'Nhớ nhớ, quên quên' hậu Covid-19 có đáng lo?
Từ sau khi mắc Covid-19, con gái hay than phiền rất khó nhớ kiến thức đã học, nhiều lúc ngủ dậy là cảm giác quên sạch, lại phải ôn tập mới nhớ.
Nhiều bệnh nhân đến thăm khám vì trí nhớ giảm sút, học và làm việc không tập trung như trước, rối loạn giấc ngủ, mọi hoạt động trở nên chậm chạp...
Hiện tượng này được gọi là hội chứng sương mù não sau Covid-19.
“Học trước, quên sau”
Cảm thấy lo lắng khi thấy con gái không thể tập trung vào việc học vì “nhớ trước, quên sau”, trong khi kỳ thi chuyển cấp đang đến gần, chị Nguyễn Thanh Hằng (Hà Đông, Hà Nội) vội đưa con đi khám hậu Covid-19.
Chị Hằng cho biết: “Từ sau khi mắc Covid-19, con gái hay than phiền rất khó nhớ kiến thức đã học, nhiều lúc ngủ dậy là cảm giác quên sạch, lại phải ôn tập mới nhớ.
Ban đầu, tôi cũng nghĩ con vừa mệt mỏi sau mấy ngày nhiễm Covid-19, sẽ phục hồi nhanh nhưng sức học đuối đi trông thấy. Điều này càng khiến con căng thẳng, lo lắng và luôn có cảm giác bứt rứt, khó ngủ”.
Tương tự, H. - một nam sinh viên đang học năm thứ 3, sau nhiễm Covid-19 trí nhớ cũng suy giảm nhiều, khó biểu đạt ý nghĩ của mình. Không chỉ vậy, nam sinh này còn thường xuyên mất ngủ, làm gì cũng chậm chạp hơn hẳn so với trước đây.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều bệnh nhân đến khám hậu Covid-19 tại Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng thời gian gần đây.
BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga cho biết, trước đây, bệnh nhân đến khám tại Trung tâm khi có triệu chứng “sương mù não” chiếm khoảng 20 - 30%. Trong đó chủ yếu là người trên 50 tuổi. Tuy nhiên, gần đây có gặp hiện tượng này ở nhiều người trẻ.
“Sau nhiễm Covid-19, nhiều bạn trẻ phản ánh khó tiếp thu các bài học trên lớp, kết quả học tập giảm rõ rệt. Ngoài ra, còn kèm một số triệu chứng như ngủ kém, lo lắng, căng thẳng, cảm giác đầu nặng trĩu”, BS. Hoàng cho biết.
Còn theo BS. Đinh Thế Tiến, Phòng khám hậu Covid-19, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, các bệnh nhân đến thăm khám tại đây có hội chứng “sương mù não” không nhiều, thường gặp ở lứa tuổi từ 30 - 50 tuổi. Đáng chú ý, phần lớn trong số này là những người làm việc trí não.
“Bệnh nhân thường than phiền sau mắc Covid-19 hay “nhớ nhớ, quên quên” và triệu chứng kèm theo như rối loạn giấc ngủ, khả năng tư duy kém hơn, cảm giác lơ mơ, làm việc chậm chạp… thậm chí có một số người thường xuyên rơi vào trạng thái buồn ngủ sau Covid-19”, BS. Tiến nói.
Làm gì khi gặp hội chứng sương mù não?
BS. Nguyễn Huy Hoàng cho biết, “sương mù não” là thuật ngữ chỉ các triệu chứng liên quan đến tình trạng thiếu máu não và rối loạn hệ thần kinh thực vật, ảnh hưởng đến tư duy và trí nhớ...
Nguyên nhân “sương mù não” có thể liên quan đến việc các tổ chức, tế bào thần kinh bị virus xâm nhập và tình trạng viêm lan tỏa (bao gồm cả hệ thống thần kinh) do hậu quả của Covid-19.
“
Hiện nay việc điều trị “sương mù não” chủ yếu là điều trị các triệu chứng ở bệnh nhân. Ví như nếu bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ, cần phải “vệ sinh giấc ngủ” bằng cách tạo điều kiện giấc ngủ tốt như chỉnh ánh sáng, không tiếp xúc điện thoại trước 2 tiếng, không uống cà phê, ngủ đúng giờ bảo đảm nhịp sinh học… Việc điều trị hiện chỉ dừng lại ở tư vấn của chuyên gia và chỉ định sử dụng các thuốc tăng chuyển hóa tế bào thần kinh đệm để đẩy nhanh quá trình hồi phục.
BS. Đinh Thế Tiến
”
Tình trạng này tăng nặng khi bệnh nhân bị lo lắng, căng thẳng dẫn đến ăn ngủ kém, suy nghĩ nhiều, ảnh hưởng đến tâm trạng, hành vi.
Bên cạnh đó, khi nhiễm bệnh, các mạch máu, nhất là các mạch máu nhỏ bị tổn thương khiến khả năng lưu thông máu lên não kém đi, dẫn đến tình trạng rối loạn thần kinh thực vật, thiểu năng tuần hoàn não...
“Sương mù não là một bệnh lý mới đang được thế giới nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn chẩn đoán.
Nhiều bệnh nhân tới bệnh viện khám mô tả triệu chứng cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ, đầu óc choáng váng, giảm chú ý, giảm tập trung và ảnh hưởng đến chức năng thần kinh về tư duy và trí nhớ thì các bác sĩ sẽ nhận định đó là sương mù não”, BS. Tiến nói.
Theo BS. Hoàng, hiện chưa có phác đồ điều trị “sương mù não” thống nhất, hoàn toàn điều trị trên kinh nghiệm, chủ yếu lựa chọn phương pháp giúp bệnh nhân tăng lượng máu lên não.
Đối với những người gặp tình trạng “sương mù não” nhẹ, sẽ được tư vấn tự khắc phục bằng cách vận động nhiều, giúp cơ thể hoạt động, giảm căng thẳng như đi bộ, chơi các môn thể thao nhẹ nhàng; tăng cường hoạt động trí não nhiều hơn như đọc sách, chơi những trò chơi trí tuệ (cờ, giải ô chữ…); hạn chế xem tivi mà nên nghe nhạc hay radio. Bổ sung các loại thuốc tăng cường tuần hoàn não, thuốc hoạt huyết.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần bổ sung các thực phẩm như rau, trái cây tươi… hạn chế dùng thịt đỏ và các loại đồ uống có chất kích thích như bia rượu, cà phê.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nho-nho-quen-quen-hau-covid-19-co-dang-lo-d549553.html