Nhớ nhà văn của những kiếp người cùng khổ
Những ngày cuối năm, tôi lang thang đất Bắc, nhất là khi đến Nam Định, Hải Phòng và Bắc Giang, lòng bùi ngùi chợt nhớ kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Nguyên Hồng - nhà văn của những kiếp người cùng khổ, đặc biệt là đối với trẻ em và phụ nữ, mà tiêu biểu nhất là qua 2 tác phẩm Bỉ vỏ và Những ngày thơ ấu.
1. Giữa nhà văn Nguyên Hồng và nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao có một vài trùng hợp thú vị. 2 ông cùng sinh tháng 11 và cùng quê Nam Định, nhưng cách nhau 5 tuổi. Nguyên Hồng sinh ngày 5-11-1918, còn Văn Cao sinh ngày 15-11-1923. Cùng gốc Nam Định nhưng Văn Cao sinh ở Hải Phòng, còn Nguyên Hồng sinh tại quê nhà thành Nam, nhưng rồi Hải Phòng cũng trở thành bệ phóng cho sự nghiệp đáng nể của ông giống như Văn Cao.
Trong cuộc đời nhà văn Nguyên Hồng, có mấy nơi mà ông gắn bó mật thiết. Đầu tiên là Nam Định quê hương ông sinh thành. Kế đến là Hải Phòng mang lại cho ông nhiều chất liệu sống và viết nên những tác phẩm bất hủ. Thủ đô Hà Nội thì ông lui tới làm việc và có một thời gian cùng gia đình tạm trú. Bắc Giang là nơi ông sống phần lớn cuộc đời và vĩnh viễn nằm lại. Vùng than Quảng Ninh với nhiều dự định không thành của ông từ thời tuổi trẻ và cũng là nơi ông thực hiện chuyến công tác cuối cùng để rồi trở về Bắc Giang đột ngột từ giã thế gian.
Mấy tháng qua, chúng tôi may mắn đến các tỉnh, thành trên và hình ảnh nhà văn Nguyên Hồng như sương khói đâu đây cùng những câu chuyện trong tác phẩm cũng như chính cuộc đời đầy buồn vui, thăng trầm của ông. Đặc biệt là Hải Phòng, thành phố cảng mà ông gắn bó suốt một thời tuổi trẻ gian truân, nguồn cảm hứng chủ đạo và là nơi ông viết nên những tác phẩm hay nhất đời mình. Với văn nghệ sĩ thành phố cảng các thế hệ, Nguyên Hồng thực sự là một thủ lĩnh đáng kính trọng, từng là Chủ tịch đầu tiên của Hội Văn nghệ Hải Phòng từ khi thành lập cho tới lúc ông qua đời.
2. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó bất hạnh, cha bệnh mất sớm, tuổi thơ Nguyên Hồng chịu muôn vàn cơ cực, cô đơn, khổ nhục, đói rách, khắc nghiệt tận cùng. Trong quyển tự truyện Những ngày thơ ấu của ông với dòng đề từ “Kính tặng mẹ tôi” được đăng báo năm 1938, xuất bản thành sách năm 1940, có những đoạn văn như tiếng kêu đứt ruột: “Giá ai cho tôi một xu nhỉ? Chỉ một xu thôi! Để tôi mua xôi hay bánh khúc. Vừa đi vừa cắn, ngon xiết bao! Không! Không ai cho tôi cả, vì người ta có phải mẹ tôi đâu! Mẹ ơi! Con khổ quá mẹ ơi! Sao mẹ đi lâu thế? Mãi không về! Người ta đánh con vì con dám cướp lại đồ chơi mà con người ta giằng lấy. Người ta lại còn chửi con, chửi cả mẹ nữa. Mẹ xa con, mẹ có biết không?”.
Cuộc đời người mẹ của Nguyên Hồng cũng lắm đau đớn trái ngang. Năm 16 tuổi, Nguyên Hồng phải bỏ học theo mẹ rời Nam Định ra Hải Phòng ở xóm Cấm dạy học tư cho con em những gia đình lao động nghèo để kiếm sống. Ông bắt đầu có ý thức phải viết lại để chia sẻ với những cảnh đời bần hàn khốn cùng mà mình chứng kiến và bản thân ông, gia đình ông cũng là một chất liệu sống. Sau 2 lần được gặp nhà thơ, nhà văn Thế Lữ, người tiên phong của phong trào Thơ mới lẫn truyện đường rừng, Nguyên Hồng được “gây men” cảm hứng và lao vào trang văn.
Năm 17 tuổi, nghĩa là một năm sau khi từ Nam Định ra Hải Phòng, Nguyên Hồng đã viết được truyện ngắn đầu tay Linh hồn đăng trên tờ Tiểu thuyết thứ 7. Đến năm 19 tuổi thì tiểu thuyết đầu tay Bỉ vỏ của ông hoàn thành, gây tiếng vang lớn trên văn đàn, được nhận Giải thưởng Tự lực văn đoàn danh giá. Đó là khởi đầu ấn tượng đưa Nguyên Hồng bước vào làng văn, làng báo và tham gia hoạt động cách mạng cứu nước bằng ngòi bút mạnh mẽ, để rồi mấy mươi tác phẩm nữa của ông lần lượt ra đời, ngoài văn xuôi còn có thơ và tiểu luận phê bình, trở thành cây bút hiện thực hàng đầu, hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957, được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt 1-1996.
3. Trải qua thời thơ ấu nghiệt ngã và chứng kiến bao số phận đau thương nên tâm bút của nhà văn Nguyên Hồng dành nhiều tình yêu thương cho người nghèo bất hạnh, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ. Điều đó thể hiện qua 2 tác phẩm đầu tay lẫy lừng Bỉ vỏ và Những ngày thơ ấu.
Sinh thời, nhà văn Nguyên Hồng cũng đã tâm sự: “Tôi sẽ viết về những cảnh đói khổ, về những áp lực, về những nỗi trái ngược bất công. Tôi sẽ đứng về phía những con người lầm than bị đày đọa, bị lăng nhục. Tôi sẽ vạch trần ra những vết thương xã hội, những việc làm bạo ngược lộng hành của xã hội thời bấy giờ. Tôi sẽ gánh lấy mọi trách nhiệm, chống đối cũng như bào chữa, bảo vệ. Tôi sẽ chỉ có tiến bước, chỉ có đi thẳng. Tôi sẽ chỉ biết có ánh sáng. Và chính tôi là ánh sáng”.
Tâm tình ấy của nhà văn lớn Nguyên Hồng cứ vang mãi trong tôi khi ngồi bên bờ sông Cấm nơi ngày xưa ông sống ở Hải Phòng, cũng như khi lên vùng than Quảng Ninh mà ngày xưa ông ước được làm công nhân khai thác mỏ.