

Gần nửa thế kỷ đã qua, kể từ ngày đầu hợp nhất hai báo Tuyên Quang và Hà Giang, lứa phóng viên học việc chúng tôi ngày nào cũng trưởng thành cả trong nghề và trong công tác lãnh đạo quản lý, nay cũng đều đã U70, nhưng lửa nghề và những kỷ niệm về một thời gian khó, nhưng đầy ắp tình cảm yêu thương đồng chí, đồng nghiệp luôn mãi trong tim.

Rồi đây, hai báo Hà Giang và Tuyên Quang sẽ hợp nhất, tiếp nối thời kỳ 16 năm cùng chia ngọt sẻ bùi. Đây thực sự là những thay đổi lớn mang tính lịch sử, chắc sẽ không tránh khỏi những tâm tư, lo lắng, nhưng mọi thứ rồi sẽ được giải quyết ổn thỏa với những tư duy và hành động năng động để tiếp tục đổi mới, sáng tạo xây dưng tờ báo của Đảng bộ tỉnh, tiếng nói của nhân dân các dân tộc tỉnh mới hợp nhất Tuyên Quang và Hà Giang trên không gian phát triển rộng lớn hơn, với phương thức tác nghiệp tiên tiến, hiện đại của cách mạng công nghệ số.

Việt Thanh

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/nho-ngay-hop-nhat-bao-ha-tuyen-210753.html