Nhớ người đàn bà khan
Đó là một đêm mưa lạnh. Mưa như rây bột trắng cả bờ cây ngọn cỏ. Huyện Kông Chro (Gia Lai) mới thành lập. Cái thị trấn thường ngày vốn đã heo hút, ngày cuối tuần lại càng heo hút thêm. Buồn quá, tôi và anh bạn quyết định phải vào làng Pyang kiếm cái gì về nhậu… Chưa tới 8 giờ mà sao làng vắng ngắt. Chẳng gặp một ai trên đường đã đành, cũng chẳng thấy nhà nào sáng đèn để hỏi. Đã toan quay về, tôi chợt nghe thoảng trong gió tiếng ai lúc bổng như ngâm, lúc trầm như hát. Cái ma mị của chất giọng khiến tôi không cưỡng nổi sự tò mò. Tìm tới nơi hóa ra là một đám kể khan…
Trong ngôi nhà sàn nhỏ, dưới ánh sáng của bếp lửa hắt hiu, hàng chục con người-kẻ trèo lên đống bắp, người dựa chân cầu thang, nghe như uống lấy từng lời mặc cho cái lạnh ướp vào da thịt… Khan thì tôi đã biết, từng nghe. Cái lạ ở đây người kể không phải đàn ông như tất cả các đám khan tôi thường thấy mà là một phụ nữ! Đàn bà cũng dám làm cái việc “Yàng cho” ư? Sự lạ này khiến tôi quyết mai phải đến bà tìm cho ra lẽ…
Không chập chờn ảo giác hình hài sau ánh lửa; không ma mị trong mỗi giọng ngâm, bà chỉ là người phụ nữ Bahnar bình dị như tôi vẫn gặp với cái tên Đinh Tiếp. Làng Pyang là quê chồng, còn nơi bà được sinh ra là làng Măng. Làng Măng xưa có nhiều người biết khan. Thời đó làng nào có nhiều người biết khan và khan hay, làng đó được trọng. Trong dòng họ của bà Tiếp lúc đó có một bà cô tên Dun. Bà Dun biết khan nhưng chỉ lén kể cho con cháu trong nhà nghe chơi thôi. Thấy đứa cháu gái còn thấp hơn gốc cây cụt ngoài rẫy, tóc vàng như râu bắp mà nghe khan quên cả ăn uống; rảnh một chút là cứ xán lại đòi kể khan, bà Dun nghĩ có lẽ nó là người phụ nữ đầu tiên bị “Yàng bắt” chăng. Vậy là bà chỉ cho.
Được người cô chỉ dạy nên mới 12 tuổi, bà Tiếp đã có chiếu khan riêng của mình-ấy là đám con nít trong làng. Chúng theo bà còn đông hơn người khan giỏi nhất làng lúc đó. Thấy vậy, ông Xã đội trưởng một hôm tìm đến, bảo: “Mày hát hay, biết khan, vào du kích đi. Vào du kích thì mày chỉ làm văn nghệ phục vụ chiến đấu thôi…”. Ông Xã đội trưởng biết người thật giỏi. Bà Tiếp làm được nhiều việc lắm: khan, hát cho du kích, bộ đội nghe để hăng đánh giặc; bà con nghe để siêng sản xuất. Một tối, hết khan mà vẫn có người ngồi lại chưa muốn về, nhận ra không phải thanh niên trong làng, Tiếp đến hỏi. Anh nói mình là bộ đội, tên Lơn ở làng Pyang. Anh cũng biết khan ít ít, nghe nói Tiếp là con gái mà giỏi Khan nên muốn làm quen… Chất thêm củi vào bếp, hai người ngồi nói chuyện. Tiếp thấy mình hôm nay lạ quá. Lơn hỏi cái gì cũng không đáp cho thẳng được, cứ như cái lưỡi bị ai làm cho ngắn lại; còn con mắt thì chỉ biết nhìn mỗi bếp lửa, không dám ngó đi đâu…
Những năm chống Mỹ, Kông Chro bom đạn ác liệt lắm nhưng đám cưới Lơn-Tiếp vẫn vui. Già làng nói: “Pyang được một cô dâu mà làng khác không có. Để hả bụng mừng, làng chỉ muốn tối nay cô dâu cho no một bữa khan thôi!”. Ai cũng vỗ tay reo hò. Vậy là Tiếp phải vào chiếu khan. Đêm tân hôn chú rể và cô dâu cùng thức trắng với dân làng… Chưa ai thấy đám cưới nào khác lạ mà vui như thế.
Sau quãng thời gian chiến tranh sôi động, năm 1974, vợ chồng bà Tiếp về ở hẳn làng Pyang. Rồi những đứa con lần lượt ra đời. 9 đứa tất cả nhưng cuối cùng chỉ còn lại 5. Ông Lơn bị bệnh chết. Căn nhà đang ở là nhờ Nhà nước giúp cho; hai đứa con đang đi học Nhà nước cũng nuôi cho, thế mà nghèo gần như nhất làng… Của nả cha mẹ chia bị chiến tranh làm rơi rụng hết; bao chuyện vui, chuyện buồn cũng rơi rụng hết, vậy mà riêng 12 khan thì vẫn còn nguyên vẹn. Trong đó khan dài nhất phải kể 2 đêm mới hết. Sắp đến 70 mùa rẫy rồi, bà Tiếp chẳng nhớ đã bao nhiêu đêm mình ngồi vào chiếu khan. Khan cho làng nghe chung thì chẳng nói, nhưng nhà ai có việc vui riêng mời đến thì cũng chỉ được uống rượu say rồi về. Xưa cũng thế mà nay cũng thế thôi…
Tôi không phải là người sưu tầm văn hóa dân gian nên không hiểu giá trị đích thực của những khan bà kể. Tuy nhiên “tín ngưỡng” của dân làng đối với những đêm khan của bà có lẽ cũng đã là sự đảm bảo bằng vàng… Sau này, tôi được biết ở xã Sơn Lang (huyện Kbang) cũng có đàn bà biết khan, tức bà Tiếp không phải người duy nhất. Dù vậy thì đàn bà biết khan cũng vô cùng hiếm. Có người cho rằng trong xã hội cổ truyền Bahnar, đàn bà được quyền “bình đẳng” hơn các dân tộc khác. Minh chứng là họ vẫn được đánh chiêng, kể khan-những việc mà các dân tộc khác chỉ có đàn ông mới được làm. Có lẽ... Thế nhưng những người đàn bà biết kể khan như bà Tiếp bây giờ chẳng còn ai, và việc kế thừa “truyền thống bình đẳng” này thì tôi vẫn chưa thấy trong lớp trẻ. Nghệ nhân khan có lẽ là diễn viên của loại hình sân khấu cổ sơ nhất của con người. Họ sinh cùng với khan và phải chăng sẽ cùng với khan một đi không trở lại?
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8213/201911/nho-nguoi-dan-ba-khan-5655894/