Nhớ người Anh hùng phi công… 'bảy phát, bảy trúng'

Hơn 4 năm trước, cụ thể vào cuối tháng 4-2015, tôi rong ruổi về vùng quê Đồng Tháp hỏi đường tới nhà ông. Chuyện của ông không giống bất cứ câu chuyện nào khác mà tôi được nghe từ những 'Anh hùng chân đất' miệt sông nước Cửu Long kể trước đó…

Kỳ 1: Huyền thoại trên bầu trời

Hay tin ông trút hơi thở cuối cùng tối hôm qua 22-9, tại Bệnh viện quân y 175 (TP Hồ Chí Minh), không riêng gì tôi mà rất nhiều người cho biết cảm giác bàng hoàng, tiếc thương như một người thân thiết của mình...

Có lẽ chính do đức tính chân chất nông dân, yêu lao động, yêu quý từng cọng rau, luống cà mà ông – con người dù tôi mới một lần gặp, trở nên thân quen gần gũi. Gần một ngày, lúc ngồi coi ông trồng cây mãng cầu trên bờ ruộng, lúc bón thêm rơm mục cho mấy luống rau sạch, lúc trầm người xuống ao cá bên hông nhà, móc từng bụm đất, trám lỗ mọi, tôi nhận ra điều ông tâm niệm và cả đời thực hiện nghiêm túc.

“Tao là nông dân. Chừng nào nhắm mắt xuôi tay thì thôi chứ một ngày không cho tao ta đồng là tao chết à”. Nói rồi ông mở nút bình rượu ngâm với trái giác rừng vừa được một người dân Cà Mau cho, vừa nhâm nhi, vừa kể chuyện cho tôi nghe...

Múc nước mưa xối rào rào, tắm xong, “Anh hùng Bảy lúa” – tên mà người dân địa phương quen gọi đối với Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bảy, trở ra kể thêm chuyện “binh nghiệp” của ông và không quên lấy chiếc khăn rằn đặc trưng Nam Bộ choàng lên cổ (ông Bảy cho biết ông có thói quen dùng khăn rằn từ hơn 60 năm trước). Kể chuyện đánh giặc trên không, giọng ông Bảy vẫn chân chất như khi ông kể chuyện làm ruộng, trồng cây, nuôi cá, đôi lúc pha chút dí dỏm, rất dễ gần gũi.

“Mày có hình dung không, tiếng là Anh hùng phi công, bắn rơi nhiều máy bay địch vậy nhưng mấy ai biết hồi tao thoát ly, tao mới học chưa xong lớp ba trường làng” – ông Bảy cười khà khà.

Khi được tuyên dương Anh hùng LLVTND, phi công Nguyễn Văn Bảy mới mang cấp hàm Thượng úy.

Khi được tuyên dương Anh hùng LLVTND, phi công Nguyễn Văn Bảy mới mang cấp hàm Thượng úy.

Theo lời kể, “cơ duyên” để ông Bảy trở thành phi công cũng chẳng giống ai trên… thế giới này. Đó là năm 17 tuổi, ông bị ép cưới vợ. Nhưng vì chẳng muốn lập gia đình sớm, ông Bảy trốn cha mẹ rồi tham gia quân đội.

Năm 1960, tức 6 năm kể từ ngày tập kết ra Bắc, ông là một trong số rất ít được chuyển từ một sư đoàn bộ binh sang không quân, rồi được chọn đi học lái máy bay. “Hồi nhỏ tao cao 1m67, nặng 69 ký. Ông bà, cha mẹ tao đều là nông dân. Nằm mơ tao cũng không nghĩ là mình được đi học lái máy bay” - ông Bảy bộc bạch.

Ông kể để được học lái máy bay, tệ nhất cũng phải xong lớp 10/10 (tương đương lớp 12 hiện nay), trong khi ông mới tới lớp 3. Vậy là chỉ có đúng một tuần học văn hóa, theo phương châm “cần gì, học đó”, ông hoàn thành xong 7 lớp.

Xong phần lý thuyết cơ bản lái máy bay ở trong nước, ông được đưa sang Trường hàng không số 3 nằm tại TP Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh - một nơi đào tào lái máy bay tốt nhất nhì của Trung Quốc bấy giờ. Đoàn học viên của Việt nam được đào tạo lái máy bay MiG17 lúc đó chỉ có 34 người.

Từ lý thuyết đến thực hành là cả một quá trình khó khăn, phức tạp. “Tiền đình của tao không ngon lắm. Hồi mới vô huấn luyện, hễ leo lên buồng lái là tao ói tới luôn. Vậy là lấy ruột trái banh, cắt bỏ 1/3 rồi đeo vào cổ, lúc nào ói thì ói vào đó” – ông kể.

Anh hùng Nguyễn Văn Bảy cùng đồng đội sau một lần lập chiến công.

Anh hùng Nguyễn Văn Bảy cùng đồng đội sau một lần lập chiến công.

Học lái MiG17 nhưng có lúc, ông và các đồng nghiệp thực hành trên máy bay K-56. Để đảm bảo an toàn, ban đầu “bạn làm ta xem”, sau đó thì chuyển sang giai đoạn “ta làm bạn xem”.

Khó nhưng ông cho biết, tất cả đều nỗ lực vượt qua, nhất là mỗi khi nhớ lời huấn thị của Bác Hồ trước giờ lên đường: “Các cháu là những học sinh, chiến sĩ miền Nam, hãy cố gắng học tập và rèn luyện cho tốt để sau này trở thành những phi công giỏi, chiến đấu thống nhất đất nước mình. Và còn chở Bác về thăm đồng bào miền Nam nữa chứ!”.

Giữa năm 1964, đúng như nhận định trước đó của Bộ Chính trị và Quân ủy TW: Bị thất bại thảm hại trong “Chiến tranh cục bộ” tại miền Nam, để hạn chế chi viện của hậu phương cho tiền tuyến, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn thực hiện kế hoạch đánh phá miền Bắc Việt Nam.

Ban đầu, chúng dùng máy bay do thám trên vùng trời miền Bắc, sử dụng biệt kích phá hoại phá hoại hệ thống đường sá, cầu cống của ta. Tháng 3-1964, Giôn-xơn phê chuẩn kế hoạch của Mắc-na-ma-ra.

Đó là tăng cường và mở rộng “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, dùng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam, hòng đe dọa và gây sức ép buộc miền Bắc phải ngừng chi viện cho miền Nam.

Đêm mồng 4 rạng ngày 5-8-1964, Mỹ dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, cho không quân ném bom bắn phá một số nơi trên miền Bắc như cửa sông Gianh, Vinh - Bến Thủy, Lạch Trường, thị xã Hòn Gai… mở đầu “chiến tranh phá hoại miền Bắc” lần thứ nhất.

PV Báo CAND với Anh hùng “bảy phát, bảy trúng” Nguyễn Văn Bảy.

PV Báo CAND với Anh hùng “bảy phát, bảy trúng” Nguyễn Văn Bảy.

Trở về nước, năm 1965, ông Bảy thuộc biên chế của Trung đoàn không quân tiêm kích 923 (mật danh Đoàn Yên Thế) và tham gia tham chiến trận đầu tiên trên vùng trời Bắc Sơn – Chi Lăng. “Ở Mỹ và các nước phương Tây, phi công phải thực tập bay trung bình từ 5.000 – 7.000 giờ mới được tham chiến. Nhưng tình hình lúc đó, phi công nào bay nhiều nhất cũng chỉ khoảng 300 giờ là tham chiến” – ông cho biết.

Mười giờ trưa 7-10-1965, bốn chiếc MiG17 của ta cất cánh. Được mười phút, ta phát hiện máy bay Mỹ nên Biên đội trưởng quyết rượt theo một chiếc F4. Phát hiện bên trái chiếc MiG17 Biên đội trưởng xuất hiện 4 máy bay địch, ông Bảy đang bay phía sau yểm trợ, báo cáo và xin ý kiến phản kích. Đội trưởng vừa dứt lời, ông Bảy lái chiếc MiG17 đối đầu với 4 máy bay địch khiến chúng phải quay đầu. Bỗng phía sau xuất hiện chiếc F4 khác của địch bám sát rồi nã đạn pháo làm máy bay ông bị trúng đạn.

“Tao phát hiện kính mê ca buồng lái dày cả hai phân bị một vết thủng khá lớn, gần bằng mặt đồng hồ treo tường loại trung (khoảng trên 30cm). Đặc biệt, ngay vị trí kính trước vị trí tam tinh của tao, có một vết bằng cái đít ly uống trà nhưng tao không bị gì. Lúc này, máy bay đang ở tốc độ khoảng 700km/h. Tao lại nhớ đến lý thuyết đường sóng, ống vòng về thủy khí động lực của nhà khoa học Béc – nu – li: tốc độ càng lớn thì áp suất càng nhỏ và ngược lại, nên dùng tay bịt lại dù rất sợ áp suất không khí lôi tay tao ra ngoài.

Tao cố gắng trấn tỉnh và lấy tay còn lại kéo cần điều khiển đưa “con” MiG 17 hạ cánh. Anh em đồng đội vui mừng hò reo nhất là khi thấy máy bay tao hạ cách an toàn dù bị dính tới 82 vết, mảnh đạn pháo. Lãnh đạo nói nếu lúc đó, tao xin nhảy dù, chỉ huy duyệt liền” – ông kể.

Theo đánh giá của các chuyên gia Liên Xô sau này, đấy là chiến tích chưa từng xảy ra trong lịch sử hàng không nói chung trên thế giới - máy bay bị “lủng lỗ” cùng lúc nhiều vị trí nhưng phi công vẫn hạ cánh an toàn.

Ông Bảy cho biết, ông có đến 13 lần cùng đồng đội (mỗi người 1 chiếc) xuất kích, trong đó có 7 lần ông ra tay và cả 7 lần, địch đều phải trả giá đắt nhất.

Chiến công đầu tiên của ông Bảy được xác lập ngày 21-6-1966. Hôm đó biên đội 4 chiếc MiG17 của ta phát hiện nhiều máy bay Mỹ, trong đó có một máy bay trinh sát RF-8A được hộ tống bởi máy bay F8 Crusader vốn được mệnh danh là “hiệp sĩ thánh chiến” của phi đội 211 Mỷ. Biên đội trưởng Phan Thành Trung đã tiêu diệt chiếc RF-8A; còn phi công Bảy hạ chiếc F-8E do Cole Black điều khiển.

Anh hùng Nguyễn Văn Bảy vẫn là độc giả thường xuyên của Báo CAND, trong đó có ấn phẩm Chuyên đề ANTG.

Anh hùng Nguyễn Văn Bảy vẫn là độc giả thường xuyên của Báo CAND, trong đó có ấn phẩm Chuyên đề ANTG.

Đến các ngày 24 và 29-6-1966, phi công Bảy tiếp tục lập công – bắn rơi máy bay F-4C và F105D trên bầu trời Thái Nguyên, Việt Trì và Hà Nội.

Ngày 21-9-1966, trên bầu trời Chí Linh (Hải Dương), 16 máy bay F-4 và F105 địch chia thành nhiều tốp, nhiều tầng, nhiều hướng bao vây biên đội 4 máy bay ta. Trận này, địch bị ta hạ 3 chiếc, trong đó phi công Bảy hạ 1 chiếc F-4…

Tôi tò mò hỏi về “người bạn” gắn liền với những chiến công của ông, ông Bảy cho biết mỗi “con” MiG17 trước khi xuất kích đều mang theo ít nhất 1.800 lít xăng, đó là chưa kể 2 thùng dầu phụ hai bên (chứa được thêm 800 lít xăng).

Sau khi bay lên, nếu gặp những tình huống phải tăng lực tối đa (tốc độ lý thuyết có thể đạt 1.050km/h) mỗi phút MiG17 “ngốn” 45 lít xăng. Trong điều kiện nhiên liệu, rượt đuổi như thế, chiếc nào bay được lâu nhất trên không cũng chỉ 40 phút, phải đáp xuống để tiếp nhiên liệu. “Chính vì đặc điểm này mà không thể có chuyện áp tải đối phương mà chỉ có một lựa chọn duy nhất là bấm nút – bắn” – ông Bảy kể tiếp.

Anh hùng Nguyễn Văn Bảy luôn cảm thấy sung sướng với những công việc của nhà nông.

Anh hùng Nguyễn Văn Bảy luôn cảm thấy sung sướng với những công việc của nhà nông.

Mỗi chiếc MiG17 được trang bị 2 quả bom (loại 150kg/quả), 2 khẩu pháo 23 và 37mm, với tổng cộng 200 viên đạn (khẩu 37mm chỉ 40 viên). Với tổng số đạn đó, ông Bảy nói “chỉ cần mình siết cò trong 7 giây là hết sạch”. Điều quan trọng hơn hết là vào thời điểm đó, mỗi phương tiện máy bay chiến đấu như thế được viện trợ từ ngoài luôn được xem là “con cưng”.

“Chính vì những đặc điểm, điều kiện như vậy nên mỗi lần xuất kích, anh em tụi tao hạ quyết tâm là phải diệt cho bằng được đối phương” – ông Bảy kể.

Hớp ly nước trà, ông Bảy cho biết khi ngồi vào vị trí lái máy bay chiến đấu, người lái chẳng khác người mù, phải chịu sự điều khiển từ bộ phận ra đa ở mặt đất. Tuy nhiên khi phát hiện địch rồi, mình phải khẩn trương vạch ra phương án chiến đấu để báo cáo chỉ huy.

Có một chi tiết khiến địch luôn bị thiệt hại mỗi khi gặp ông chính là lối đánh áp sát đối phương. Ông tâm đắc, kể: “Khi huấn luyện bay, khoảng tối thiểu để nhả đạn phải là 800met, còn gần hơn thì được xếp vào tình huống mất an toàn, rất dễ đụng nhau với đối phương, rồi mình cũng banh xác. Thế nhưng nhớ lại, trước khi mỗi lần ra tay, ấn nút, tao đều áp sát đối phương, chỉ còn cách 200 – 300met”.

Nhắc đến lối đánh áp sát đối phương, ông Bảy nhắc lại “trận nhớ đời” mà ông cùng bạn chiến đấu quê Bến Tre là Võ Văn Mẫn (sau đó hy sinh, là Anh hùng LLVTND - PV) đã chiến đấu với địch trên bầu trời khu vực cầu Giẽ (Hà Tây) vào ngày 5-9-1966.

“Cả ngày được phân công trực bầu trời, chẳng thấy gì. Tới chiều, tao và Mẫn được lệnh trở về sân bay thì phát hiện hai chiếc máy bay địch như hai chấm nhỏ ở phía trái. Ban đầu, tao tưởng hai chiếc F-8 tăng tốc để tấn công tụi tao ai dè nó tháo lui nhanh ra hướng biển. Tao quyết định xé mây, bay tắt để đón chúng.

Tình huống này khó lắm bởi nếu mình cúp đường bay trước đầu nó thì coi như mình đưa lưng cho nó bắn; còn nếu cúp chậm hơn thì vuột mất nó nên phải tính kỷ để sao vừa luồn qua mây là bám sát đuôi nó. Khó nhưng phải làm ngay.

Thật đúng lúc, vừa ra khỏi đám mây thì hai chiếc MiG của tao và Mẫn cũng bám theo sát đuôi chúng. Tao truyền lệnh, đề nghị Mẫn bắn chiếc bên trái, phần tao xử chiếc bên phải. Trận này thiệt ngon, chỉ có 45 giây mà tao và Mẫn hạ hai chiếc của tụi nó. Ngay sau trận hôm đó, tao và Mẫn được Bác Hồ gởi tặng huy hiệu của Người”.

Cũng xuất kích bí mật từ sân bay Kiến An, ngày 21-9-1966, ngay sau khi phát hiện chiếc F-4 của địch sắp nã đạn vào chiếc MiG17 của phi công Mẫn, ông Bảy với vai trò chỉ huy đã khẩn trương lệnh cho Mẫn lập tức ra khỏi tầm ảnh hưởng, thế là hai quả tên lửa của địch tự “đá vào lưới nhà” khiến chiếc F-4 phía trước gảy làm đôi. Còn phi công Mẫn đang bị kẹp giữa 8 chiếc F-4 khác nhưng chúng không thể ra tay được trong khi ông bắn hạ 1 chiếc rồi nhanh nhảu biến mất.

Nhắc đến Bác Hồ, ông Bảy kể tôi nghe câu chuyện mà ông không thể nào quên. Đó là chiều 12-12-1966, sau Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước toàn quốc, ông Bảy vinh dự cùng 37 chiến sĩ không quân có thành tích xuất sắc được lên Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ. Người tươi cười hỏi: “Chú nào bắn rơi 4 máy bay Mỹ trở lên?”.

Sau khi nghe đồng chí Chính ủy Quân chủng Đặng Tính báo cáo, Bác đề nghị: “Chú Bảy, chú Mẫn, chú Trung đâu, đứng lên cho Bác biết?”.

Ông Bảy cùng hai đồng đội đứng dậy sung sướng. Còn Bác thì tỏ ra rất hài lòng. Tư lệnh Phùng Thế Tài báo cáo thêm với Bác, trong đó có nhắc đến chiến công hai phi công Bảy và Mẫn chiến đấu trong một biên đội trong trận chiến đấu ngày 5-9-1966 đã diệt gọn hai chiếc F-8 của Mỹ, nên ngay tối hôm đó đã được Bác gửi tặng hai huy hiệu.

Giọng Bác ôn tồn: “Bác nhớ rồi. Hai chú đều quê ở miền Nam, chú Bảy ở Sa Đéc, còn chú Mẫn ở Bến Tre phải không? Bác hoan nghênh chiến công của tất cả các chú. Các chú đánh khá, nhưng đừng thấy Bác khen mà mũi to ra. Bắn rơi 4 chiếc còn ít. Các chú phải đánh giỏi, bắn rơi nhiều máy bay nữa để Bác vui, đồng bào miền Nam vui...”.

Ông Bảy kể, sau đại hội này, tinh thần của ông và nhiều anh em như chiếc đồng hồ được lên… dây cót. Chỉ trông được lệnh xuất kích…

Chiều 24-4-1967, biên đội 4 chiếc MiG17 bí mật hạ cánh xuống sân bay Kiến An (Hải Phòng) phục kích địch. Đến 16 giờ 30 phút, đúng như tin ta nắm được, nhiều tốp F-4 và F-105 của địch xuất phát từ hướng biển bay vào đánh khu vực Đông Triều (Quảng Yên). Biên đội xuất kích, được dẫn vòng đến khu vực Sơn Động (Hà Bắc), thuận ánh mặt trời dễ quan sát.

Khi phát hiện địch phía bên phải, cách 10km, chiếc MiG17 của Nguyễn Bá Địch được lệnh vứt thùng dầu phụ để tăng lực, cùng Võ Văn Mẫn đánh tốp đầu.

Sau vài phút rượt đuổi, một chiếc F-4 của địch bị bắn hạ. Lúc đó, ông Bảy cùng một đồng đội đang quần nhau với 4 chiếc F-4 ở tầm thấp hơn. Thế trận xen kẽ, ông Bảy đang bám hai chiếc F-4 phía trước. Sau ông lại có hai chiếc F-4 bám đuôi.

Ông Bảy tiếp cận chiếc F-8C của phi đội 24 do Thiếu tá hải quân E.J.Tucker lái điều khiển và ông ấn nút khẩu 37mm. Chiếc F-8C bốc cháy. E.J.Tucker đã nhảy dù và bị bắt. Những chiếc F-4B của Phi đội 114 hộ tống thấy thế tăng lực, tiếp cận công kích lại nhưng chúng không lẹ hơn chiếc MiG17, đành phải rút lui.

Ông Bảy kể những trận chiến đấu trên không rất khác với trận chiến ở dưới mặt đất, cả mình và đối phương đều không có chiến tuyến, không có công sự ẩn nấp, chỉ khác là máy bay của mình kém hiện đại hơn máy bay của địch; tỷ lệ “chọi” cũng rất chênh lệch – mình ít, địch đông. Cũng có những lúc địch cho loại máy bay cơ động không chiến vòng trong với ta, nhưng ở vòng ngoài, chúng cho máy bay khác “me” lúc những chiếc MiG của ta sơ hở, mải mê công kích để phóng tên lửa tiêu diệt. “Không trận đánh nào giống trận đánh nào. Mình không linh hoạt, uyển chuyển là sa ngay vào bẫy của chúng” – ông Bảy đúc kết.

Ông Bảy kể tôi nghe trận đánh cũng thuộc dạng “hiếm có” xảy ra năm 1967 trên vùng trời Sơn Động (Hà Bắc): “Trận này, tụi nó thua đau và tức điên” – ông Bảy khoái chí, nhớ lại: “Tao chỉ huy Biên đội 4 chiếc MiG17 quần nhau với 6 chiếc F-4 ở tầm thấp. Khi đó, tao đang tăng lực bám theo một thằng F-4 ở độ cao chỉ cách mặt đất 100m. Một chiếc F-4 thấy thế bám theo tao. Đoán biết nó đang phóng hỏa, tao lập tức lật cánh, chuyển hướng. Thế là chiếc F-4 phía trước tao lãnh đủ. Coi như trận này tao không tốn viên đạn nào mà vẫn làm thiệt một thằng F-4”.

Trước khi về hưu vào năm 1989, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy từng giữ các chức vụ quan trọng trong lực lượng Quân chủng phòng không Không quân, như: Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937; Phó Tư lệnh Sư đoàn 372; Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân. Sau 30/4/1975, ông tiếp quản sân bay Cần Thơ và tham gia điều hành các sân bay miền Nam như Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ.

“Gần 3 tháng, tao cùng anh em đi gom được khoảng 100 chiếc, nhiều nhất vẫn là trực thăng phục vụ cho việc di tản ra tàu ngoài biển. Để đem chúng về, một số anh em phải lái chiếc A37 lạ quắc. Từ một phi công thành thạo lái được MiG 17, nếu học bài bản để chuyển qua lái máy bay chiến đấu A37, nhanh nhất cũng phải mất đứt 3 tháng. Đằng này, tụi tao làm quen A37 chỉ có một tuần. Tao còn dặn anh em nhớ cái thắng bằng chân của chiếc A37, bởi hồi lái MiG17, mình kéo cần lái bằng tay”, ông Bảy kể về những ngày đi gom máy bay do người của chế độ Sài Gòn bỏ lại.

Tôi nhớ lần gặp đó, đang kể, giọng Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy bổng chùn xuống khi nhắc lại ngày Bác mất – ngày 2-9-1969. Được phân công trực bên thi hài Bác bảy ngày liên tiếp, mắt ông luôn xốn xang và cảm thấy tiếc nuối vì chưa thực hiện được việc lái máy bay đưa Bác vào thăm đồng bào miền Nam như đã hứa.

Ông Bảy kể, vào ngày 9-9-1969, đúng vào thời điểm thiêng liêng, xúc động trong lễ tang Bác, trên bầu trời Hà Nội xuất hiện hai biên đội MiG21 và MiG17 bay thật thấp qua Quảng trường Ba Đình nghiêng cánh chào vĩnh biệt Bác. Phi đội trưởng của nhóm MiG17 gồm 12 chiếc do ông làm Phi đội trưởng.

Thái Bình

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/nho-lan-hau-chuyen-anh-hung-phi-cong-bay-phat-bay-trung-562703/