Nhớ Nguyễn Cương

Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội, từ gần 50 năm nay, người xem thường có thể gặp bức tranh sơn mài nhan đề 'Xưởng đóng tàu Hải Phòng' của tác giả Nguyễn Cương.

Vậy Nguyễn Cương là ai? Mới đây, cuốn sách giới thiệu các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Cương đã được NXB Mỹ thuật ra mắt độc giả.

Họa sĩ Nguyễn Cương sinh năm 1943 tại Hải Phòng trong một gia đình nghèo không có ai làm nghệ thuật. Thuở nhỏ đi học ở quê nhà rồi nhập ngũ, hội họa với Nguyễn Cương bấy giờ hoàn toàn là thiên tư và yêu thích.

Buổi ra mắt sách tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ.

Buổi ra mắt sách tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ.

Năm 1968, được sự động viên của người bạn, Nguyễn Cương bắt đầu ghi lại cuộc sống xung quanh mình bằng những nét ký họa bình dị nhất, từ hoạt động nghiệp vụ và sinh hoạt của người lính, chân dung những bà cụ, những em bé…, cho đến từng gốc cây, mái nhà, cảnh sinh hoạt đồng quê…

Năm 1969, ông được cử đi học chính quy về hội họa tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam và tốt nghiệp năm 1974. Ít ai biết rằng, bức tranh sơn mài “Xưởng đóng tàu Hải Phòng”, tác phẩm nổi tiếng chính là bài thi tốt nghiệp của Nguyễn Cương dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Đức Nùng - một trong những họa sĩ bậc thầy về sơn mài.

Trong cuộc đời nghệ thuật kéo dài 45 năm của Nguyễn Cương, ông vẽ khoảng 500 bức tranh, trong đó có một số không nhỏ tranh sơn mài và hàng trăm tranh sơn dầu. Bên cạnh đó, ông còn sáng tác nhiều tranh tường khổ lớn và ít nhiều thực hành cả điêu khắc.

Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quang Việt, nếu chỉ tính ba tác phẩm Nguyễn Cương sáng tác trong thời kỳ nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (1954-1986), gồm “Xưởng đóng tàu Hải Phòng”, “Những cô gái thông tin” và “Vật kỷ niệm của một người bạn”, thì Nguyễn Cương không chỉ xứng đáng với danh hiệu “họa sĩ hiện thực xã hội chủ nghĩa”, mà ông còn xứng đáng là một trong số không nhiều nghệ sĩ ở thời kỳ này có vị trí lâu dài trong lịch sử nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam thế kỷ XX.

Một số hình nghiên cứu và ký họa cho tranh "Xưởng đóng tàu Hài Phòng" của họa sĩ Nguyễn Cương

Một số hình nghiên cứu và ký họa cho tranh "Xưởng đóng tàu Hài Phòng" của họa sĩ Nguyễn Cương

Sau ba năm tu nghiệp ở Hungary (1980-1983), Nguyễn Cương dấn thân vào khuynh hướng hội họa biểu hiện cá nhân và đưa ra những thông điệp tạo hình theo “nhu cầu thiết yếu bên trong” của chính mình. Có thể kể đến những bức tranh như “Trăng và đèn”, “Mặt đất hân hoan”, “Áng mây cổ nhân”, “Nỗi niềm tối”, “Nhận thức”, “Giới hạn có thể”, “Trầm tư màu đỏ”…

Từ những năm 2000, họa sĩ Nguyễn Cương trải lòng mình qua các đề tài, hình tượng vĩnh cửu như hoa lá, chim muông, phong cảnh với các tác phẩm như “Mộng mơ xanh”, “Cá giỡn sóng”, “Vùng biển nắng”, “Sa Pa”, "Hoa cúc trắng", “Những tọa độ của biển”…

Tranh sơn dầu "Những tọa độ của biển" của họa sĩ Nguyễn Cương.

Tranh sơn dầu "Những tọa độ của biển" của họa sĩ Nguyễn Cương.

Tiếc rằng, còn bao nhiêu dự định cuối cùng đành dang dở, khi họa sĩ Nguyễn Cương đột ngột ra đi vào năm 2014, ở tuổi 71. “Hoa hồng môn” có lẽ là bức tranh cuối cùng của Nguyễn Cương được ông vẽ vài tháng trước khi mất. “Hoa hồng môn” được đánh giá là tranh vẽ hoa kỳ ảo nhất của ông.

Cuốn sách hội họa “Nguyễn Cương” được ra đời để kỷ niệm 80 năm ngày sinh của ông, như một lời tiếc nhớ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp gửi đến người họa sĩ tài năng Nguyễn Cương, đồng thời sẽ giúp cho độc giả yêu hội họa hiểu thêm về chân dung họa sĩ và các tác phẩm của ông.

Và như nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quang Việt khẳng định: “Một người họa sĩ như Nguyễn Cương, chúng ta có nhiều lý do để chọn ông như một trong những tiêu mẫu xác thực để tìm hiểu, nghiên cứu nhằm tìm lại, nhìn nhận lại những giá trị đích thực của nền mỹ thuật đương đại và hiện đại Việt Nam”.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nho-nguyen-cuong-653217.html