Nhớ ngày sơ tán

Phụ trách khu sơ tán đầu tiên là chú Soạn-cán bộ của Báo QĐND. Các bác cấp dưỡng, y tá, giáo viên mẫu giáo cũng đều là người của Báo QĐND...

Những năm tháng chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, chị em chúng tôi phải xa bố mẹ, sơ tán theo trường, rồi về nơi sơ tán dành cho con cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên của Báo Quân đội nhân dân (QĐND) tại chùa Yên Ngô, xã An Bình, huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc (trước đây)-nay là tỉnh Bắc Ninh (năm 1980, xã An Bình chuyển từ huyện Gia Lương về huyện Thuận Thành). Trong ký ức của bọn trẻ chúng tôi hồi đó, chùa to, sân chùa và khuôn viên xung quanh rất rộng, nhiều cây ăn quả: Ổi, mít, bưởi... um tùm. Chùa có ao sâu và ruộng vườn trồng cây, rau, quả. Mồng một, ngày rằm, các bà, các cô đến chùa rất đông. Mọi người hiền lành, thân thiện, hỏi thăm và rất thương bọn trẻ sơ tán từ Hà Nội về.

 Thầy Nguyễn Đình Ngọc và học trò cũ Trần Thị Phương Liên, năm 2018. Ảnh do tác giả cung cấp

Thầy Nguyễn Đình Ngọc và học trò cũ Trần Thị Phương Liên, năm 2018. Ảnh do tác giả cung cấp

Lúc đầu tại đây chỉ có vài ba chục cháu, chính quyền xã và nhân dân địa phương rất ưu ái các cháu, cho xếp giường ngủ trong chùa Yên Ngô. Thời gian sau, các cháu đông dần lên, Báo QĐND dựng thêm nhà lán 7 gian trên đất phía sau chùa.

Phụ trách khu sơ tán đầu tiên là chú Soạn-cán bộ của Báo QĐND. Các bác cấp dưỡng, y tá, giáo viên mẫu giáo cũng đều là người của Báo QĐND, trong đó có các cô được các cháu rất yêu quý là cô Bàn, cô Mai, cô Thu y tá... Bất chấp hoàn cảnh khó khăn, bọn trẻ chúng tôi vẫn nghịch ngợm và vui vẻ. Hồi ấy, mẹ tôi đang học lớp y sĩ ở Vĩnh Yên. Cuối tuần nào mẹ cũng đạp xe về Hà Nội, rồi từ Hà Nội về Yên Ngô, cả đi cả về 140km.

Chị Ngọc Anh dẫn đầu trong nhóm nghịch ngợm nhất cùng bạn Lục Thanh Hải luôn trèo cây hái quả. Đội múa do tôi và Thanh Mai phụ trách. Học được vài động tác múa của các cô văn công ở Quân y viện 354 (nơi mẹ tôi làm việc, nay là Bệnh viện Quân y 354), chúng tôi cùng sáng tác các điệu múa, làm đạo cụ. Các em vẫn nhớ điệu múa ô của các bé gái hồi đó. Cô Chiêm, nhân viên thư viện của Báo QĐND cung cấp cho chúng tôi một kho sách truyện thiếu nhi, từ truyện tranh đến những cuốn truyện cổ tích được dịch từ tiếng nước ngoài dày cộp. Chúng tôi mê đọc truyện từ bé...

Tôi học ở trường làng đó 4 năm, từ lớp 3 đến lớp 6. Thầy chủ nhiệm chúng tôi hồi lớp 3 là thầy Tường. Thầy rất chú ý đến học tập và văn nghệ. Thầy có cái đài nhỏ, thỉnh thoảng thầy tổ chức nhóm học hát theo hướng dẫn dạy hát của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi rất thích hát và tham gia nhiệt tình những buổi học hát này. Năm lớp 4 là thầy Nguyễn Đình Ngọc chủ nhiệm. Thầy rất nghiêm khắc. Thầy nói đi nói lại để học sinh chăm chỉ học và rèn luyện đạo đức: “Để làm được điều tốt đẹp rất khó, mất nhiều công sức, nhưng làm điều xấu để hủy hoại danh dự thì rất dễ”.

Chiến tranh phá hoại kết thúc, đế quốc Mỹ ngừng ném bom năm 1968. Chúng tôi sung sướng gói ghém đồ đạc lên xe về Hà Nội. Thôn Yên Ngô lùi xa vào quá khứ suốt bao năm...

Gần 40 năm sau, vào đầu năm 2009, tôi cùng chị Ngọc Anh về xã An Bình. Chùa Yên Ngô nơi sơ tán năm xưa không còn như trước nữa, chỉ còn ngôi chùa nhỏ, đơn sơ. Tôi nhận ra con đường nhỏ bên cạnh chùa dẫn vào nhà thầy Nguyễn Đình Ngọc. Hai chị em vượt qua bờ ruộng, men theo đường nhỏ. Hỏi thăm người dân mới biết thầy vẫn ở nhà cũ, tôi mừng quá. Thầy Ngọc nhận ra tôi. Tôi hỏi thăm thầy về các bạn cùng lớp ở quanh đó. Thầy trò đều rất vui...

Năm 2018, nghe tin thầy Ngọc ốm, tôi và mấy em cùng đi sơ tán hồi ấy về thăm thầy. Tuấn-con trai thầy đón chúng tôi từ UBND xã. Biết có học sinh cũ về thăm, thầy vui lắm. Thầy già đi nhiều, mắt kém, không còn nhận ra tôi nữa. Tôi rất biết ơn thầy Ngọc đã dạy bảo tôi nên người. Hỏi thăm Tuấn mới biết thêm các bạn học của tôi, số người học đến đại học rất ít, các bạn nữ chỉ học hết lớp 7, mỗi người một nơi...

Làng quê nhỏ bé với những người dân hiền lành, chăm chỉ đã đùm bọc, cưu mang chúng tôi, góp một phần nhỏ bé động viên bố mẹ chúng tôi-các cán bộ, phóng viên chiến trường năm nào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

TRẦN THỊ PHƯƠNG LIÊN (*)

----------------------

(*) Con gái Thiếu tướng Trần Công Mân, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/nho-ngay-so-tan-640800