Nhớ những lần gặp nhà thơ Tế Hanh

(Baoquangngai.vn)- Giờ mà đi khen thơ Tế Hanh quá hay thì có lẽ là thừa. Bởi lẽ, trên nhiều sách báo, phương tiện truyền thông đã có rất nhiều nhà phê bình khen thơ Tế Hanh hay rồi, nên có nói thêm thì cũng chẳng thể hay hơn những bài viết đó. Tôi chỉ nhắc lại một vài kỷ niệm với Tế Hanh nhân ông tròn 100 tuổi.

Chân dung Tế Hanh thời trẻ.

Ấn tượng về Tế Hanh với tôi không phải là thơ của ông, mà là khi nghe ông trò chuyện. Khác với người em ruột- GS nhạc sĩ Thế Bảo- luôn “mở hết volume” khi nói chuyện với bạn bè, Tế Hanh thì chỉ thủ thỉ bằng chất giọng Quảng Ngãi đặc sệt, thậm chí đặc sệt luôn giọng Bình Sơn. Những ai là dân Quảng Ngãi “chay” sẽ phân biệt rõ điều này khi nghe ông nói chuyện.

Tôi có may mắn được gặp Tế Hanh ba lần. Tôi nghĩ, cách nhau cả ngàn cây số giữa Hà Nội và Quảng Ngãi, thời ấy đi lại khó khăn mà được gặp một nhà thơ vang danh cả nước như Tế Hanh ngần ấy lần thì kể cũng nhiều. Điều thú vị nữa là, cả ba lần ấy, đều để lại trong tôi những ấn tượng khác nhau, dù Tế Hanh là người rất kiệm lời khi trò chuyện với người ít tuổi hơn ông.

Lần thứ nhất

Năm 1993, trong dịp tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc tại Hà Nội, mấy anh em “nhà văn trẻ” chúng tôi gồm Đăng Vũ, Phùng Tấn Đông (Hội An), Trần Kỳ Trung (Nhà xuất bản Đà Nẵng) và tôi, ghé thăm Tế Hanh tại số 8 Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội). Nhà ông quá chật chội, hình như được phân ở cùng với mấy gia đình khác trong một ngôi biệt thự cổ từ thời Pháp thì phải, nên chúng tôi đứa đứng, đứa ngồi ngay “phòng khách” nằm trên lối đi trước hiên nhà.

Đăng Vũ, với tư cách là người “thân nhất” với Tế Hanh- do trước đó anh theo học lớp trên đại học tại Hà Nội nên thường ghé nhà Tế Hanh, tranh phần làm M.C: “Tụi cháu đang tham dự hội nghị các nhà văn trẻ, sẵn dịp ghé thăm bác. Xin giới thiệu, đây là Phạm Đương- làm thơ, cùng quê Quảng Ngãi mình”; xoay sang người đứng cạnh: “Còn đây là Phùng Tấn Đông, quê Hội An, cũng làm thơ”. Vũ tiếp: “Còn cháu thì bác biết rồi, Đăng Vũ đây mà”. Đợi nhà thơ Tế Hanh gật đầu xác nhận, Đăng Vũ giới thiệu tiếp: “Còn đây là Trần Kỳ Trung…”.

Chưa kịp nói hết câu: “viết văn xuôi” thì Tế Hanh tiếp lời: “À ừ, mình cũng có đọc thơ Trung…”. Cả bọn nghe thế, chả thèm đính chính mà… nín cười chứ không thì bị sặc. Trần Kỳ Trung, sau khi chào tạm biệt, ra tới ngoài đường phố, rỉ tai tôi nói: “Nhẽ lúc nãy mình định nói: “Dạ cháu cũng đọc tiểu thuyết của bác rồi”, nhưng nghĩ lại mình cố kìm, nói thế vô lễ quá”. Trong lần gặp tiếp theo (tức lần hai), tôi nhắc lại chuyện ấy, Tế Hanh thú nhận: “Mình nghĩ, Vũ nó giới thiệu ba bạn làm thơ cả ba thì anh cuối cùng tất nhiên là cũng sẽ làm thơ thôi. Vì cái anh nhà thơ ít khi đi với anh nhà văn lắm”. Ra vậy, nhà thơ bị “trượt” theo logic câu chuyện. Người làm thơ thường bị “trượt” như thế. Nhà thơ bị cảm xúc nó dẫn dụ theo một logic thông thường trong ứng xử hàng ngày. Nhưng khi làm thơ thì lại khác, cảm xúc dẫn dụ nhà thơ theo một logic phi truyền thống. Tế Hanh rất “rạch ròi” chuyện này. Hèn chi thơ ông hay đến thế!

“Anh theo các phố đó đây

Thêm yêu Hà Nội vắng đầy cả em”

Vắng mà “đầy” thì chỉ có thể là… Tế Hanh. Logic phi truyền thống là vậy. Đó là logic của thơ.

Lần thứ hai

Đâu khoảng vài năm sau, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha có làm một loạt phim về chân dung các nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có Tế Hanh. Lần ấy, Thanh Thảo có trêu Thụy Kha, cũng là “dọa” luôn nhà thơ đàn anh Tế Hanh: “Hễ Kha nó làm chân dung ai thì người đó thường là ngỏm đấy anh à”. Nghe vậy, Tế Hanh cười: “Tuổi này thì sợ chi nữa Thảo hê”. Cả đoàn làm phim cười tung bụi đất.

Đoàn làm phim đưa ông về Dung Quất, ngay thôn Tuyết Diêm, chỗ cạnh Nhà máy Doosan bây giờ. Lý do đưa Tế Hanh về đây là lúc nhỏ, ông có theo cha về vùng này. Cha ông làm nghề dạy học nên suốt cả tuổi thơ, Tế Hanh gắn với vùng Tuyết Diêm. “Chim bay dọc biển đem tin cá”. Phải là người gắn bó lâu năm với biển và chịu khó quan sát thì mới viết được câu thơ này. Con chim như một sứ giả báo tin vui cho dân làng chài là vậy.

Chú Hải chăm sóc nhà thơ Tế Hanh.

Có lẽ trên 60 năm, Tế Hanh mới có dịp trở lại nơi đã gieo vào trí nhớ con trẻ của ông những âm thanh vỡ vụn trên bờ cát mỗi lúc chiều về. Thời cha ông dạy học ở đấy thế nào không rõ, nhưng hôm Tế Hanh về, làng quê đã khác. Ông đi dọc biển theo kịch bản của đạo diễn để ghi hình. Những bước chân dò giẫm trông đến là thương. Năm ấy, mắt nhà thơ cũng đã kém lắm rồi. Thanh Thảo thì luôn “cảnh báo” cho Tế Hanh về việc ông có thể “đạp mìn” của lũ trẻ con xả ra trên bãi biển bất cứ lúc nào. Ông bỏ ngoài tai lời cảnh báo ấy. Đâu phải chân ông bước mà là quá khứ đã dắt ông đi. Một khi đã đi trong quá khứ, nhà thơ sẽ bất chấp mọi rào cản.

Hôm đó đoàn làm phim có “qua bữa” khá đạm bạc vì hồi đó dưới Dung Quất chưa có quán xá gì. Cũng may là tại một quán cóc ven đường, người ta có bán bia Dung Quất. Tế Hanh đã uống một chai, không ngờ hình ảnh ấy cứ đi đi về về trong nhiều bài báo của nhà thơ Thanh Thảo sau này, khi ông có dịp “tuyên truyền” cho bia Dung Quất quê nhà.

Đoàn làm phim cũng có quay một số cảnh Tế Hanh “đi dọc biển” trên bãi biển Mỹ Khê - Sơn Mỹ. Cảnh cuối cùng trong phim có hai đứa trẻ con nghịch nước, chúng vui đùa chạy theo sau bước chân chầm chậm của nhà thơ. Hai đứa trẻ ấy giờ đã 30 tuổi, một đứa là thằng con đầu của tôi và con gái anh Đinh Anh Tuấn, từng làm ở Ban tuyên giáo Tỉnh ủy trước đây. Thoắt cái mà đã thành chuyện xưa như quả thị của bà.

Lần thứ ba

Năm 2005, tôi được cơ quan Báo Lao Động điều động ra tòa soạn một thời gian. Tôi ghé thăm Tế Hanh trong thời gian này. Năm ấy ông đã nằm một chỗ sau cơn đột quỵ trong lúc đọc thơ kỷ niệm 40 năm về đường Trường Sơn (1959-1999). Tế Hanh gần như sống thực vật, ông hoàn toàn không nhận biết bất cứ điều gì nữa. Là tôi nghĩ vậy khi thấy ông nằm đó, mắt nhìn vô cảm vào khoảng không trống rỗng. Thế nhưng tôi nhầm, anh Hải, năm ấy tầm 40 tuổi, quê Thanh Hóa, người chăm sóc đặc biệt cho nhà thơ kể rằng, chỉ có anh nói thì ông mới “nghe”! Không biết có sợi dây kết nối nào từ tiền kiếp để hai con người xa lạ ấy gặp nhau để rồi anh Hải gắn bó với nhà thơ đến khi ông mất.

Hải kể với tôi rằng, năm đó (1999), anh đi nuôi mẹ ở Bệnh viện Việt-Xô. Bất ngờ một bệnh nhân nhập viện, nằm cạnh giường của mẹ anh. Hải thấy rất nhiều người “mặt rất quen” đến thăm và họ nói toàn chuyện văn chương. Dò la một hồi thì anh biết bệnh nhân đặc biệt đó là nhà thơ Tế Hanh. Vốn mê thơ Tế Hanh từ bé, mơ ước của Hải là làm sao anh có thể gặp thần tượng của mình dù chỉ một lần. Thế nhưng, lần gặp này lại rơi vào hoàn cảnh quá đỗi bi thương. Anh có nói với người nhà nhà thơ Tế Hanh rằng, nếu được, cho anh được phục vụ cụ, bất luận điều kiện gì.

Mẹ Hải sau đó qua đời. Anh đưa mẹ về quê và lo tang cho bà rồi trở ra Hà Nội, tìm đến nhà Tế Hanh và gắn bó với ông từ đó cho đến khi ông mất (2009). Dĩ nhiên, gia đình của Tế Hanh không để cho anh Hải chịu thiệt thòi gì về kinh tế, song nuôi người ốm trong suốt 10 năm, chỉ có tình yêu thơ không bờ bến mới có thể chịu đựng được như thế khi hai con người ấy chẳng ruột rà máu mủ gì nhau.

Thật may mắn và hạnh phúc biết bao!

Trần Đăng

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2047/202106/ky-niem-100-nam-ngay-sinh-nha-tho-te-hanh-2061921-2062021-nho-nhung-lan-gap-nha-tho-te-hanh-3062538/